Bài tham khảo số 8

"Tây Tiến" của Quang Dũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thơ ca thời kì chống Pháp. Bài thơ đã diễn tả thành công nỗi nhớ tác giả dành cho đơn vị cũ, đồng thời tái hiện những kí ức về tháng ngày hành quân gian khó. Khổ cuối tác phẩm chính là lời hẹn ước đầy xúc động của nhà thơ với Tây Tiến và núi rừng Tây Bắc:


"Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm nứa chẳng về xuôi"


Đi qua ba khổ thơ trước, độc giả đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, thấy bức tranh ấm áp tình quân dân trong đêm liên hoan văn nghệ và vẻ đẹp của người chiến sĩ với những lí tưởng cao cả. Nhưng tất cả đều đã ở lại quá khứ, trở thành phần kí ức khó phai nhòa trong lòng thi sĩ. Vì vậy, ông đã dồn tình cảm, cảm xúc của mình vào khổ thơ cuối, thốt ra lời hẹn ước về ngày hội ngộ.


Ở đây, lí tưởng cao đẹp của người lính một lần nữa được nhắc lại:


"Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi"


Trong khổ thơ thứ ba, người đọc đã được thấy tinh thần bất khuất, ngạo nghễ của các chiến sĩ Tây Tiến: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đồng thời, thấu hiểu hơn những mất mát, đau thương nơi chiến trường: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Sang đến đoạn cuối, điều này lại được gợi ra với cụm từ "đi không hẹn ước". Sự ra đi của các anh là hoàn toàn tự nguyện. Vốn chỉ là những thanh niên Hà Thành trẻ trung, nhiều hoài bão, nay họ đã phải từ bỏ cuộc sống cũ, khoác lên mình chiếc áo lính, cầm súng bảo vệ cho an nguy nước nhà. Chính họ cũng hiểu được sự nguy hiểm, khốc liệt nơi chiến trường, xác định một khi đã lên đường thì khó mà có ngày trở về. Vậy nhưng, với tinh thần xả thân cùng lí tưởng cao cả, đẹp đẽ, họ vẫn sẵn sàng dâng hiến tuổi trẻ, thậm chí cả tính mạng cho dân tộc mà chẳng có chút tính toán. Con đường mà những thanh niên ấy đi "thăm thẳm một chia phôi". Từ "thăm thẳm" như gợi ra tương lai mờ mịt, không thấy được đích đến. Đó cũng là con đường chia li, một đi không trở lại. Ấy vậy nhưng bao khó khăn kia chẳng cản được bước chân người lính. Hình ảnh của họ hiện lên cao cả và lớn lao vô cùng, đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường, sẵn sàng xả thân của cả một thế hệ trẻ thời chiến.


Tinh thần bi tráng cùng tâm thế sẵn sàng cống hiến, hi sinh ấy còn được khẳng định vô cùng chắc chắn với một lời hứa hẹn:


"Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"


Từ "ấy" lại một lần nữa được sử dụng. Nó gợi lên kí ức về mùa xuân năm 1947 - thời điểm quân đoàn Tây Tiến được thành lập. Nhưng cũng có thể, đây là từ dùng để chỉ mùa xuân độc lập, hòa bình của đất nước. Với chữ "ai" đặt ở đầu như một câu hỏi bâng quơ, không xác định, Quang Dũng đã thay mặt cho tất cả những người lính, bày tỏ nguyện ước gắn bó của mình với rừng núi Tây Bắc. Chốn biên cương đầy hiểm nguy kia tuy không phải nơi họ sinh ra, nhưng lại là nơi họ nguyện gắn bó suốt đời. Tất cả là bởi ở đó có những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống, có bao kỉ niệm khắc cốt ghi tâm, khó thể nào phai nhòa.


Bằng ngôn từ giản dị nhưng đầy sức gợi kết hợp với giọng điệu trữ tình da diết, Quang Dũng đã đem đến hình ảnh chân thực nhất về người lính. Ở đây, nhà thơ đã tận dụng bút pháp lãng mạn để nhấn mạnh sự hi sinh cao cả của đoàn quân Tây Tiến. Đồng thời, mang lại cái nhìn sâu sắc hơn cho độc giả về tình đồng đội, đồng chí gắn bó, thủy chung giữa những chàng trai trẻ nơi chiến trường.


Tác phẩm "Tây Tiến" nói chung và đoạn thơ cuối nói riêng đã thành công khắc họa chân dung những người lính trẻ trong thời kì kháng chiến chống Pháp gian khổ. Họ quả cảm, gan dạ, mang trong mình lí tưởng cao đẹp cùng lời hẹn thề trọn vẹn dành cho Tổ quốc. Qua đây, tác giả cũng khiến người đọc thêm thấu hiểu, biết ơn và cảm phục những sự hi sinh của thế hệ đi trước. Từ đó, trân trọng hơn nền hòa bình, độc lập ngày hôm nay.

Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8

Top 10 Bài văn phân tích khổ cuối bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9
  10. top 10 Bài tham khảo số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy