Bài phân tích đoạn cuối tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" số 10

Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là người mở đường tinh anh và tài hoa nhất cho phong trào văn học Việt Nam giai đoạn mới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm tiêu biểu trong đó chúng ta phải nhắc đến tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Tác phẩm đã mang đến cho bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đặc biệt là đoạn cuối câu chuyện đã gây cho ta nhiều ám ảnh.


Khép lại tác phẩm là bức tranh được nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng thu vào bức lịch năm ấy. Bức ảnh năm ấy là cảnh con thuyền kéo lưới đang tiến vào bờ, vài bóng người im phăng phắc, từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích. Đó là một bức ảnh rất nghệ thuật, là một cảnh đắt trời cho, một vẻ đẹp toàn bích hiếm có, mà có lẽ đời nghệ sĩ khó có thể gặp lần hai. Trước vẻ đẹp này, cái thiện, mĩ, giúp người nghệ sĩ thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa, lãng mạn của cuộc đời. Thế nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện, cả một cuộc đời nhiều đau khổ, cả một góc khuất của xã hội lúc bấy giờ: Cảnh một người đàn bà làng chài xấu xí, thô kệch bị người chồng cục súc vũ phu hành hạ, nhiếc móc, đánh đập không thương tiếc, càng đau đớn hơn khi người phụ nữ câm lặng chịu nhục, đứa con trai chấp nhận tiếng bất hiếu để bảo vệ mẹ. Đó là cả một câu chuyện rất dài về cuộc đời của một người đàn bà miền biển với đức hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn trân quý. Qua bức ảnh và câu chuyện này, bản thân Phùng không chỉ có cảm nhận của một người nghệ sĩ đơn thuần yêu cái đẹp, mà nó còn là một bài học, một phát hiện mới trong cuộc đời, cay đắng nhận ra rằng, đằng sau cái vẻ đẹp toàn bích, toàn thiện kia là những điều hết sức ngang trái, xấu xa và những nghịch cảnh trớ trêu của cuộc đời. Phùng "mỗi lần ngắm kỹ" bức ảnh, cái anh thật sự thấy không phải là cảnh sương sớm ban mai, mà chính là cuộc đời của một người đàn bà mưa nắng nhọc nhằn, là vẻ đẹp đạo đức của một con người có tấm lòng nhân hậu vị tha hơn tất cả.


Đằng sau vẻ đẹp của bức ảnh ấy là câu chuyện của người đàn bà làng chài cùng những suy nghĩ của bà làm ta phải suy nghĩ. Khi đứng trước quan tòa, vị chánh án khuyên bà bỏ chồng, bà van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Bà cam chịu, nhẫn nhịn vì con, muốn con có một gia đình và nuôi chúng nó khôn lớn. Sự cam chịu, nhẫn nhịn của bà bắt nguồn từ tình yêu thương con vô bờ bến. Thương con, chị không muốn con chứng kiến cảnh bạo hành nên xin chồng đánh trên bờ, gửi thằng Phác lên rừng, chị cảm thấy có tội với nó khi vì thương chị mà nó hận bố nó. Bà ý thức được thiên chức của người phụ nữ và quy luật ngàn đời của tạo hóa: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn”. Người đàn bà là biểu tượng nghệ thuật gây ám ảnh cho Phùng và cũng là thông điệp mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải tư tưởng nhân đạo qua tác phẩm. Hình ảnh "Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân chị dẫm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông..." là biểu hiện của dòng chảy cuộc sống, số phận của nhân vật, trở thành một trong những mảnh ghép "không ai nhớ mặt đặt tên" của xã hội.


Bức ảnh là một tác phẩm để đời của Phùng còn câu chuyện đằng sau bức ảnh ấy là bài học lớn khiến Phùng và bao thế bạn đọc phải suy ngẫm, thương cảm, rút ra bài học cho bản thân. Đoạn kết nói riêng và tác phẩm nói chung không chỉ mang đến cho bạn đọc nhiều nhận thức sâu sắc mà còn góp phần làm cho nền văn học Việt Nam thêm phong phú hơn, đa dạng màu sắc hơn.

Bài phân tích đoạn cuối tác phẩm
Bài phân tích đoạn cuối tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" số 10
Bài phân tích đoạn cuối tác phẩm
Bài phân tích đoạn cuối tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy