Top 7 Bài văn nghị luận suy nghĩ về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 1

Ai cũng biết sách là nguồn tri thức vô tận và vô giá được tích lũy từ hàng ngàn đời nay của nhân loại. Ai cũng biết sách là thành quả lao động của bao con người muôn đời khao khát được trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nữa những tri thức quý báu, những đúc rút quy luật ngàn đời được đánh đổi bằng bao trải nghiệm mồ hôi, xương máu và bao trăn trở theo nhịp năm tháng… Và ai cũng biết sách chỉ thực sự làm tròn sứ mệnh của mình khi nó được tiếp nhận và tiếp thu một cách có văn hóa…


Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá đọc sách. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào thì cũng cần thấy các yếu tố: thói quen đọc sách, cách lựa chọn sách và kỹ năng đọc có vai trò quan trọng để tạo thành văn hoá đọc. Thế nhưng không ít người hôm nay không có thói quen đọc sách. Họ “để dành” việc đọc sách ấy cho những người trí thức, các nhà văn, nhà khoa học… Hoặc số khác đọc một cách qua loa, những trang sách cứ thế lật đi mà đầu vẫn trống rỗng. Sách có rất nhiều mà không ít người không biết chọn đúng sách để đọc và tìm hiểu. Một số lại chọn đọc sách theo phong trào, không phải do đam mê, không có một chút hiểu biết gì về nội dung cuốn sách mình đang chuẩn bị đọc, cho nên dễ chọn nhầm sách vô thưởng vô phạt, sách có nội dung thiếu văn hoá, không lành mạnh. Vậy nên mới có một nghịch lí trong giới trẻ Việt Nam hiện nay là truyện ngôn tình bán chạy hơn, phổ biến hơn cả những cuốn sách được trao giải Nobel.


Một xã hội hiện đại đang phát triển, một thế giới của những con người trong thế kỉ bùng nổ công nghệ thông tin đang dần nâng cao nhu cầu hưởng thụ và an nhàn hóa của con người. Cần thứ gì, hầu như bạn đều có thể vịn vào mạng Internet để tìm cho mình! Phải chăng ai đó trong số chúng ta đã từng mặc định cho mình một quan niệm rằng mạng Internet chính là một cuốn “Bách khoa toàn thư” khổng lồ đầy tiện lợi? Và truyền hình, các phương tiện nghe nhìn ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Ai đó đã từng cho rằng, truyền hình và các phương tiện nghe nhìn có thể thay thế sách. Có phải vì thế mà sách đã dần mất đi vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người thời đại nay? Bên cạnh đó, người ta mải mê xoay vần chính mình trong bộn bề công việc để kiếm được nhiều tiền nhất có thể.


Có lẽ nhiều người cũng vì thế mà quên đi cái chuyện gọi là “văn hóa đọc sách”. Nhưng dường như không phải thế. Nhà văn hóa Hữu Ngọc có lần băn khoăn: Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không? Và ông tự trả lời rằng: Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền. Phải, chỉ có đọc sách chúng ta mới có thể ghi nhớ lâu dài những thông tin, tri thức trong hành trình tích lũy của mình! Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích kì diệu của mạng internet, của các phương tiện nghe nhìn. Song cũng phải nhìn nhận lại ở chiều thứ hai của nó khi chúng ta quá phụ thuộc trở thành lệ thuộc. Tích tắc là có thông tin cần tìm, nhưng khi cần xong lại cũng có thể quên ngay trong tích tắc. Có thể nghe, nhìn một cách trực quan nhưng lại hạn chế khả năng liên tưởng, tưởng tượng. Tìm trong sách, ta còn thấy cả tâm hồn người nghệ sĩ, hồn dân tộc và cả chính nỗi lòng chúng ta. Và thật đáng quý biết bao khi vẫn còn có những người đọc sách bằng tất cả đam mê, khao khát tìm hiểu và khám phá tri thức vĩ đại của loài người, những cuốn sách dường như là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Thật may mắn thay khi những cuốn sách quý có thể tìm được những người bạn tâm giao cho mình! Lại có những người cần mẫn đi góp những cuốn sách để xây dựng thư viện cho các em thiếu nhi. Đó là gì nếu không phải là truyền niềm đam mê của mình đến cho người khác?


Đọc sách với tôi cũng là cả một nghệ thuật, là một quá trình thường thức thẩm mĩ. Phải biết chọn sách mà đọc. Vấn đề này không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Sách thì vô vàn nhưng cũng không ít sách vô bổ, thậm chí có sách ảnh hưởng xấu đến người đọc. Đọc sách cũng đòi hỏi người đọc phải có sự tập trung cao độ, nắm bắt thông tin quan trọng nhanh, cần và đủ. Thật tuyệt diệu biết mấy khi vừa đọc sách, vừa nghe kèm một bản nhạc Baroque hay nhạc không lời. Những cuốn sách dày chúng ta có thể chia nhỏ ra thành từng phần để đọc, mỗi ngày một chút, vừa đọc vừa suy ngẫm…

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn nghị luận suy nghĩ về văn hóa đọc trong xã hội hiện nay hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy