Bài tham khảo số 6

Đầu năm 1971, đang công tác trong thành ủy Huế, Nguyễn Khoa Điềm được mời tham gia trại sáng tác tổ chức ở đất bạn Lào. Nhà thơ rất thích nhạc giao hưởng ấy tâm sự: Tôi nghĩ tôi sẽ viết một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ. Và trường ca Mặt đường khát vọng đã ra đời. Trường ca gồm chín chương. Đoạn thơ Đất Nước trích từ phần đầu của chương V có tên là Đất Nước. Trong thơ kháng chiến chống Mỹ đất nước là chủ đề bao trùm. Các thế hệ trước nhiều người viết rất hay về đề tài đất nước, cho nên Nguyễn Khoa Điềm tìm cách thể hiện mới, chọn chất liệu từ đời sống dân gian để thấy rằng đất nước là ý niệm thiêng liêng, nhưng cũng thật gần gũi và giản dị.


Đất nước có từ đâu? Đất nước là gì? “Đất nước”, hai chữ thiêng liêng cao cả ấy chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi gia đình chúng ta: từ lời kể chuyện của mẹ, miếng trầu của bà, đến phong tục tập quán quen thuộc, tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ, hạt gạo, hòn than, cái kèo, cái cột trong nhà:


“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”


Bằng giọng tâm tình, dịu ngọt như lời kể truyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm nhận, suy tưởng của mình về cội nguồn đất nước. Lịch sử sâu thẳm của đất nước ta được tác giả cắt nghĩa không phải bằng sự nối tiếp của các vương triều hay các sự kiện lịch sử trọng đại như Nguyễn Trãi đã từng viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”:


“Như nước Đại Việt ta từ thuở trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc – Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương”


Mà bằng những hình ảnh gần gũi, thân quen, bằng những câu thơ gợi nhớ đến truyền thuyết xa xưa, đến nền văn minh lúa nước sông Hồng, cùng những phong tục tập quán độc đáo có từ lâu đời. Đó cũng chính là đất nước được cảm nhận trong chiều sâu tâm hồn nhân dân, văn hoá và lịch sử:


“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”


Hình ảnh thơ phải chăng đã gợi cho ta về sự tích “Trầu cau” từ đời vua Hùng dựng nước xa xưa, ngợi ca tình nghĩa vợ chồng, anh em đằm thắm, sắt son; về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân, trở thành bài ca giữ nước hào hùng của nhân dân đã trở thành lịch sử đất nước:


“Ta như thuở xưa thần Phù Đổng

Vụt lớn lên đánh đuổi giặc

Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt

Chí căm thù ta rèn thép làm roi

Lửa chiến đấu ta phun vào mặt

Lũ sát nhân cướp nước hại nòi”

(Tố Hữu)


Nghĩa là, lịch sử lâu đời của đất nước được kết tinh trong từng câu chuyện kể, trong miếng trầu bà ăn thường ngày, trong “cây tre đánh giặc” thân quen quanh ta.


Bằng thể loại trữ tình chính luận, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ra một cách cảm nhận, một định nghĩa về đất nước để từ đó rút ra một quan niệm về đất nước. Bao trùm là tư tưởng, quan niệm:


Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại


Trước hết, tác giả cảm nhận đất nước qua những hình ảnh bình dị, cụ thể, gần gũi:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa... mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phủi một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó


Từ những hình ảnh bình dị, cụ thể: miếng trầu bà ăn, mảnh đất trồng tre đánh giặc, cái kèo, cái cột, ngôi nhà ta ở, hạt gạo một nắng hai sương ta ăn..., tác giả muốn nói rằng đất nước không ở đâu xa mà rất gần gũi, thân thiết, gắn bó trong đời sống của mỗi gia đình hàng ngày và từ bao đời nay. Và mỗi đứa trẻ lớn lên trong không gian cụ thể ấy sẽ được bà, cha mẹ truyền cho ý niệm về đất nước thông qua những câu chuyện huyền thoại cổ tích, dần dần khái niệm về đất nước sẽ hình thành trong tâm hồn mỗi con người, đến khi lớn lên đứa bé sẽ nhận thức được đất nước. Những hình ảnh này còn gợi liên tưởng, mở ra đời sống của dân tộc, theo chiều dài thời gian qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Trong quá trình lịch sử hình thành và lớn lên đất nước đã được nhân dân xây dựng nền văn minh nông nghiệp lúa nước với phong tục tập quán riêng: ăn trầu, bới tóc. và hình thành tâm hồn tính cách riêng: thủy chung trong tình yêu, cần cù trong lao động. Nhân dân cũng xây dựng truyền thống yêu nước anh hùng chống giặc ngoại xâm: trồng tre đánh giặc. Đất nước được nhân dân xây dựng sáng tạo từ buổi đầu, lại gắn bó với đời sống vật chất và trong tâm thức của nhân dân từ xa xưa đến nay, nên đất nước này là của nhân dân. Đoạn thơ Đất Nước có giọng điệu tâm tình, sự liên tưởng phóng túng nhưng tập trung thể hiện cách cảm nhận về đất nước của tác giả theo chiều bình diện rất rõ ràng. Tác giả tiếp tục cảm nhận đất nước ở chiều rộng không gian, địa lí, lãnh thổ. Đó là một không gian cụ thể, thân thiết đầy đủ dấu yêu đối với mỗi con người:


Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm


Con đường đến trường, bến sông, nơi lứa đôi yêu nhau hò hẹn, tương tự gợi ra không gian, khung cảnh cụ thể, thân quen gần gũi nhưng không kém phần đẹp đẽ thơ mộng. Đó là không gian sinh tồn của cộng đồng qua bao nhiêu thế hệ. Đất nước luôn gắn bó với anh và em trong suốt cuộc đời. Khi lớn lên nhiều mảnh đất trở thành kỉ niệm. Do đó, đất nước gắn bó trong chiều sâu của tâm hồn. Đất nước sẽ mở rộng ra và lớn lên mãi theo mỗi cuộc đời, lúc đầu là ngôi nhà, rồi con đường, bến sông và xa hơn nữa là không gian rộng lớn với núi sông, rừng, biển:


Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi


Hai câu thơ mượn lời dân ca Bình Trị Thiên đã mở ra một không gian đẹp thơ mộng, bát ngát tráng lệ, huy hoàng; vừa thân quen, cụ thể vừa lãng mạn bay bổng như trong huyền thoại. Viết về phong cảnh non sông gấm vóc, giàu có ấy, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu đất nước say đắm.


Thành công nghệ thuật của đoạn thơ là Nguyễn Khoa Điềm đã tạo ra một không gian nghệ thuật riêng đưa ta vào thế giới gần gũi, mĩ lệ, giàu sức bay bổng của ca dao truyền thuyết, văn hóa dân gian. Đây là điểm đặc sắc của hình thức nghệ thuật thống nhất với nội dung tư tưởng.

Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6

Top 10 Bài văn phân tích 9 câu đầu bài thơ "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy