Top 5 Bài văn phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 1

Mỗi chúng ta, ai cũng thường có cho mình một nơi nào đó để gửi gắm ký ức. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy, họ hay chọn cho mình một miền đất hoặc một con sông. Và ở đó bao nhiêu kí thác tâm hồn được vắt ngang qua. Trở lại thế kỉ XIV, văn học trung đại của dân tộc đã có một nhà thơ như thế. Đó chính là Trương Hán Siêu – nhà thơ nặng lòng với con sông Bạch Đằng oai hùng của lịch sử qua văn phẩm nổi tiếng Phú sông Bạch Đằng. Có lẽ biết bao tâm tư của cả một đời cống hiến được ông dồn nén hết thảy vào dòng chảy bất diệt ấy để làm nên một tác phẩm trở thành đỉnh cao của thơ văn dân tộc. Tiêu biểu cho dòng chảy ấy qua lời kể của các bô lão ở đoạn 2 đã cho chúng ta thấy được lòng tự hào tự tôn dân tộc cùng những chiến tích trên sông Bạch Đằng.


Phú sông Bạch Đằng (tên chữ Hán Bạch Đằng giang phú) được dự đoán ra đời vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên thắng lợi của nhà Trần. Lấy cảm hứng từ một đề tài cũng không hề xa lạ, bởi sông Bạch Đằng đã trở thành thi liệu sáng tác của nhiều nhà thơ như Trần Minh Tông, Nguyễn Sưởng, sau này là Nguyễn Trãi. Nhưng Trương Hán Siêu trong Phú sông Bạch Đằng đã mang tới biết bao cảm xúc vừa chân thực, thiết tha vừa hoài niệm, xúc động để khơi dậy nên niềm tự hào, lòng yêu nước và khẳng định những tư tưởng nhân văn cao đẹp về giá trị con người. Có nhiều ghi chép cho rằng, Trương Hán Siêu sáng tác bài phú này vào thời điểm đất nước dưới thời hậu Trần (hai vị vua Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông) có dấu hiệu suy thoái.


Vốn là một trọng thần, học vấn uyên thâm, tính tình đức độ, trải qua bốn đời vua Trần, từng được các vua tôn kính và gọi là "thầy", trước thực trạng đất nước như vậy, ông cảm thấy chán nản và tự mình ngao du đây đó. Và điểm đến của ông không đâu khác chính là con sông Bạch Đằng để hoài niệm về một thời vàng son của dân tộc. Có lẽ bởi vậy mà bài phú mới toát lên dư vị pha lẫn của một tâm hồn nghệ sĩ lãng tử, một sử nhân hoài cổ và một nỗi niềm nhân thế thầm kín. Với đặc trưng cơ bản của loại phú cổ thể, Phú sông Bạch Đằng có bố cục 4 đoạn (mở, giải thích, bình luận, kết) và có hình thức đối đáp quen thuộc giữa nhân vật "khách" và nhân vật "các vị bô lão" được tác giả hư cấu. Tuy nhiên, điểm tựa của toàn bộ bài phú là cảm xúc, tâm trạng của nhân vật "khách" được bộc lộ xuyên suốt từ lúc đặt chân tới sông Bạch Đằng cho đến khi lắng nghe được những lời kể đầy hào hùng về những chiến công trên dòng sông ấy của các vị bô lão. Ở đoạn 2, các bô lão là hình ảnh tập thể, xuất hiện nhằm tạo ra vẻ tự nhiên của một cuộc trò chuyện. Đây có thể là những người dân địa phương mà tác giả gặp trên đường vãn cảnh, cũng có thể là nhân vật tác giả hư cấu để bày tỏ tâm trạng của mình một cách khách quan hơn.


Bằng thái độ nhiệt tình và hiếu khách, các bô lão kể cho khách nghe về chiến công Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã, về trận Ngô chúa phá Hoằng Thao, là những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trên sông Bạch Đằng. Các trận đánh được tái hiện từ thời Ngô Quyền đến thời Trần Hưng Đạo. Điều đó cho thấy thời ấy dân tộc ta luôn phải đương đầu với quân xâm lược phương Bắc và vận nước nhiều lúc lâm nguy, ngàn cân treo sợi tóc. Các bô lão kể lại diễn biến của từng trận đánh. Ngay từ đầu, quân ta và quân địch đã tập trung binh lực hùng hậu cho một trận đánh quyết tử. Nghệ thuật đối đã nêu bật không khí chiến trận bừng bừng: Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới, Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói, Trận đánh được thua chửa phân, Chiến lũy bắc nam chống đối. Đó là sự đối đầu không chỉ về lực lượng mà còn là đối đầu về ý chí: quân dân ta với lòng yêu nước và sức mạnh chính nghĩa; quân địch thì thế cường với bao mưu ma chước quỷ. Chính vì vậy mà trận chiến diễn ra ác liệt:


Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,

Bầu trời đất chừ sắp đổi.


Đây là những hình tượng kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ, được đặt trong thế đối lập: nhật nguyệt / mờ, trời đất / đổi, báo hiệu một cuộc thuỷ chiến kinh thiên động địa. Nguyên nhân của cuộc đối đầu quyết liệt ấy chính là mưu mô thâm hiểm của quân xâm lược phương Bắc, cho dù có khác nhau về thời gian nhưng thống nhất ở mục đích cướp nước Đại Việt bằng được: Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối. Những tưởng gieo roi một lần, Quét sạch Nam bang bốn cõi! Tác giả chỉ rõ sức mạnh ghê gớm của quân Nguyên – một lực lượng vô cùng tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt, đồng thời cũng nhắc lại chuyện thời Ngô Quyền, Lưu Cung tức vua Nam Hán lập chước lừa dối để nhằm xâm lược nước Nam. Chuyện Bồ Kiên nước Tần khi dẫn quân vào đánh nước Tấn huênh hoang tuyên bố: “Cứ như số quân của ta thì chỉ ném roi ngựa xuống sông cũng ngăn dòng nước lại được”. Tác giả mượn ý này để nói những đạo quân xâm lược trước đây và hiện nay đều ỷ thế quân đông tướng mạnh, đều ngạo mạn tưởng rằng chỉ một trận đánh là dẹp được bốn cõi, thu phục nước Nam. Nhưng chúng đâu có ngờ sức mạnh “Sát Thát” của quân dân nhà Trần đã được đất trời ủng hộ: Thế nhưng: Trời cũng chiều người, Hung đồ hết lối! Bằng cách sử dụng điển cố và lối nói khoa trương, tác giả đã ngầm so sánh chiến thắng trên sông Bạch Đằng với những trận thuỷ chiến vang dội nhất trong lịch sử phương Bắc: Khác nào khi xưa: Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay, Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.


Hình ảnh đặc tả tan tác tro bay và hoàn toàn chết trụi nhấn mạnh tính chất khốc liệt của trận chiến và sự thất bại thảm hại của quân giặc. Theo quy luật của trời đất, cuối cùng thì người chính nghĩa chiến thắng, còn lũ hung đồ hết lối, chuốc nhục muôn đời: Đến nay nước sông tuy chảy hoài, Mà nhục quân thù khôn rửa nổi! Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi. Hình ảnh: Đến nay nước tuy sông chảy hoài đối lập với hình ảnh Mà nhục quân thù khôn rửa nổi. Câu thơ vừa tả thực, vừa tạo sự liên tưởng so sánh thú vị. Dòng nước cứ mải miết trôi đi, thời gian qua đi, người xưa cảnh cũ rồi cũng thay đổi nhưng mưu mô xâm lược cùng thất bại của quân thù thì mãi mãi không gì gột rửa nổi. Đó là bài học đắt giá cảnh tỉnh tham vọng xâm lược phi nghĩa. Bên cạnh đó thì những câu thơ trên cũng khẳng định sức mạnh to lớn và niềm tự hào dân tộc sâu sắc của những người chiến thắng. Thái độ, giọng điệu của các bô lão trong khi kể về chiến công Bạch Đằng đầy tự hào, tạo cảm hứng phấn khích cho tác giả. Lời kể không dài dòng mà súc tích, cô đọng, tuy khái quát nhưng vẫn gợi lại được diễn biến, không khí của trận đánh một cách sinh động. Các câu trong đoạn này tuy dài ngắn khác nhau nhưng đều mang âm hưởng hào hùng, đanh thép.


Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học Việt Nam thời trung đại: cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động mang đậm tính chất triết lí. Ngôn từ vừa trang trọng, hào sảng, vừa lắng đọng, gợi cảm. Tính chất hoành tráng của bài phú thể hiện ở cảm hứng lịch sử dạt dào âm vang chiến thắng oanh liệt, ở những chứng tích gắn liền với dòng sông nổi tiếng. Có thể coi bài Phú sông Bạch Đằng là tác phẩm tiêu biểu của văn học thời Lí - Trần. Bài phú đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 5 Bài văn phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy