Bài soạn "Đây thôn Vĩ Dạ" số 4

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả

Hàn Mạc Tử ( 1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí.Sinh tại Đồng Hới – Quảng Bình, lớn lên ở Quy Nhơn tỉnh Bình Định.
Cuộc đời và sự nghiệp:
Hàn Mặc Tử làm thơ từ 14, 15 tuổi với hiệu là Lệ Thanh, Phong Trần,...
Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ông là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ Mới.
Năm 1936, ông mắc bệnh phong chuyển hẳn về Quy Nhơn chữa bệnh, ở đây nhà thơ không chịu nổi cảnh giam lỏng, cách ly với bên ngoài nên lấy thơ làm bạn. Sau đó ông mất tại Quy Hòa.
Các tác phẩm chính: gái quê, lúa chiêm, sao anh không về chơi thôn vĩ, nổi tiếng nhất là tập thơ Điên của ông.


2.Tóm tắt tác phẩm:

“Đây thôn Vĩ Dạ” sáng tác năm 1938, được in trong tập Thơ Điên.
Theo một số tài liệu, có thể bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương xứ Huế thơ mộng. Hàn Mạc Tử trước khi bị bệnh có quen một cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc, cả hai người đều có tình ý với nhau nhưng vốn là một con người nhút nhát nên Hàn Mạc Tử không nói ra. Đến khi Hàn mạc Tử bị bệnh thì cô gái tên Hoàng Cúc ngày nào giờ đã lấy chồng nhưng biết tin nhà thơ bị bệnh cô đã gửi một tấm bưu thiếp cho ông.
Bài thơ như một bức tranh đẹp về một miền đất nước, là tiếng lòng của một con người thiết tha yêu đời, yêu người.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 39 sgk ngữ văn 11 tập 2

Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu.

Bài làm:
Câu thơ mở đầu "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" là câu hỏi mà thực ra là lời trách móc nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ.
Hình ảnh "nắng hàng cau nắng mới lên" ở thôn Vĩ mang một vẻ đẹp lấp lánh, tinh khiết. Được nhìn nắng mới, trên những lá cau non là khoảnh khắc khó quên.
Cảnh vườn "mướt", "xanh như ngọc" cũng là một nét độc đáo của những khu biệt thự nhà vườn thôn Vĩ. Từ "mướt" gợi sự tươi non, sạch sẽ, láng bóng của từng chiếc lá dưới ánh mặt trời. Trong khi đó, hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" gợi hình dung vé những tán cây xanh mướt, mượt mà được ánh nắng mặt trời rực rỡ buổi sớm mai chiếu xuyên qua ánh lên màu xanh trong suốt như màu ngọc.
Trong ba câu thơ đầu, con người chưa xuất hiện. Đến câu thơ thứ tư, sự xuất hiện ấy cũng không trọn vẹn. Nó ngượng ngùng, e ấp: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Khuôn mặt chữ điền phúc hậu càng có ấn tượng trong sự kín đáo, duyên dáng.


Câu 2: Trang 39 sgk ngữ văn 11 tập 2
Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc gì?
Bài làm:
Trong khổ thơ thứ hai Hàm Mặc Tử đã miêu tả bằng những hình ảnh rất ấn tượng như gió, mây, sông và trăng,…
“Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?"
Trong hai câu thơ đầu tiên gợi nên sự êm đềm, nhẹ nhàng của Huế mộng mơ. Hình ảnh gió và mây trong tự nhiên thường đi liền với nhau, tuy nhiên ở đây lại có cảm giác chia lìa mỗi thứ một hướng.
Dòng nước đìu hiu, êm đềm lặng lẽ trôi chứ không ồn ào sông nước.
Hình ảnh thuyền và trăng tạo sự lung linh, huyền ảo cho bức tranh thiên nhiên êm đềm trong hai câu thơ đầu.
Câu hỏi tu từ cuối bài như thể hiện nỗi mong ngóng, hi vọng ai đó sẽ về cùng đó thể hiện nỗi đau khổ tuyện vọng của nhân vật.


Câu 3: Trang 39 sgk ngữ văn 11 tập 2
Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình như thế nào? Chút hòai nghi trong câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà?” có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời không? Vì sao?
Bài làm:
Trong khổ thơ thứ ba này, nhà thơ trực tiếp nói đến tình người xứ Huế khác với hai khổ thơ trên, đây chính là tâm trạng bộc bạch tác giả:
Trong câu thơ “Mơ khách đường xa, khách đường xa” nhìn ở góc độ nào ta cũng thấy sự đau khổ, câu thơ này có thể hiểu như chính nhà thơ là khách đường và và dù rất muốn nhưng không thể về thăm được.
Câu thơ “Áo em trắng quá nhìn không ra” có thể hiểu theo hai nghĩa, về nghĩa thực: xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói, sương khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế, nhưng sương và khói đều màu trắng, "áo em" cũng màu trắng thì chỉ có thể thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo. Về nghĩa bóng: cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho bao cái huyễn hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu và xa vời?
Ta lại bắt gặp cuối đoạn thơ một câu hỏi tu từ nữa “Ai biết tình ai có đậm đà?” thể hiện sự hoài nghi của tác giả: nếu như tác giả một lòng hướng về xứ Huế thì không biết con người nơi đây có nhớ đến mình hay không? Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.
Các từ: Xa, trắng quá, sương khó, mờ, ảnh ... càng tăng cảm giác khó nắm bắt.


Câu 4: Trang 39 sgk ngữ văn 11 tập 2
Có gì đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ?
Bài làm:
Tứ thơ là ý chính, ý lớn bao quát bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng toàn bài thơ. Ò bài thơ này, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp thôn Vĩ bên dòng sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực - ảo và mở ra bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế với phấp phỏng những mặc cảm, uẩn khúc, niềm hi vọng, niềm tin yêu.
Bút pháp của nhà thơ sử dụng trong bài thơ này kếp hợp hài hoà điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tính chất tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn. Nét chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.


LUYỆN TẬP
Câu 1: Trang 40 sgk ngữ văn 11 tập 2

Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả?
Bài làm:
Những câu hỏi trong bài thơ không hướng tới một đối tượng cụ thể nào. Những câu hỏi này có tác dụng bày tỏ thái độ, nỗi niềm, cảm xúc của tác giả.
Trong câu hỏi đầu tiên ‘Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” như một lời trách móc nhẹ nhàng của người con gái.
Trong câu hỏi thứ hai “Có chở trăng về kịp tối nay?” là một câu hỏi tu từ thể hiện niềm hi vọng, tình yêu thương thầm kín của tác giả.
Trong câu hỏi cuối bài “Ai biết tình ai có đậm đà?” câu hỏi này làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời.


Câu 2: Trang 40 sgk ngữ văn 11 tập 2
Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì?
Bài làm:
Bài thơ được sáng tác sau khi nhà thơ bị mắc bệnh phong hai năm và đang điều trị tại trại phong Quy Hòa. Theo như một số tài liệu nhà thơ lấy cảm hứng từ chuyện tình của nhà thơ và người trong mộng. Hàn Mạc Tử trước khi bị bệnh có quen một cô gái tên là Hoàng Thị Kim Cúc, cả hai người đều có tình ý với nhau nhưng vốn là một con người nhút nhát nên Hàn Mạc Tử không nói ra. Đến khi Hàn Mạc Tử bị bệnh thì cô gái tên Hoàng Cúc ngày nào giờ đã lấy chồng nhưng biết tin nhà thơ bị bệnh cô đã gửi một tấm bưu thiếp cho ông.
Nội dung chính của bài thơ là tiếng lòng của một con người yêu tha thiết đời, yêu tha thiết người. Cùng với đó khi nhà thơ bị bệnh là khi đau khổ tuyệt vọng nhất, buồn bã nhất.
Điều đó khiến ta thêm thương xót và cảm thông với số phận của tác giả, thêm cảm phục một con người đầy tài năng và nghị lực, con người đã dũng cám vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã để sáng tác ra những vần thơ tài hoa về tình đời, tình người.


Câu 3: Trang 40 sgk ngữ văn 11 tập 2
Đây là bài thơ nói về tình yêu hay tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc?
Bài làm:
Bài thơ này là bài thơ về tình yêu thể hiện tình yêu của tác giả và Hoàng Thị Kim Cúc, tình yêu nhẹ nhàng thầm kín của hai người. Tuy nhiên qua tình yêu cá nhân cũng có thể thấy hiện lên tình yêu quê hương đất nước.
Bài thơ này làm hiện lên những vẻ đẹp về cảnh và người xứ Huế qua đó cho thấy được tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả đối với quê hương đất nước. Ẩn trong lớp câu ngữ, bài thơ còn thể hiện tình cảm của Hàn Mặc Tử hướng về người thôn Vĩ: nhớ mong, khắc khoải, hoài nghi, vô vọng. Nhờ những tình cảm hết sức chân thực, cùng với những hình ảnh giàu sức lay động, bài thơ đã đi vào lòng thế hệ nhiều bạn đọc.


Giá trị nội dung và nghệ thuật của Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Bài làm:
1. Giá trị nội dung

Cả bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng với những đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế. Nhưng dường như những hình ảnh ấy mơ hồ, mờ nhòe như thực, như ảo. Tất cả được tái hiện lại qua kí ức của người nghệ sĩ.
Ba khổ thơ với những hình ảnh dường như không liên quan nhưng sự thực chúng là những mảnh ghép kí ức của nhà thơ. Đồng thời cũng là nỗi đau đớn, quằn quại của Hàn Mặc Tử khi khao khát được sống, tha thiết với đời còn quá sâu nặng mà thời gian còn lại của đời người lại quá ngắn ngủi.
=> Bài thơ vừa là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước nhưng đồng thời cũng là khao khát sống đến cháy bỏng của nhà thơ.

2. Giá trị nghệ thuật

Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư
Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích khiến cho trường liên tưởng được mở rộng, khung cảnh thiên nhiên trở nên đẫy đà, giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ
Sử dụng hàng lọat câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải khiến cho bài thơ đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy