Bài tham khảo số 3

Trong xã hội phong kiến xưa, thân phận của người phụ nữ luôn là tấm gương thể hiện rõ những ngang trái, những bất công. Sống trong thiết chế hà khắc của quan niệm "trọng nam khinh nữ", họ chỉ còn biết ngậm ngùi khóc thầm và than thân trách phận thông qua những câu ca dao. Những câu ca than thân cất lên đã thể hiện rõ khát vọng tự do về tình yêu và giải phóng thân phận cùng tinh thần phản kháng chế độ phong kiến của người phụ nữ.


Thông qua những câu ca dao than thân, chúng ta có thể thấy được thế giới cảm xúc cùng sự cảm nhận mang tính khái quát về những bất hạnh của con người, đặc biệt là số phận của người phụ nữ. Sống trong chế độ xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công của chế độ nam quyền và tư tưởng "trọng nam khinh nữ", người phụ nữ bị tước đoạt đi mọi quyền lợi và không có quyền tự do định đoạt cuộc sống của mình:


"Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"


Với cách diễn đạt quen thuộc thông qua mô-tip "thân em"- cách diễn đạt quen thuộc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca dao, câu ca trên đã so sánh người phụ nữ với "tấm lụa đào"- hình tượng gợi lên vẻ đẹp thướt tha. Người phụ nữ đã cất lên tiếng ca ví mình với tấm lụa - tuy đẹp đẽ nhưng đến cuối cùng chỉ là một món hàng "phất phơ giữa chợ" và không có quyền định đoạt số phận của mình. Thứ đã tước đoạt đi quyền tự do của họ chính là lễ giáo phong kiến hà khắc với những quy định khắt khe, khiến thân phận của người phụ nữ trở nên lênh đênh, chìm nổi:


"Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"


Số phận của người phụ nữ bỗng nhiên lênh đênh, chìm nổi và không thể đoán định được tương lai và hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi, cũng giống như hạt mưa sa vào những địa điểm khác biệt về "đài các" và "ruộng cày". Bên cạnh việc so sánh phận mình với những sự vật tốt đẹp nhưng không được trân trọng, người phụ nữ còn ví mình với những sự vật thấp bé, nhỏ nhoi không đáng được quan tâm:


"Thân em như củ ấu gai

Ai ơi, nếm thử mà xem

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi"


Củ ấu gai với vẻ đẹp tiềm ẩn "Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen" phải cất lên tiếng lòng mời gọi "Ai ơi" để thể hiện nét đẹp của bản thân cho thấy trong xã hội phong kiến, giá trị cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ không hề được quan tâm. Câu ca cất lên với lời mời gọi thể hiện sự tự khẳng định bản thân đầy mạnh mẽ, táo bạo nhưng vẫn mang đậm dư âm của sự chua xót và cay đắng. Trong kho tàng ca dao Việt Nam, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều câu ca thể hiện rõ thân phận của người phụ nữ trong sự đối chiếu, so sánh giữa hai đối tượng nam và nữ:


"Anh như chỉ óng thêu cờ,

Em như rau má mọc bờ giếng khơi"

Hay như:

"Anh như tán tía, lọng vàng

Em như chiếu rách nhà hàng bỏ quên"


Thông qua sự so sánh đối chiếu qua cặp lục bát và kết cấu song hành đối xứng: "Anh như" - "Em như", câu ca đã thể hiện rõ quan niệm trọng nam khinh nữ cùng sự bất công, sự khinh trọng trong lễ giáo phong kiến xưa về con người. Như vậy, thông qua những câu hát than thân, chúng ta có thể thấy rõ thân phận đầy bi kịch của người phụ nữ; đồng thời thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn, cũng như tiếng nói phản kháng của họ trước một xã hội đầy rẫy những ngang trái luôn vùi dập số phận, cuộc đời của họ.


Thế giới ca dao không chỉ tràn ngập những tiếng hát ngợi ca, yêu thương mà còn chứa đựng những tiếng khóc thầm, ngậm ngùi, than thân trách phận của những người phụ nữ. Đó cũng chính là những câu ca làm nên giá trị nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp trong nền văn học dân gian.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 9 Bài văn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua ca dao than thân hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 5
  7. top 7 Bài tham khảo số 6
  8. top 8 Bài tham khảo số 7
  9. top 9 Bài văn tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy