Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Dặn con của Trần Nhuận Minh (Ngữ văn 6) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 4

Độc giả yêu thơ biết đến Trần Nhuận Minh qua những bài thơ như Chiều xanh, Hoa trắng, Trên đồng cỏ hoa vàng, Một lần em ghé qua đây, Gửi cháu, Con mèo, Chiều Yên Tử… Bài thơ Dặn con được tác giả viết năm 1991, in trong Nhà thơ và hoa cỏ – tập thơ có nhiều bài thơ hay, ấn tượng thiên về cảm hứng thế sự viết trong 15 năm, tái bản 22 lần và được trao giải thưởng Nhà nước về văn học năm 2007.Dặn con là bài thơ giản dị, lời lẽ không cầu kỳ, không đánh đố, không hoành ngôn tráng cú, ý tứ gần gũi. Bài thơ mở đầu bằng lời tâm sự với con về thân phận những người hành khất- những người chịu muôn nỗi khó khăn về vật chất, tổn thương về tinh thần:


Chẳng ai muốn làm hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn.


Tác giả không gọi họ là “ăn mày”, mà là “hành khất” đã phần nào nói lên tấm lòng vị tha và cách ứng xử tế nhị. Nhà thơ vẽ nên chân dung của người hành khất “hôi hám úa tàn” nhưng lại giàu lòng trắc ẩn, xem đây như là một quy luật của tạo hóa: “Tội trời đày ở nhân gian”. Trong mỗi con người luôn có lòng tự trọng. Đi xin ăn có thể làm mất lòng tự trọng ở họ nhưng không thể làm ảnh hưởng đến quê hương bản quán. Hiểu điều giản dị mà sâu sắc ấy, người cha dặn con không nên hỏi quê hương người hành khất vì nó chạm vào nỗi đau, khiến họ thêm tủi hổ:


Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏi

Quê hương họ ở nơi nào.


“Con không bao giờ được hỏi/Quê hương họ ở nơi nào” – một lời khuyên vô cùng ý nhị, hơn bất cứ lí luận đạo đức nào. Với nhiều người ăn mày, để “hưởng” được một chút bố thí của thiên hạ, lắm khi họ phải nhận lời miệt thị. Tuy nhiên, có lẽ nỗi đau lớn nhất của họ là bị ai đó xoáy hỏi quê hương bản quán, để rồi có lời mỉa mai nơi chôn nhau cắt rốn. Hiểu và cảm thông với thân phận những người hành khất, người cha đã dặn con những điều rất đỗi bình thường nhưng rất xúc động:


Con chó nhà mình rất hư

Cứ thấy ăn mày là cắn

Con phải răn dạy nó đi

Nếu không thì con đem bán.


Dặn con về lòng thương người, người cha nói đến con chó, một con vật nuôi thân thuộc trong ngôi nhà của mình, thậm chí con chó còn được xem như bạn, như một thành viên trong gia đình. Nhưng nếu nó có thái độ không tốt, không biết sống có tình có nghĩa, không răn dạy được thì “đem bán”. Từ “răn dạy” đến “bán” là cả một hành trình ứng xử vừa kiên quyết vừa mở ngỏ đầy tính thương lượng, tôn trọng lòng tự trọng của đứa bé. Chi tiết này vừa đem đến độ chân thực vừa đậm tình người trong bài thơ.


Của cải là vật ngoài thân, chỉ có lòng yêu thương là vô giá. Đại văn hào V.Huy Gô cho rằng “Trên đời này chỉ có điều ấy thôi, đó là yêu thương nhau”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Cuộc sống có thể có những thăng trầm, hôm nay có thể no đủ hạnh phúc, nhưng ngày mai biết đâu nghèo khổ. Để rồi có khi “Ăn mày là ai, ăn mày là ta”. Từ suy nghĩ đó, tác giả đúc kết một cách sâu sắc, cảm động ở khổ thơ cuối:


Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này…


“Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này” như một triết lí bình an, một quan niệm sống tích cực.

Dặn con viết bằng thể thơ 6 chữ với giọng điệu tình mà như độc thoại với mình về một kinh nghiệm sống, một bài học đạo lý làm người. Chỉ có những trái tim thi sĩ nhạy cảm đau đáu với nỗi thương người, thương đời mới dễ cảm thông và chia sẻ.


Bài thơ là lời gan ruột của một người cha đã đi qua cuộc đời, nếm trải và thấu hiểu nhiều quy luật cuộc sống, nhắn nhủ đến người con về đạo lí làm người. Trao đi lòng yêu thương để nhận những những điều tốt đẹp.


Trần Nhuận Minh hướng ngòi bút về những phận người lam lũ, cơ cực tồn tại quanh mình để an ủi, chia sẻ. Trong khi độc giả đang quay lưng với lối thơ tầm phào mây gió, rối rắm thì những “Câu thơ như gan ruột/ Phơi ra giữa mây trời” trong Dặn con của Trần Nhuận Minh đã chinh phục tình cảm của công chúng yêu thơ.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Dặn con của Trần Nhuận Minh (Ngữ văn 6) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy