Top 9 Tản văn viết về tháng chạp hay nhất

Phương Kem 239 0 Báo lỗi

Tháng 12 âm chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm vì mọi người sẽ phải hoàn tất công việc, mua sắm quà tết để đón Tết Nguyên Đán. Tháng chạp cũng là ... xem thêm...

  1. Cuối đông, bãi ven sông vàng màu hoa cải. Xoan đầu làng hoa rụng tím đường quê. Bưởi trong vườn hé khoe hoa trắng. Đào ngập ngừng e ấp đợi xòe hoa. Gió vẫn rét nhưng không giá buốt. Mưa bụi giăng nhẹ tựa sương bay. Cùng với sắc hoa, cây cỏ, gió nhẹ, mưa bay, những thanh âm không tháng nào có được của làng quê xưa ấy cũng như đang lao xao hối hả gọi Xuân về.


    Sáng tháng Chạp rộn tiếng người í ới gọi nhau ra đồng sớm để cấy cho rồi mấy hàng mạ chót vụ đông xuân, bới cho hết vồng khoai trước Tết, lên cho xong luống đất trồng cà… Tuy tất bật vội vàng nhưng ai cũng tươi vui rôm rả bàn tán về giá cả các mặt hàng của từng phiên chợ Tết trong vùng. Đợi ngày tạm ngừng chân đất nón mê tất tả lội đồng, sẽ rủ nhau đi sắm Tết.


    Đêm tháng Chạp có âm thanh lộc cộc của những guồng xe tát nước. Trước đình làng, miếu xóm và các nhà thờ họ đều có ao thả cá - do người ta lấy đất đắp nền - nên đêm tháng chạp từ đầu làng đến cuối làng như cùng vang âm thanh hối hả của những guồng xe tát nước. Người ta tát đêm để kịp bắt cá bán phiên chợ sớm lấy tiền sắm Tết và tránh phải khó xử với lũ trẻ hôi cá, cùng họ cùng làng. Hôi cá là trò chơi vô cùng thích thú mỗi năm chỉ có một lần nên lũ trẻ háo hức đợi chờ. Ngày đi học mẹ gọi khan tiếng cũng nằm lỳ ngủ nướng. Nhưng đêm tháng Chạp cậu nào cũng tỉnh như sáo vì tiếng lộc cộc của guồng xe tát nước. Mong cho mau sáng để lội bùn hôi cá.


    Tinh mơ Tháng Chạp, xóm làng vang tiếng lợn kêu "eng éc". Ngày thường, thảng hoặc mới có nhà bán lợn lo hiếu hỉ ma chay. Nhưng những ngày cuối tháng Chạp thì nhà nào cũng xuất chuồng để lo ba ngày Tết. Nhà thì "đụng" thịt với xóm giềng, họ hàng thân thích, nhà thì bán cho lái lợn. Tiếng lợn kêu khắp làng báo hiệu cho cái Tết đủ đầy của làng quê thuở ấy.


    Đêm tháng Chạp vang rền tiếng ù ù của cối xay lúa, tiếng thậm thịch của chày giã gạo để những hạt thóc được chọn lựa kỹ càng cất giữ trong năm thành gạo ăn Tết, thành nếp thổi xôi, nấu chè, gói bánh chưng, bánh tét. Xa hơn nữa là để ra giêng được thảnh thơi không phải "đụng" đến cối đến chày mà vẫn có gạo ăn và cám để "vỗ” cặp lợn mới.


    Tháng Chạp có tiếng vang khác lạ trên đường gạch làng quê. Không phải tiếng guốc mộc khô đục, tiếng giày "Gia định" lẹp xẹp quen tai của mấy vị chức sắc mỗi khi ra đình họp việc làng, mà là tiếng đế "giầy tây" kêu lộp cộp, tiếng guốc "tân thời" khua lách cách của những người xa quê về ăn Tết. Âm thanh khác lạ này mỗi năm mỗi tăng khiến Tết làng quê mỗi năm lại đa dạng sắc màu, phong phú ẩm thực hơn những năm trước.


    Tháng Chạp có âm thanh lao xao ngoài bãi mía. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng dao chặt mía, tiếng lọc cọc của những chuyến xe bò chở mía vào lò ép mật và chở đi các phiên chợ Tết trong vùng. Mía không chỉ tạo mật cho mùa Xuân, cung ứng nước giải khát cho mùa Hè, tạo hình trang trí cho mâm cỗ "trông trăng" mùa Thu… Mía còn là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết quê xưa. Cây mía có để chùm lá xanh cắt gọn dựng hai bên ban thờ là những "đòn gánh" để Ông Bà gánh lễ vật của con cháu cúng về sau lễ hạ nêu.


    Tháng Chạp lò mật cuối làng có tiếng kêu ken két của cỗ máy ép mía thô sơ. Tiếng nước mía chảy vào nồi róc rách. Tiếng thở phì phì của con trâu đang lầm lì đi vòng quanh kéo cần trục quay cỗ máy. Không gian tháng Chạp làng quê dường như cũng quánh lại thành chất mật mía óng vàng. Mật để làm chè lam, bánh gai, nấu chè kho. Mật để ăn với bánh chưng, bánh giò, bánh đúc…Mật không thể thiếu trong những ngày Tết của làng quê thuở ấy.


    Với lũ trẻ háu ăn, mật vô cùng "ấn tượng". Nằm trong ổ rơm cùng người lớn canh nồi bánh chưng sôi ùng ục được mẹ cho củ khoai nướng thơm phức và chút mật nấu chè còn thừa, chúng nghĩ ngay đến "tháng củ mật" mà người lớn đang bàn về tháng Chạp là tháng được ăn khoai chấm mật. Cần gì hiểu ngữ nghĩa sâu xa. Trong trò chơi dân gian chả có khoai với mật đấy thôi : "Nu na nu nống/ Cái cống nằm trong/ Cái ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật…"!


    Tháng Chạp quê xưa hối hả, ồn ào cho đến ngày 23 tháng Chạp. Sau ngày đưa ông Táo về Trời và lễ dựng nêu, những âm thanh này không còn lao xao náo nhiệt quanh lũy tre làng mà như đã được chắt lọc thanh thoát vút cao trên những cây nêu trồng trước mỗi sân nhà. Đó là hợp âm của những chiếc khánh sành, chuông nung cùng các lễ vật treo quanh cây nêu, tiếng rì rào của chùm lá tre xanh trên ngọn cây nêu, tiếng phần phật của giải phướn điều ghi những lời chúc phúc tung bay trong gió mới…


    Nương theo gió trời bỗng lên cao. Bầy én nhỏ dọc ngang chao cánh dệt. Nắng hồng lên theo tháng Chạp gọi Xuân về.


    Đào Quang Bắc

    Quê xưa tháng Chạp xuân về
    Quê xưa tháng Chạp xuân về
    Quê xưa tháng Chạp xuân về
    Quê xưa tháng Chạp xuân về

  2. Thời gian đang nhích dần đến những ngày cuối của năm, đất trời đang chuyển mình chuẩn bị bước qua thềm năm cũ. Lòng người xốn xang như chuyến tàu cuối sắp rời ga, nửa chừng hân hoan, nửa chừng bịn rịn trước khoảnh khắc giao thời. Tháng Chạp về đan cài trong ta biết bao niềm xúc cảm...


    Tháng Chạp về, ta đưa tay vẫy chào cái lạnh lẽo của mùa đông, mở ô cửa sổ nhìn ra hiên nhà, ta ngỡ ngàng với một khoảng sân bừng nắng. Một nụ cười dịu nhẹ của tháng Chạp chào ta bằng những nụ mai vàng chúm chím, vạt hoa vạn thọ má trồng giờ đã lòe xòe bung cánh đưa hương, cúc vàng, cúc tím đung đưa theo từng cơn gió đỏng đảnh của những ngày cuối năm như thắp lên những gam màu tươi mới. Ta bước ra vườn, bắt gặp nụ tầm xuân vươn mình trong nắng ấm, vậy là xuân đã về với trăm hoa, với lòng người hân hoan, rạo rực một niềm tin về một năm mới an lành, hạnh phúc.

    Tháng Chạp, ta trải rộng lòng mình theo từng cơn gió đương xuân lãng đãng theo những dòng sông trĩu nặng phù sa, những cánh đồng xanh xanh màu mạ. Vậy là mùa cấy dặm đã xong, tiếng cười nói của bao người phụ nữ thôn quê lại rộn ràng trong gian bếp với dưa cà, dưa kiệu, mứt dừa, mứt chuối... Ta thấy dáng bà, dáng mẹ lom khom gom những tàn lá vừa rụng sau hè để nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Ngoài sào có những chiếc mền, áo gối nằm ngoan hứng những tia nắng vàng thơm phức.

    Ngày, đêm tháng Chạp như gõ nhịp nhanh hơn vào những phiên chợ cuối năm đông vui và rộn rã khi những trái dưa hấu to tròn, thẩm xanh đã được chất tầng tầng ở chợ; mùi bánh mứt, trầu cau, hoa quả thơm lừng, mùi hương trầm bảng lảng, mùi quần áo mới, mùi mực tàu trên những câu đối đầu năm… tất cả hòa quyện thành hương thơm tết Việt. Thứ hương thơm ấy, nuôi lớn bao tâm hồn trẻ nhỏ, ấm áp bao tuổi già và mùi hương ấy trở thành nỗi nhớ nhà diết da của bao người con xa xứ. Bởi vậy ta mới thấy một tháng Chạp tươi vui, rộn ràng, nhưng cũng đầy ưu tư với bao nỗi niềm tâm sự. Tháng Chạp thương bước chân ai còn đang chơi vơi, lạc lõng giữa con phố đông người. Một chiều tháng Chạp, khi nhịp thời gian gần kề chạm vào những thanh phách cuối, thoang thoảng là mùi đậu xanh, nếp mới cùng với thịt heo, sẽ còn ai đó tan ca trong nỗi vội vàng đón chuyến xe cuối. Tay khệ nệ xách mang bao thứ đồ đã chuẩn bị từ lâu để làm quà cho đám trẻ quê nghèo, cho họ hàng cô bác gần xa. Chiếc xe cuối cùng đi trong đêm xuân nghe sương réo rắt có đuổi kịp nhịp thời gian để ai đó được vui vầy với gia đình bên giờ phút đầu năm.

    Tháng Chạp về, dỗ dành những muộn phiền của đời ta ngủ ngoan vào những ngày năm cũ để dang rộng đôi tay hứng trọn niềm tin yêu giữa một mùa long lanh như mắt biếc…

    Cẩm Thi

    Tản mạn tháng Chạp
    Tản mạn tháng Chạp
    Tản mạn tháng Chạp
    Tản mạn tháng Chạp
  3. Đất trời cuối tháng chạp âm lịch. Những cơn gió đòn càn, đòn xóc cứ rít lên xoáy vào mạng sườn làm ta buốt giá đến thót mình lại. Nhà nhà đang lo đổ nước ải. Những tảng đất màu trên mặt ruộng đã được phơi nỏ trắng có nước vào cứ tơi dần, tơi dần thành một thứ bột đất mịn và dẻo như ta đổ nước sôi vào bát nẻ gạo nếp mới.


    Cánh đồng những ngày giáp tết vang lên những tiếng “vạt”, “riệt” và những tiếng roi tre vun vút của những ông thợ cày đầu đội nón mê, mình mặc áo tơi lá, thỉnh thoảng có tiếng “nghé ọ” của con trâu đen kềnh càng béo mộng vai đang mang cái ách để kéo những đường bừa trên ruộng. Cả làng đang đâm sấp dập ngửa chuẩn bị cấy. Cánh đồng đã được đổ nước và bừa kỹ. Muôn nghìn cây mạ đã được nhổ lên từ diệc mạ nhưng chưa nhà ai dám cấy vì trời còn rét đậm. Bầu trời cứ xám ngăn ngắt.


    Bỗng từ xa kia, trên bầu trời xuất hiện những chấm đen, chấm trắng li ti, những cơn gió đòn càn, đòn xóc tắt dần, tắt dần rồi tắt hẳn. Trời sáng ra, ấm dần lên... Những chấm đen, chấm trắng ấy to dần, rõ dần lên thành hình những chữ V nhỏ xíu đang bay dần về phía cánh đồng làng. Hình chữ V nhỏ xíu thân thương ấy chính là những cánh én báo hiệu mùa xuân đang về trên quê hương thân yêu của chúng ta.


    Thế rồi mưa nồng rơi trên khắp các cánh đồng, cánh rừng, trên khắp các bản làng, phum sóc, các ngõ phố thị thành, các con đường lối ngõ, các làng chài xóm thợ, các bến sông quê...Thế rồi muôn triệu nghìn nhánh mạ gầy từ các diệc mạ đồng cao hành quân xuống đồng thấp được tập hợp đứng thẳng hàng như những hàng quân. Mẹ, mẹ của chúng ta là Tư lệnh của đoàn quân ấy. Đoàn quân lúa sẽ lớn lên “lấp ló đầu bờ” nghe tiếng sấm rền tiến lên giành lấy thành trì no ấm...Thế rồi đào thắm. Thế rồi mai vàng. Thế rồi cỏ cây đâm chồi. Thế rồi lòng người rạo rực.... Mùa xuân. Mùa xuân. Mùa xuân đấy, các bạn ơi !


    Người báo hiệu mùa xuân, chính là loài chim én thân thương yêu quý. Những con chim nhỏ xinh xinh – không bao giờ quên xứ sở tre xanh - đã vượt qua muôn trùng sóng vỗ, vượt qua muôn trùng hiểm trở mang tín hiệu mùa xuân về với dân làng, đất nước.


    Đời các cụ ta xưa, đời cha ông ta, rồi đến đời ta đã phải trải qua bao nhiêu là cơ hàn, cùng quẫn, đã phải trải qua bao nhiêu là gian nan khổ cực, đã phải hi sinh bao nhiêu là tuổi xuân, bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và cả máu đào nữa... Ta thấy quý cái ký hiệu hình chữ V kia không thể nào tả được.


    Ta chỉ ước một điều: Trăm năm nữa, nghìn năm nữa, cho đến muôn đời sau, cái ký hiệu hình chữ V xinh xắn kia cứ được viết mãi, viết mãi trên nền trời đất Việt.


    Phạm Minh Giang


    Mùa chim én bay về
    Mùa chim én bay về
    Mùa chim én bay về
    Mùa chim én bay về
  4. Tháng Chạp lưng chừng đông mà cũng chưa tới xuân, có lất phất mưa phùn, có gió mùa rưng rức lạnh, có he hé chút nắng vàng. Cái dùng dằng, đỏng đảnh của tiết trời ru mềm cả những tâm hồn dửng dưng nhất. Ngẫm cũng phải, dường như điều gì cuối cùng cũng khiến người ta bâng khuâng: chuyến tàu cuối cùng, tiết học cuối cùng, chiếc lá cuối cùng, cái nắm tay chạm mắt cuối cùng, tháng cuối cùng của năm…


    Tháng Chạp, điểm lại những buồn vui năm cũ, ta có lúc tự thấy mình khờ dại sao lại buồn đến vậy chỉ vì một chuyện chẳng đâu vào đâu, sao lại nặng lòng đến vậy vì một điều không đáng nhớ. Có tiếc nuối như một khoảng trống chẳng thể nào lấp đầy, để rồi mỗi khi nhớ lại khẽ run rẩy như ngọn cỏ trước gió đông. Thế nhưng tháng Chạp bằng lòng tha thứ cho người, tha thứ cho chính ta trước những nông nổi, lỗi lầm của chuỗi ngày ngược xuôi bụi bặm. Lòng nhẹ bẫng như không còn mắc nợ điều gì.


    Tháng Chạp như nốt trầm xao xuyến lắng xuống lòng người. Ta chợt thương một phận người ăn xin co ro dưới chân cột đèn giữa ngã tư, chiếc nón rách ngửa hứng lòng thương cảm. Ta thương một bóng già thui thủi cứ trở ra trở vào khung cửa hẹp cuối ngõ như ngóng chờ rồi chợt giật mình chẳng biết đợi điều gì. Ta thương tiếng hót lạc lõng của chú chim trong lồng sắt treo ở hành lang khu tập thể cũ, thương cả một nhành cỏ lẻ loi vươn lên từ kẽ hở giữa các viên gạch vẫn bung cánh tỏa sắc cho trọn một kiếp hoa.


    Tháng Chạp bộn bề suy tư, nhiều lo toan, bận rộn trên vầng trán của những người lao động. Họ đếm từng ngày đến Tết để sum họp gia đình nhưng rồi lại giật mình tự hỏi, đã sắp hết một năm rồi ư? Ai cũng vội vã chạy đua với thời gian để hoàn thành hết công việc trước kỳ nghỉ. Tháng Chạp ăm ắp những thanh âm của nhịp sống. Đó là tiếng thở dài của bác nông dân lo trời lạnh mạ chết hết không đủ để ra giêng cấy. Là tiếng ríu ran của mấy cô đi chợ sớm, hỏi thăm, bình phẩm về mưa nắng, về giá thịt, giá rau. Là tiếng máy may lạch cạch trong đêm từ căn phòng trọ của cô công nhân tranh thủ nhận hàng về làm thêm, đặng dành dụm tiền gửi Tết về quê. Là tiếng rao khuya của những chị, những mẹ bên gánh hàng rong…


    Tháng Chạp nối dài những nhớ thương đặc biệt với người con xa quê. Ta vu vơ trách tháng Chạp sao về sớm, để ba mẹ sắp thêm một tuổi, thêm những nếp nhăn, thêm những sợi tóc bạc, thêm dấu đồi mồi. Lòng lo lắng tự hỏi, ta còn được ở bên ba mẹ bao nhiêu cái tháng Chạp nữa. Nghĩ đến vậy là chỉ muốn chạy về nhà, ùa vào lòng ba mẹ như hồi còn thơ bé. Ngày còn nhỏ, ta nghĩ rằng hạnh phúc là kiếm được thật nhiều tiền, đi đến những nơi thật xa, ăn những món chưa bao giờ được thử. Nhưng rồi đến một lúc nào đó ta chợt nhận ra, hạnh phúc giản dị lắm, hạnh phúc là được trở về và còn được thấy nụ cười của ba mẹ.


    Mùi vị của tháng Chạp như thế nào? Ngọt, đắng, mặn, cay, bùi… có lẽ là tất cả. Bởi lẽ tháng Chạp ôm vào lòng tâm sự của bao người trước khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tháng Chạp của mỗi người lại mang một hình hài, dáng vẻ, màu sắc khác nhau. Tờ lịch cuối cùng mỏng manh như dấu chấm khẽ khàng cho miên man nghĩ suy của những ngày cuối năm. Tháng Chạp dỗ dành những lo toan, muộn phiền của đời ta ngủ ngoan để gửi vào giêng hai niềm tin yêu long lanh như mắt biếc.


    ĐÀO MẠNH LONG

    Tháng Chạp
    Tháng Chạp
    Tháng Chạp
    Tháng Chạp
  5. Tháng Chạp, đó là tháng cuối cùng của một năm Âm lịch, người ta không gọi đó là tháng mười hai mà thay bằng cái tên quá đỗi thân thương. Một tháng gợi bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu lo toan, bao nhiêu cố gắng của cả một năm dài.


    Những ngày đầu tháng chạp, trời vẫn lất phất những hạt mưa sa. Cái lạnh mùa đông vẫn còn kéo dài âm ỉ, người người xuýt xoa nhau thở dài trong một năm quá nhiều khắc nghiệt. Cơn rét đậm kéo dài, gió thốc qua từng con phố, gió thốc cả vào tim, vào lòng người. Rét buốt, mẹ dặn nhớ giữ ấm, người thương dặn dò nhớ giữ ấm. Giữ thế nào cho ấm nổi những cơn gió lạnh trong lòng?


    Tết của người lớn, người ta càng chờ đợi đến Tết chỉ được nghỉ dài, chứ không phải để tận hưởng những cảm giác ấm áp ngày xưa nữa.


    Tháng Chạp. Phố thị đông đúc và chật hẹp, chỉ có người và xe, đua nhau ồn ào và vội vã. Giật mình tự hỏi, đã sắp hết một năm rồi ư? Thời gian trôi nhanh quá đỗi, đi qua bao nhiêu vô thường mới biết mình vô nghĩa trước một đường chân chim. Bao nhiêu thanh xuân đi qua, ồn ào có, lặng lẽ có. Giờ có muốn níu giữ, cũng chẳng được nữa rồi. Phố những ngày cuối năm, tất bật đến lạ thường. Người người dường như đang chạy đua với thời gian, tất bật lo toan chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Chưa biết một năm sắp đến vui hay buồn, nhưng tháng Chạp là tháng người ta luôn muốn làm việc hết mình vì tất cả những gì tốt đẹp ở phía trước.


    Tháng Chạp. Nhớ về những ngày còn nhỏ, theo ba ra đồng trong cái lạnh mơn man. Bao nhiêu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông chỉ có người nhà nông mới thấu hết khi bước chân xuống ruộng đồng mà lạnh đến nỗi hơi thở cũng pha phả làn khói mỏng trong sương sớm. Người nông dân cực nhọc phải lo cày đồng gieo sạ cho xong mới yên tâm ăn Tết. Cả một đời người nhà nông vẫn khổ như thế, cho đến những ngày cuối cùng của một năm.


    Khi đã trưởng thành, rời khỏi quê hương mới thấm thía những ngày mưa sương rét buốt của tháng Chạp như thế. Rồi bất giác, mong một ngày tháng Chạp chạy về giữa cánh đồng lam lũ ngày xưa, nhúng đôi chân trần giá lạnh giữa ruộng đồng tháng Chạp để biết rằng chẳng có giá lạnh nào so được với cái lạnh mà mẹ cha đã từng chịu đựng…


    Tháng Chạp về, miên man nhớ về những ngày đi chợ Tết. Lúc còn nhỏ xíu, đi chợ Tết ở quê là một cái gì đó háo hức đến lạ thường. Như bao nhiêu đứa trẻ con khác, thích thú được mẹ dẫn ra chợ sắm cho bao nhiêu quần áo mới. Chỉ biết thế là vui lắm, hạnh phúc lắm. Chợ Tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Đứa con xa quê cả năm về ăn Tết, mẹ bảo đi chợ cùng, cốt cũng là để hỏi han những người quen đã lâu chưa có dịp thấy mặt, cốt cũng để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm sắp đến. Người nhà quê vẫn ấm áp tình nghĩa, vẫn đôn hậu như thế bao đời rồi.


    Tháng Chạp về, lại nghĩ về những thân phận tha hương nơi đất khách quê người. Chắc không ai nghĩ nhiều về tháng chạp như những người đi làm ăn xa quê. Họ tất bật cả một năm chỉ đợi tháng Chạp về đoàn viên với gia đình. Người có kinh tế, làm ăn khấm khá không nói. Người cả năm long đong lận đận, thì tháng Chạp về với họ là bao nhiêu nỗi niềm mang theo. Nghe bạn tâm sự không có tiền về quê ăn tết, sao mà thấy thương. Chỉ là một hành trình từ Sài Gòn trở về quê, mà sao xa đến lạ thường! Thời buổi đồng tiền đi trước, không có tiền thì đường về nhà cũng trở nên cách biệt như thế sao? Thôi thì cứ quăng hết những sân si và sĩ diện ở trong lòng mà chạy về với mẹ cho kịp đêm 30.


    Tháng Chạp. Tôi đang ngồi giữa căn phòng lạnh lẽo xứ người.


    Chợt thấy len trong nỗi i nhớ...


    Ai như tôi kia, đứng giữa con đường nhỏ hai bên hàng rào dâm bụt đỏ, gió thổi qua tai tiếng mẹ gọi cơm chiều.


    Ai như tôi, lang thang tìm những chú cỏ gà dọc theo bờ ruộng. Nắng mùa đông he hé, mùi ruộng đồng len lén thấm vào tôi.


    Ai như tôi, nhảy lò cò một mình trên sân vắng. Mảnh sành mòn nhẵn, tôi thò tay qua vai tìm hoài không thấy. Mẹ gọi vào thắp đèn, chiều nhờ nhợ như phủ đầy sương.


    Bây giờ tháng Chạp. Tôi ngồi mặc cho thương nhớ trộn những sáng chiều mưa nắng vào nhau.


    Tháng Chạp. Tôi nhớ con mèo nhỏ co ro nơi góc bếp. Nó lúc nào trông cũng buồn buồn. Tôi nhớ căn nhà dưới bằng lá dừa nước, trống hoác trống huơ, ngồi chỗ nào gió cũng rúc vào nheo nhéo thịt da. Tôi nhớ chái bếp lạnh ngắt những chiều mưa mẹ đi làm về muộn. Tôi nhớ đàn gà bị dịch nằm chết rải khắp vườn, những con gà trống mào đỏ chót mẹ dành bán Tết.


    Tôi lại nhớ chiếc bánh bò trắng tinh bà nội hay mua mỗi khi xuống nhà cô Hai ở chơi về. Chiếc bánh nhỏ, nhưng thơm lạ lùng, lại ngọt nữa. Tôi vốn hảo ngọt, lại giống bà nội nhất nhà, nên cái gì ngon nhất bà đều dành tôi hết. Vậy mà, đã hơn 20 năm, tôi không được ăn cái bánh bò nào bà nội mua nữa. Nội tôi đi thanh thản vào chiều đông lạnh rất sâu, khi thằng cháu biền biệt tha hương chốn Sài Gòn hoa lệ.


    Tôi nhớ quán nhà bà bảy với đủ thứ hàng hóa. Mẹ thỉnh thoảng sai tôi chạy đi mua 200 đồng nước mắm, hay 500 dầu lửa. Tôi thì thích ngồi trên cái băng ghế cũ kỹ ngắm những cây kẹo the màu xanh, kẹo que sọc vàng sọc đỏ bà chưng trong chiếc tủ gỗ lưới sắt. Những gói kẹo me, bánh sữa, bà móc lủng lẳng trên dây, như tha thiết gọi mời. Nhưng chẳng mấy khi tôi có tiền mua, cứ ngắm chán rồi về. Để thỉnh thoảng lại được thỏa thuê bóc kẹo ăn, tỉnh giấc thấy tay mình sờ sờ chiếc chiếu. Chao ôi là những giấc mơ tuổi nhỏ ngọt ngào!


    Tôi lại nhớ con đường sau nhà, con đường tôi hay đi một mình vào những sáng dung dăng. Tôi tạt vào hàng rào vườn ông Năm kiễng chân kéo cành hoa dâm bụt để vặt từng bông mà hút mật. Những bụi cây quen, giờ tháng Chạp, như khoác lên màu nắng mới lung linh. Tôi hái vài bông lục bình, mấy chiếc lá về cắm vào chiếc chậu nhỏ. Tôi cứ đi qua đi lại nhìn bình hoa độc đáo của mình mà lặng lẽ tự hào.


    Tháng Chạp là tháng giáp Tết, tháng của những xôn xao. Nhưng sao ùa về trong tôi lúc này lại là một tháng Chạp khác. Tháng Chạp hắt hiu, nỗi nhớ cứ âm ỉ trong tôi qua tháng qua ngày.


    Thì cũng có sao, tháng nào mà chẳng nhớ chẳng thương, khi đã chọn nơi không phải quê nhà làm chốn ngụ. Khi đã là dòng sông miết mải bãi bồi.


    Thì cứ hát lên âm thầm trong đêm vắng. Rằng tháng Chạp về, sống lại ấu thơ…


    Tháng Chạp về, ngồi ở một quán cà phê trên cao giữa thành phố, nghe gió thốc vào lòng. Thành phố rộng và cô đơn giữa những ồn ào cuối năm. Ánh đèn điện lung linh nhưng vẫn mờ ảo, như chính cảm xúc của một con người. Mờ, nhạt và hoang. Có những lo lắng cũng chỉ để đó mà thôi. Thời gian không thể níu giữ những điều tốt đẹp ở trong lòng.


    Vậy nên, muốn gọi tên tháng Chạp đừng trôi. Muốn gọi tên tháng Chạp chầm chậm thôi...


    Lâm Hùng

    Giấc mơ tháng Chạp
    Giấc mơ tháng Chạp
    Giấc mơ tháng Chạp
    Giấc mơ tháng Chạp
  6. Top 6

    Chạp

    Tháng chạp trong kí ức tôi rất rét, tôi lớn lên, trời vẫn rét, thêm vào đó tôi cảm nhận rõ hơn sự tất bật của tháng giáp tết.

    Sang tháng chạp trời thường rét đậm. Chiếc áo nhung tôi mặc thời thơ ấu mỗi lần giở ra lại thấy hơi ấm của nó. Chiếc áo ấy bố tôi mua cho tôi vào ngày rét lúc cái tết cận kề. Áo không đẹp và cầu kỳ như ý tôi nhưng vẹn nguyên tình cảm mà bố tôi gửi gắm. Tôi không giữ tấm áo nữa, màu sắc, chất vải và kiểu dáng chiếc áo luôn bên tôi. Trong cái nôn nao của tháng chạp, tôi luôn nhìn thấy sự ấm áp trong mỗi chiếc áo ấm mình mặc sau này. Tháng chạp tới gần! Bố tôi không còn có thể đi mua áo cho tôi được nữa. Sau hai lần tai biến, sức khỏe của bố tôi giảm đi nhanh chóng. Bố tôi không còn đi xe máy, phải chống gậy và uống thuốc thường xuyên. Sắp tới tháng chạp, tôi không muốn trời rét để diện áo ấm nữa. Trời càng lạnh bệnh tình của bố tôi có thể biến chứng nặng hơn.


    Chạp với tôi là nỗi lo lắng, tất bật của mọi người trước ngày tết. Tôi chứng kiến bố mẹ tôi bận rộn cuối năm, lo cỗ, quà biếu cho người thân. Chiếc áo ấm luôn là ưu tiên hàng đầu khi bố mẹ tôi tặng quà cho bà nội, bà ngoại hay mấy chị em chúng tôi. Tháng chạp lạnh, bố mẹ tôi không muốn người thân phải chịu rét.

    Chạp! Tháng chạp sầm sập tới, ngày còn đi học tôi mong mau được nghỉ tết sớm, kết thúc các giờ học nhiều áp lực thi đua với bạn bè. Tôi sẽ có đợt nghỉ dài, nghỉ ngơi và chuẩn bị tinh thần cho năm mới. Hồi sinh viên, qua mắt mọi người tôi biết không khí xuân gần kề. Đường phố sẽ thưa vắng đi khi các chuyến xe đưa sinh viên ngoại tỉnh, người đi làm, công tác xa ùn kín và chen nhau chỗ ngồi tại ga hoặc trên xe khách về quê ăn tết. Nhiều năm sau này, tôi không về tết sớm, tháng chạp ở phố ăn sâu vào tôi. Đó là cái hối hả của giao thông, cảnh ùn tắc, chờ đợi diễn ra trên các tuyến phố, sự đông đúc trong các siêu thị.


    Cuối năm bao giờ cũng là bồn chồn của người đi làm, chế độ lương bổng, tiền thưởng tết để trở về gia đình và sắm tết. Đó còn là cái cập rập của công việc, mong hoàn thành sớm, làm thêm được các kế hoạch của cuộc sống. Tôi có những căng thẳng vào ngày này vì mọi việc ngừng lại, lo làm hài lòng người quản lý, đem về nhà vài thành quả công tác và đôi ba món quà tết từ thành phố về cho cha mẹ, anh chị em, cháu chắt.

    Trời rét. Tôi đi trên con đường xa xôi mang theo thành phố phố ồn ào, sôi động. Màu sắc đủ các loại hàng hóa, trang trí trên đường phố, sự nhộn nhịp, vui tươi của phố bán hoa, cây cảnh như níu kéo tôi ở lại cùng phố phường. Tôi khó khăn rời bỏ nhịp sống đô thị trên mỗi chuyến xe về quê ăn tết. Tết quê im ắng và yên ả. Nhịp sống chậm lại. Ở quê, tết đến từ phiên chợ, chợ tết thường bắt đầu từ hai sáu cho tới chiều ba mươi. Người người đi sắm tết, hầu như có bao nhiêu người đều dồn vào phiên chợ tết. Chợ tết đông và xô đẩy nhưng điều đấy cho biết rằng mùa xuân sắp về.


    Tấp nập những ngày tháng chạp là đây. Tôi mỏi tay vì nhiều thứ hàng phải mua trong phiên chợ, quên nhớ vì đủ các loại tiếng ồn, âm thanh dội tới, khó thư thả mua chọn cành hoa tết, tới chợ chiều phiên cuối chỉ để gặp bác bán rau quen mặt trong năm. Đông đúc, nhộn nhịp cùng với cảnh chen chúc, nhốn nháo, lộn xộn còn nghèo nàn là điều diễn ra vào phiên chợ tết của vùng quê tỉnh lẻ.

    Tháng chạp, cơn gió rét, năm cũ như trôi nhanh, năm mới ào ạt tới. Càng ngày về cuối của tháng chạp, con người mới được thả mình ở phiên chợ nhưng lại cuống quýt, vội vàng hơn bao giờ hết để trong nhà có tết. Tâm lý ấy tôi gặp ở mẹ tôi, chính tôi và cả những người xung quanh. Khi ở phố thị, tôi biết nhiều gia đình mua sắm tết cả tháng trước đó, người thành phố vốn bận rộn, họ không để tới tận ngày tết mà lựa chọn giờ nghỉ những ngày vào tháng cuối năm mua sắm tết. Chính vì vậy, họ có khoảng thời gian cho mình cùng thú chơi hoa, mua đào tết. Tôi nhìn thấy điều ấy và cảm nhận bằng cảm giác, chợt thấy phố từ tốn, chậm rãi chứ không hề ồn ã, hối hả.

    Tháng chạp tới gần rồi! Trời rét đậm. Thời gian chậm chạp trôi. Đồng hồ mà kim giây, kim phút, kim giờ chuyển dần về điểm cuối cùng và cũng bắt đầu năm mới đến. Tôi nghe cái lạnh thấm vào da thịt, sự cuống cuồng của sự sống. Tôi muốn níu kéo ngày tháng của năm cũ thật nhiều lại háo hức chờ tết đến. Tôi muốn làm nhiều việc, lại muốn đi trong tháng chạp cùng hoa và không khí tết. Tháng chạp năm xưa và bây giờ cồn cào trong tôi.


    Không có tháng nào lại như tháng chạp, bận rộn và cũng không hiếm phút thảnh thơi. Nhịp đập thời gian, gió rét bên ngoài, chạp đang về!.


    Tống Kim Thanh

    Chạp
    Chạp
    Chạp
    Chạp
  7. Tục ngữ có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”. Như vậy, theo như lời người xưa dạy rằng chỉ có ba ngày tết chứ không hơn. Nhưng với tôi, tết bắt đầu được tính từ ngày ông Táo lên chầu trời. Bởi sau ngày này là lũ học trò trường làng bắt đầu được nghỉ học. Khi cô giáo gõ thước xuống bàn dứt lời “Từ ngày mai các em được nghỉ tết…” là chúng tôi reo hò và ùa ra khỏi lớp như đàn mối bay ra khỏi tổ khi trời sắp mưa. Mà còn gì vui sướng hơn khi không phải đi học, học trò thời nào chẳng thế. Và chính sự háo hức mong chờ trong những đôi mắt, trên từng nụ cười trẻ thơ, khi ấy tết mới thực sự về ngoài ngõ.


    Sáng ngày hai ba tháng chạp, mẹ tôi dậy sớm lắm, có khi còn trước cả tiếng gà gáy gọi mặt trời, lúc ấy tối mịt, sương mai còn chưa tan trên những nhành hoa cải vàng óng như nắng, và gió lạnh đang đu đưa mấy nhánh hoa mùi già trắng muốt hơn mây. Mẹ nhóm bếp luộc một nồi khoai để cả nhà lót dạ trước khi mẹ sửa soạn đi chợ phiên. Tôi nằm trong chăn ấm, hé mắt ra ngoài, trong giấc ngủ chập chờn tôi vẫn nhìn thấy lửa hồng nhảy nhót bập bùng trên bức tường vôi trắng xóa, trên khuôn mặt mẹ xanh gầy, vẫn nghe thấy tiếng củi nhãn kêu tí tách, tiếng những củ khoai nứt vỏ tím bở tung và ruột vàng ứa mật dâng khắp nồi. Trước khi đội cái thúng lau đậy vỉ buồm đi chợ, tôi còn nghe giọng mẹ dịu dàng giục giã “Dậy đi con, ăn khoai luộc trong nồi, rồi đánh thật bóng cái lư đồng và giá nến trên bàn thờ nhé”. Ngại ghê, đánh đồ đồng phồng rộp và đỏ ửng cả tay. Tôi uể oải vươn vai ngáp một cái “vâng ạ” rồi tung chăn ngồi dậy co ro vì rét, bắt gặp con mèo tam thể còn ngủ vùi bên bếp tro ấm. Tôi bảo “Mày còn lười biếng hơn tao, mèo nhá”.


    Có hai ba tháng chạp năm nào, tôi không ngồi đánh bóng lư đồng, giá nến như mọi lần vì bố tôi đem đồ thờ ra thợ đồng bên xã Xuân Tiến tân trang lại. Tôi được theo mẹ đi chợ phiên để mua quần áo mới. Cả đêm hôm trước tôi ngủ trong phấp phỏng, chỉ mong trời mau sáng. Chợ Hoành Nha quê tôi một tháng sáu phiên vào các ngày mùng ba, mùng bảy, mười ba, mười bảy, hai ba, hai bảy. Vì vậy, ngày hai ba tháng chạp cũng là ngày bắt đầu phiên chợ tết cho đến hết chiều ba mươi. Giữa chợ có một cây gạo cổ thụ, tháng ba đốt đuốc gọi chào mào, sáo sậu bay về hót ríu ran trong làn mưa bụi lây phây cuối xuân. Cây gạo cời lửa xuống làng nghèo, trên những lối đi đầy bùn lầy và nước đọng. Gót chân của những người đi chợ vô tình giẫm lên những xác hoa gạo, đỏ đến nhói lòng. Chợ Hoành Nha hồi đó gồm các dãy lều lợp rạ thấp lè tè, nào là hàng xén, hàng xáo, hàng vải vóc, hàng vàng mã, hàng quà bánh, hàng tôm cá chen chúc nhau trong ồn ào, lao xao giọng nói như chim hót gọi mùa trên cánh đồng Hoang Điền. “Rì ơi, bằng nào một bộ mũ áo ông Táo này về?”. “Mười một nghìn, bá nhá. Em tẳng bán đắt làm gi”. “Rì làm chao vậy đế, nói thách vấy. Mười nghìn thôi tứ, tôi lấy một bộ nào”. “Giá lúc nào tả vậy. Thôi thì em để to bá, tả lãi lờ mấy, không bá lại tửi em”. “Ờ, năm nay thứ gi cũng đắt tết khiếp, rì ạ”. Đấy là lời mặc cả mua bán của hai người đàn bà làng tôi, ai nghe lần đầu có khi không hiểu họ đang nói gì. Bà tôi, mẹ tôi, cô tôi, dì tôi và bao nhiêu người đàn bà làng Hoành Nha này dù có đi xa khỏi làng nhiều năm tháng thì họ vẫn mang theo tiếng làng, tiếng nước của miền biển rì rào sóng vỗ và mặn mòi muối phơi trên những ô nề. Nói to để át đi tiếng sóng, ăn mặn nên giọng nồng nàn vị biển là vậy.


    Mẹ dẫn tôi vào hàng vải – hình như hàng vải là thứ hàng sang trọng nên người ta bán trong một dãy nhà xây có tường gạch, lợp ngói. Mẹ mua cho tôi cái áo xanh trứng sáo, cái quần xanh sĩ lâm còn thơm mùi hồ vải, mỗi bước đi phát ra tiếng kêu sột soạt. Bao giờ mẹ cũng mua quần áo rộng thùng thình một tí để vài năm sau còn mặc được, và khi tôi mặc cộc rồi thì nhường lại cho các em bé con cô, con dì tôi. Cái Thơ cũng được mẹ mua cho một cái áo hoa tay bồng, cổ lá sen rất diêm dúa điệu đà. Mùi hồ vải trên bộ quần áo mới thơm suốt mấy ngày tết, thơm suốt giấc mơ dài, thơm suốt tuổi thơ tôi lam lũ, để sau này tôi lớn lên, đi làm có tiền tự mua cho mình, cho con trai mình một bộ quần áo mới lại rưng rưng nhớ về một ngày hai ba tháng chạp đã xa thật là xa trong kí ức rõ rệt như vừa mới hôm qua. Và tôi tự hỏi tôi đã mua cho mẹ được bao nhiêu bộ quần áo mới mỗi khi tết đến, xuân về? Một giọt nước mắt chợt rơi xuống bàn tay như bông hoa gạo rụng xuống lối đi đầy bùn lầy và nước đọng.


    Bà tôi kể rằng ngày xưa có cặp vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng. Một ngày, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bấy lâu này bặt vô âm tín bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Để tránh điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ. Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa chết cùng. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện. Ngọc Hoàng thương tình thấy ba người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Hàng năm, đúng vào ngày hai tháng chạp là ngày Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Bà nội bảo đó không đơn giản là sự tích nhằm giải thích về một tục lệ mà còn có là một biểu tượng về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng son sắt, thủy chung.


    Mẹ dắt tôi chen sang hàng vàng mã. Tay mẹ nắm chặt tay tôi sợ lạc. Người đông như mắc cửi. Những đinh tiền, đinh vàng ngồn ngộn, lấp lánh chất cao như núi Thiên Thai. Những ông ngựa giấy muốn tung vó, dựng bờm hí vang trên đường xuân vạn dặm. Những khói trầm, khói bài thơm nghi ngút bay lên hóa thành ráng hồng, mây trắng. Mẹ tôi sắm sửa mũ áo cúng Táo quân. Các ông Táo thì mũ có hai cánh chuồn, bà Táo thì mũ không có cánh chuồn, kèm theo ba bộ áo và hia màu xanh vàng đỏ. Mẹ còn mua ba con cá chép làm phương tiện để Táo quân lên chầu trời. Tôi ngây ngô hỏi mẹ là cá chép chỉ bơi dưới nước chứ làm sao mà bay lên trời được hả mẹ. Mẹ cười bảo cá chép vượt Vũ Môn sẽ hóa rồng con ạ. Tôi cũng như chú cá chép nhỏ, rời tay mẹ mà biết đến khi nào hoá rồng để đền đáp công lao mẹ cha dưỡng dục, sinh thành?


    Bố tôi lau bàn thờ bằng nước lá thơm đã xong, đang trịnh trọng đội khăn xếp, mặc áo the đen châm hương, đốt nến. Khói trầm ngan ngát từ chiếc lư đồng mắt cua vẽ vòng khắp ba gian nhà trong ánh sáng lung linh tỏa ra từ đôi ngọn nến cắm trang nghiêm trên giá. Bố tôi thỉnh một hồi chuông, mõ trước khi lầm rầm đọc bài văn khấn ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, ngài Bản Gia Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, ngài Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần. Giọt chuông giác ngộ, hạt mõ từ bi đọng trên mấy lá trầu biếc, vài quả cau non đặt giữa cái đĩa men sứ trúc lâm thất hiền. Tôi có cảm giác rằng bố phải khấn lầm rầm như thế thì thần linh và tổ tiên mới thấu tỏ, chứng giám. Phải chăng lời khấn là sợi dây vô hình nối giữa cõi dương và cõi âm, giữa người sống và người đã khuất để cõi này, người nọ không xa mặt, cách lòng.


    Tôi đốt mũ áo và đem cá chép thả xuống sông Sò. Ông Táo cưỡi cá chép chở cả tuổi thơ tôi đi mãi. Tôi đốt mũ áo hay đốt kí ức thành nắm tro tàn. Cá chép bơi ra biển. Tro tàn bay khắp trời. Mỗi hai ba tháng chạp đi qua, tôi lớn thêm một tuổi. Có lúc tôi ước, tôi là chú cá chép, bơi ra biển rồi lại quay về sông Sò, để mà nhỏ dại, bé bỏng như thuở nào lên năm, lên ba…


    Tản văn của Hoàng Anh Tuấn

    Hai ba tháng Chạp
    Hai ba tháng Chạp
    Hai ba tháng Chạp
    Hai ba tháng Chạp
  8. Vậy là tháng Chạp đã sang, năm mới sắp cận kề, lại bâng khuâng nhớ những ngày ở quê thuở nhỏ. Hồi đó, cứ sang cữ tháng củ mật, nhịp sống thôn làng dần sôi động hẳn lên, bởi nhà nhà bắt đầu lo sắm tết. Với lũ trẻ chúng tôi, tết là được mặc áo mới, được ăn ngon, có tiền mừng tuổi, nên đứa nào cũng háo hức mong chờ, còn với bậc phụ huynh thì khác, muôn vàn thứ phải chuẩn bị. Đầu tháng, mẹ dẫn 2 anh em ra thị trấn nhờ người quen may cho mỗi đứa một chiếc áo lon; thầy tôi tranh thủ lúc rỗi chẻ thêm mấy gộc củi nấu bánh chưng, cất mẻ rượu riêng dành cho ngày Tết. Thêm mấy bữa, các nhà bắt đầu í ới hẹn nhau chung lợn; bà nội dặn bác hàng xóm để dành nải chuối đẹp trong vườn làm mâm ngũ quả. Mùng mười tháng chạp, chợ Rọc đã rất đông người.


    Nhiều mặt hàng mới xuất hiện: mũ ông công, “hoành phi”, ‘câu đối” bằng giấy, pháo bánh, hoa nhựa, tranh gà, bóng bay, đèn lồng, quần áo mới... Cả khu chợ rộn ràng, tươi tắn, đầy màu sắc hơn hẳn ngày thường. Góp phần vào sự đông đúc ấy là cơ man lũ trẻ làng không có việc gì cũng ì èo đòi theo phụ huynh đi chợ. Đi để được ngắm, được nhìn, được kể cho nhau nghe về những điều tai nghe mắt thấy. B


    Bởi ngày xưa chợ là nơi mua bán của người lớn nhưng cũng là khu vui chơi, trung tâm giải trí của bọn trẻ làng. Được đi chợ thích lắm, nếu gặp bạn bè còn thích hơn, nhất là đụng thằng nào có tiền, thảo tính, mua kẹo mấu chia cho 1 cái thì thật tuyệt, thấy tình bạn bắn bó, thân thương, tăng thêm mấy phần.


    Rằm tháp chạp, phiên rằm cuối cùng trong năm, đã thấy không khí tết hối hả gõ cửa từng nhà, giục giã ráo riết lắm. Bắt đầu những ngày ai cũng tất bật. Thầy tôi tranh thủ quét vôi lại ngôi nhà, chẻ lạt bánh chưng, sửa tấm liếp chuồng bò, ra vườn lựa sẵn cây tre dựng cột nêu. Mẹ suốt ngày lẩm nhẩm những thứ phải mua: măng khô, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính, gạo nếp, vàng hương, bánh mứt, dưa hành, nhờ người đổi tiền lẻ... Lũ trẻ gặp nhau chỉ 1 chủ đề: khoe những thứ được sắm cho năm mới. Đứa khoe có áo, kẻ vui có quần, thằng khoe phụ huynh hứa 3 ngày tết được ăn cơm trắng không phải độn lang…


    Càng gần tết, thời gian dường như càng trôi nhanh hơn. Thoáng chốc đã đến 23 tháng chạp. Ngày tiễn ông táo về trời, thỉnh thoảng trong làng lại nghe tiếng pháo nổ đì đùng ở những nhà có điều kiện, ăn chơi đốt cả bánh pháo to. Mùi khói pháo thoang thoảng trong gió xuân làm anh em chúng tôi náo nức quá. Và khi mẹ tôi ra phố mang về 2 chiếc áo mới, thì tôi biết mùa xuân đã về đến cầu Dừa…


    Trần Đức Tuấn

    Nhớ tháng Chạp xưa
    Nhớ tháng Chạp xưa
    Nhớ tháng Chạp xưa
    Nhớ tháng Chạp xưa
  9. Cuốn lịch trên vách gạch tường loang chỉ còn lại những tờ mỏng manh cuối cùng. Tháng Chạp cạn dần, mùa đông đang nghiêng rót những ngày cuối cùng. Mẹ tôi những ngày giáp tết thế này bận rộn lắm trong công việc chợ búa, nhà cửa.


    Mẹ tôi đã làm bạn với đôi quang gánh chông chênh từ lúc còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, giờ mái tóc pha sương vẫn gánh hàng trên vai ra chợ. Cứ độ nắng chưa lên đến nữa đoạn sào là mẹ đã “sương” muối trắng ra chợ Hải Hòa (Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị) để bán, rồi khi trời gom nắng đổ về đông, mẹ tôi cứ thế mà gánh hàng về chợ hôm (chợ họp vào buổi chiều). Dáng người nhỏ, đôi vai gầy, trên vai là đôi quang gánh nặng trĩu với hai đầu thúng muối trắng cứ nhịp nhàng mà bước, đến lúc mỏi thì đổi đòn gánh sang vai một cách thoăn thoắt mà không cần phải dừng bước. Làm nghề buôn gánh bán bưng, nhưng tết năm nào mẹ vẫn sắm sửa chu toàn trên bàn thờ ra đến ngõ.


    Những ngày cuối năm, góc bếp trong nhà luôn rực lửa từ tay mẹ nhóm. Cứ sáng 28 tết mẹ ra chợ bán muối, chiều muộn mẹ về hai đầu thúng nào là nếp, đậu xanh, lạc,… để chuẩn bị gói bánh chưng. Đêm muộn ngày 28, mẹ tranh thủ ngâm nếp, lau lá chuối, nấu đậu để sớm mai gói bánh. Thau nếp trắng ngần, hạt nếp mây mẩy đều nhau, đậu xanh vàng ươm thơm nức mũi, lá chuối được cha cắt từ buổi sớm mơi ngày hôm qua; tất cả được bày biện ở góc thềm để gói. Đêm 29, góc bếp đỏ lửa nấu bánh.


    Ngày còn là đứa trẻ, anh em chúng tôi luôn đòi canh nồi bánh chưng cùng mẹ. Tiếng nói, tiếng cười của những đứa trẻ hồn hậu bên ánh lửa hồng pha với thanh âm lách tách từ củi cháy rực, tiếng mưa rả rích ngoài trời và gió bấc “bòn” những ngày cuối cùng thổi hun hút đến ngủ quên lúc nào không hay. Nghe tiếng gà gáy đầu, tôi vội vàng choàng dậy, thấy bóng mẹ chập chờn in trên vách phên tre sẫm màu. Như vậy là một năm nữa tôi lại ngủ quên, giờ nhìn lại vẫn không một cái tết nào tôi thức trọn vẹn để canh nồi bánh chưng cùng mẹ.


    Bánh mẹ tôi gói vội, nhân bánh chỉ là một ít đậu xanh mà sao anh em chúng tôi ăn ngon đến lạ. Phải chăng vì cái đói, cái nghèo hay từ bàn tay mẹ gói và nấu.


    Nhiều lần tôi đứng tần ngần ở góc sân để nhìn ngắm thật rõ chái bếp, ngẫm nghĩ mà thương cho làn khói bếp, thương cho lớp “mồ hóng” rồi thương cho mẹ. Chiều về, mẹ thổi cơm làm làn khói lam chiều cứ bay bãng lãng chẳng muốn rời, ngọn khói phả vào tàu lá chuối làm khói tản ra nhiều phương. Từ lúc nào mà những tàu lá chuối đã phủ nhẹ một lớp bụi mịn từ lửa rơm, có phải mẹ tôi cũng như tàu lá chuối, mỏng manh và mái tóc pha sương bởi ngọn khói lam chiều hoang hoải góc bếp ấy.


    Những ngày đông giáp tết, hiếm hoi lắm mới có cái nắng hừng đông, nắng không gắt gỏng mà nhẹ nhàng. Vạt nắng hồng hào len qua ô cửa sổ. Sợi nắng mảnh mai như tơ hồng chiếu vào lớp “mồ hóng” giăng đầy trên vách phên tre, cũng ưa nắng như lòng người, chúng óng ánh, nhảy múa nũng nịu dưới làn nắng xuân.


    Trong lúc mẹ chuẩn bị mâm cỗ cuối năm ở bếp, tôi xuống nhìn thoáng qua một vòng, bỗng bất giác mà giật mình. Ánh lửa hồng, bóng đèn lu hay nắng xuân làm tôi nhận ra da mẹ giờ đã nhăn nheo và đầy vết chân chim, tóc mẹ điểm bạc và lưng gù đi từ lúc nào. Thương biết mấy cho đôi vai nhọc nhằn.


    Mưa phùn lất phất bay, đỏng đảnh mà đọng trên chiếc nón lá rách tưa của mẹ, vương trên hàng mi, mái tóc. Đó là dấu hiện của mùa xuân đương chùng chình về trước ngõ.


    Mẹ vẫn hay kể tôi nghe cái tết đầu về làm dâu. Người ta vẫn hay nói rằng: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Sau khi nấu mâm cúng ngày 30 để mời ông bà về ăn tết, sáng đầu năm mẹ tôi phải lọ mọ từ sớm cùng bà nội để nấu xôi, chè. Gọi là cúng đầu năm. Chuẩn bị xong hai mâm cúng, mẹ thầm nghĩ bụng mai mùng 2 sẽ được về nhà mẹ. Nhưng đến sáng, cả nhà lại chuẩn bị mâm cúng, gọi là cúng “Tết nhà”. Sáng mùng 3 là nấu cỗ tiễn đưa ông bà. Mẹ tủi mà trào ngược nước mắt, hai hàng nước mắt ướt đầm trên gối. Mái nhà mẹ tôi muốn về thăm ngày tết chỉ cách một cánh đồng, ở ngay làng bên. Kể lại chuyện cho tôi nghe với giọng nói nặng trịch của người miền Trung, mẹ dõng dạc:


    - Nhập gia thì phải tuỳ tục thôi con, mền phận dâu con mà.


    Biết là chuyện quá khứ mà sao tôi thương mẹ vô cùng, thương cho ba ngày tết ấy quanh đi quẩn lại góc bếp, sót cho cái bỡ ngỡ lần đầu làm dâu của mẹ.


    Sáng ngày thường hay tết, mẹ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa nấu nước chè xanh. Mẹ đội nón ra vườn hái lá chè, chè hái từ buổi sớm mơi khi hạt sương còn đỏng đảnh trên lá. Chè được rửa sạch qua vài gáo nước giếng mát lành, rồi vài lát gừng để nấu cùng. Chế nước sôi vào ấm, mùi chè xanh thêm cùng gừng cay nồng bốc hơi. Ngày nhỏ tôi không thích uống nước chè vì đắng, nhưng lại thích hít hà cái mùi thơm nồng ấy. Một đoại nước chè xanh trong sóng sánh, nhâm nhi cùng lát mứt gừng mẹ làm vội, thật ấm lòng, ấm dạ cho ngày đầu năm.


    Ngày còn bé, tất cả những đứa trẻ đều hiếu kì với thế giới ngoài kia, mong đi thật xa. Để rồi những đứa con xa quê lại nhung nhớ về bóng dáng mẹ, thương ngọn khói lam chiều, ụ rơm góc sân, góc bếp mộc mạc.


    Tết về, những nụ mai đang ngần ngần khoe sắc, nắng xuân ấm áp rọi soi làm đất trời bừng tĩnh sau một giấc ngủ dài mộng mị và lòng người cũng thêm khoan khoái. Là đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, lớn lên bên vành nôi, cánh võng và lời hát ru của mẹ; góc bếp của mẹ, tôi mãi gói ghém cẩn thận để đem theo trong kí ức cả cuộc đời.


    Nguyễn Đức Anh.

    Thương biết mấy góc bếp của mẹ
    Thương biết mấy góc bếp của mẹ
    Thương biết mấy góc bếp của mẹ
    Thương biết mấy góc bếp của mẹ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy