Top 6 Bài văn cảm nhận tác phẩm Quê hương trong Ngữ văn 7 - SGK Kết nối tri thức hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6

Bài tham khảo số 6

Đối với người nghệ sĩ, đặc biệt với người làm thơ, quê hương có vị trí quan trọng đặc biệt như Xuân Diệu nói: "Những tế bào đầu tiên nguyên sơ của tâm hồn con người thật là thần bí". Quê hương luôn đọng lại những "ám ảnh" đậm sâu và dai dẳng góp phần tạo nên một hồn thơ, một cốt cách nghệ thuật. Dường như không có nhà thơ nào lại không có thơ về quê hương của mình. Nhưng trong số các nhà thơ hiện đại không mấy và hầu như không có nhà thơ nào có được tình cảm đặc biệt, thường trực, da diết như của Tế Hanh với quê hương. Cũng không có nhà thơ nào lại có nhiều thơ viết về quê hương như ông. Có thể nói quê hương đã thành tổ ấm của hồn thơ ông, là nguồn mạch chỉnh xuyên chảy dào dạt trong cả đời thơ của ông và là những bài thơ hay nhất, thành công nhất của ông.


Thật vậy, Tế Hanh đến với thơ bằng những bài thơ viết về quê hương, trong đó, nổi bật nhất chính là Quê hương (viết năm 1939) - bài thơ từng đã vượt qua nhiều thập kỷ để trở thành một trong những bài thơ sáng giá của thơ Việt Nam hiện đại. Có thể nói, tình cảm thường trực và âm hưởng bao trùm suốt bài thơ Quê hương của Tế Hanh chính là tình cảm sâu nặng, thiết tha của ông với làng quê.

Trước hết, tình yêu quê hương của Tế Hanh được thể hiện gián tiếp qua cách nhà thơ giới thiệu về quê hương của mình trong hai câu thơ mở đầu bài thơ. Phải là người từng gắn bó với sông nước, người đã gắn bó với nghề chài lưới sâu đậm như thế nào, mà tác giả mới có thể tạo được hình ảnh người dân chài giữa đất trời lồng lộng gió với đủ sắc màu và hương vị của quê hương thân yêu:

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”

Với hai câu thơ tám chữ ngắn gọn nhưng có thể thấy tác giả đã giới thiệu một cách toàn diện, khái quát và đầy đủ về quê hương của chính mình. "Làng tôi" là cách gọi đầy thiết tha, trìu mến, chan chứa bao tình cảm của nhà thơ với quê hương của mình. Để rồi, từ đó, nhà thơ vẽ ra những đặc điểm, vị trí của quê hương mình. Cụm từ "vốn làm nghề chài lưới" đã cho thấy quê hương của nhà thơ là một làng nghề đánh cá truyền thống từ lâu đời. Cùng với đó, vị trí của làng chính là ở gần biển, chỉ "cách biển nửa ngày sông", có thể dễ dàng nhận thấy đây chính là cách tính không gian quen thuộc của người dân miền biển - lấy thời gian để đo không gian. Như vậy có thể thấy nhà thơ đã giới thiệu một cách ngắn gọn, tự nhiên, giản dị về quê hương của mình. Ẩn sau lời giới thiệu ấy chính là tình cảm thiết tha, đằm thắm và nỗi niềm yêu thương, tự hào về quê hương mình của nhà thơ Tế Hanh. Chất muối mặn nồng ngấm vào hình ảnh người dân quê hương cũng như ngấm sâu vào tâm trí của tác giả. Nhớ con sông quê hương và nhớ những người dân chài, Tế Hanh lại nghẹn ngào xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu thật đẹp đẽ của mình.

Không dừng lại ở đó, tình yêu quê hương da diết của tác giả trong bài thơ còn được thể hiện qua nỗi nhớ, cách miêu tả về khung cảnh sinh hoạt, lao động của những người dân làng chài nơi mảnh đất quê hương. Khung cảnh đầu tiên hiện lên trong nỗi niềm của tác giả đó chính là khung cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá vào mỗi buổi sáng, thể hiện nổi bật trong hai câu thơ tiếp theo:

“Khi trời xanh, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”

“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”, câu thơ đã mở ra không gian bát ngát, trong sáng, màu sắc rạng rỡ của miền biển khơi. Lời thơ như có nhạc, có hoa, có tiếng sóng, tiếng gió, thật tươi nhạc, tươi vui không chút buồn ảo não. Và trong khoảng thời gian ấy, trong không gian của "trời xanh', của "gió nhẹ" những người dân nơi đây đã giong buồm ra khơi đánh cá. Như vậy, những người dân làng chài đã được khắc họa vô cùng ngắn gọn: “Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.” Họ là những người con miền biển, gắn bó biển khơi, thuộc những đổi thay của biển. Họ là những “trai tráng” sung sức, khỏe mạnh làm công việc ra khơi thường ngày nên công việc đối với họ là “bơi thuyền”- không hề thấy chật vật, nặng nề mà nhẹ nhàng phóng lướt:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”

Hình ảnh con thuyền được tác giả so sánh với con “tuấn mã”, khỏe mạnh, kiên cường đầy sức lực, đang hăm hở lên đường. Tính từ “hăng” đã diễn đạt đầy đủ sự hăm hở đó. Cùng với động từ mạnh “phăng”, “vượt” đã khắc họa ấn tượng về sự dũng mãnh của con thuyền vượt sóng ra khơi. “Vượt trường giang” là cái vượt xa, vượt dài, cần có sức lực mạnh mẽ. Hai câu thơ của Tế Hanh dùng biện pháp so sánh, những động từ mạnh đã vẽ lên hình ảnh con thuyền đầy khí thế khi ra khơi, đón biển bằng tất cả sức mạnh, sẵn sàng vượt lên trên thách thức của biển khơi. Hai câu thơ này góp phần tạo nên không khí ra khơi cho người dân làng chài, và không nhắc nhiều đến hình ảnh người dân nhưng dường như con thuyền đã thay họ làm công việc đó.

Khi đang đắm chìm trong hình ảnh lôi cuốn về con thuyền và chuyến đi biển thì tác giả lại tác giả rẽ sang một lối phác họa mới:

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”

Nhà thơ đã dành riêng hai câu thơ chỉ để nói về hình ảnh cánh buồm. Vẫn sử dụng lối nói so sánh “cánh buồm” như “mảnh hồn làng” thông qua động từ “giương”, cánh buồm trở nên lớn lao, gần gũi với người miền biển, đây cũng là cách so sánh hết sức độc đáo của nhà thơ. “Cánh buồm” là sự vật cụ thể, hữu hình ví với “mảnh hồn làng”, trừu tượng, được cảm nhận bằng tâm tưởng, cánh buồm ra khơi hay người dân chài cũng đang vươn mình bằng tất cả sức mạnh của bản thân để “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Và như vậy, việc sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo cùng phép tu từ ẩn dụ đã làm nổi bật lên hình ảnh của cánh buồm trắng, mang linh hồn, sự sống, sức mạnh của cả xóm làng. Đây chính là một hình ảnh thơ lãng mạn, thể hiện sự tự hào, niềm tin và tình yêu quê hương của tác giả.

Không dừng lại ở đó, trong nỗi nhớ, tình yêu quê hương sâu nặng của mình, Tế Hanh còn khéo léo miêu tả lại khung cảnh những đoàn thuyền đánh cá trở về sau ngày dài vượt khơi xa:

“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”

Dưới ngòi bút tinh tế của nhà thơ, khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trên bến quê trở nên thật ồn ào, tấp nập, tràn đầy tiếng cười nói vui vẻ, sau một chuyến ra khơi bội thu với những chiếc ghe đầy những con cá tươi ngon. Để rồi, những người dân chài lưới nơi đây lên tiếng thầm cảm ơn thiên nhiên, cảm ơn người mẹ biển cả đã dịu hiền, chở che, bảo vệ những đứa con để họ có thể trở về với "cá đầy ghe". Đồng thời, trong niềm vui ấy, tác giả đã khắc họa hình ảnh những người dân làng chài với vẻ đẹp thật khỏe khoắn:


“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”

Giống như bàn tay của nhà điêu khắc, ngôn ngữ tạo hình của Tế Hanh đã tạc nên bức phù điêu hùng vĩ về chân dung những người con làng chài rắn chắc, khỏe mạnh như bức tượng đồng nâu với làn da ngăm rám nắng cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Họ là kết tinh cho sức mạnh dãi dầu nắng, gió, sóng biển. Thêm vào đó, cụm từ "vị xa xăm" còn gợi lên vị mặn của biển cả, của đại dương bao la, mênh mông, dường như, tất cả chúng đã thấm sâu vào thân hình của những con người nơi đây. Cùng với hình ảnh những người dân làng chài, bằng ngòi bút tài hoa tinh tế và tình yêu của mình, nhà thơ còn khắc họa hình ảnh con thuyền nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt nhọc:

“Chiếc thuyền im, bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

Vẫn con thuyền ra khơi, giờ đây trở về sau một ngày chạy đua cùng sóng gió được nhà thơ nhân hóa giống như một con người, một nhà hiền triết với dáng nằm thư giãn, lặng lẽ, suy tư. Tác giả đã nghe, cảm nhận bằng thính giác, nhưng ở đây lại nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ; sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Không chỉ con người mà ngay đến cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, thấy vị mặn mòi của muối biển đang râm ran trong cơ thể mình, hay đó chính là cái dư vị dịu êm mà giản dị của nhịp đời miền quê biển.

Tuổi nhỏ của Tế Hanh chắc chắn đã trải qua cái mùi nồng mặn của những mẻ cá vàng, trong lời ru bát ngát, êm êm của bốn bề sóng vỗ thì mới viết được những câu thơ như thế. Khi biết âm thầm hóa hồn mình vào hồn thơ để lắng nghe, mở rộng mọi giác quan để phập phồng thu nhận, mọi cảm giác Tế Hanh mới viết được những câu thơ tài hoa đến vậy. Phải chăng chất muối mặn mòi, thấm dần trong từng thớ vỏ chiếc thuyền nay đã thấm sâu vào làn da, thớ thịt, tâm hồn Tế Hanh để thành nỗi ám ảnh bâng khuâng nhưng kỳ diệu.
Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 6 Bài văn cảm nhận tác phẩm Quê hương trong Ngữ văn 7 - SGK Kết nối tri thức hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy