Top 15 Vị Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng quen thuộc nhất trong Phật giáo

Lan Huong Nguyen 121413 1 Báo lỗi

Ngày nay, nhu cầu đến chùa để quy y Tam Bảo, tham quan, vãn cảnh, cầu may hoặc tu học Phật pháp, dự Phật thất... ngày càng trở nên phổ biến. Tuy vậy, cũng có ... xem thêm...

  1. Thích Ca: Trung Hoa dịch là Năng Nhơn, Mâu Ni là Tịch Mặc. Thích Ca Mâu Ni nghĩa là người hay phát khởi lòng nhân từ mà tâm hồn luôn luôn an tĩnh, vắng lặng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, dân gian thường gọi là Phật Tổ Như Lai, là người khai sáng ra đạo Phật, là Giáo chủ của cõi Ta Bà chúng ta đang sống. Do vậy, tôn tượng của Ngài thường được thờ ngay giữa chính điện, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già, hoặc ngồi kiết già với tay phải cầm hoa sen đưa lên (còn gọi là Niêm hoa vi tiếu). Có nhiều chùa thờ tượng Ngài ở giữa tượng của hai vị tôn giả là A Nan và Ca Diếp, hoặc ở giữa hai vị Đại Bồ Tát là Ngài Văn Thù và Phổ Hiền (gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh, nghĩa là 3 vị Thánh trong Kinh Hoa Nghiêm). Cũng có chùa thờ Ngài ngồi giữa hai vị Phật là Phật A Di Đà và Phật Dược Sư, gọi là tượng TAM THẾ PHẬT. Ngoài ra, có chùa thì thờ Ngài ở giữa tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, gọi là Ta Bà Tam Thánh, nghĩa là 3 vị Thánh của cõi Ta Bà.


    Phật Thích Ca Mâu Ni là người được xác nhận là có thật trong lịch sử: là hoàng tử Tất Đạt Đa-vương tử của hoàng tộc Gautama (Cồ Đàm), con vua Tịnh Phạn của tiểu vương quốc Thích Ca - thuộc Ấn Độ ngày nay, sinh vào khoảng năm 624 TCN. Giáo pháp của Ngài được xem là giáo pháp tối cao, vô thượng, với nền tảng quan trọng là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và triết lý Mười Hai Nhân Duyên. Từ sau khi Ngài nhập diệt, xét về mặt tông phái thì giáo pháp của Ngài đại khái được chia thành 3 nhánh lớn là: Thiền tông, Mật Tông và Tịnh Độ Tông, trong 3 nhánh này còn chia ra nhiều trường phái nhỏ ứng theo căn cơ và nhân duyên sai biệt của muôn loài chúng sanh khác nhau tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.


    Với những cống hiến vĩ đại về mặt tư tưởng, triết học và giá trị thực tiễn trong việc tu dưỡng để được an vui, giải thoát của mình, đến nay đạo Phật của Ngài đã lan truyền ra khắp thế giới, phổ biến trên nhiều quốc gia và trở thành Quốc giáo của nhiều nước như: Bhutan, Tích Lan (Srilanka), Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia...

    Phật Thích Ca Mâu Ni cầm hoa sen (Niêm hoa vi tiếu)
    Phật Thích Ca Mâu Ni cầm hoa sen (Niêm hoa vi tiếu)
    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già-Giáo chủ cõi Ta Bà-Người sáng lập Phật giáo
    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi kiết già-Giáo chủ cõi Ta Bà-Người sáng lập Phật giáo

  2. A Di Đà còn gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức, v.v... Nghĩa là tuổi thọ, hào quang và công đức của Ngài không thể lường được. Theo Kinh Phật Thuyết A Di Đà thì Phật A Di Đà là Giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, cõi này cách thế giới Ta Bà của chúng ta 10 muôn ức cõi Phật, Ngài đã thành Phật được 10 kiếp và hiện nay đang thuyết pháp. Theo Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật A Di Đà phát 48 lời đại nguyện để tiếp dẫn chúng sanh về nước Cực Lạc-tức cõi Tịnh Độ thù thắng, thanh tịnh, trang nghiêm, vi diệu của Ngài. Trong đó, nguyện thứ 18, 19 và 20 là ba đại nguyện quan trọng nhất đối với người tu hành trong mười phương muốn cầu sanh về Tịnh Độ.


    Nguyện thứ 18: nếu khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh Giác.


    Nguyện thứ 19: nếu khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh Giác.


    Nguyện thứ 20: nếu khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi Chánh Giác.

    Ở các chùa tu theo pháp môn Tịnh Độ (tức pháp môn Niệm Phật), chúng ta thường thấy hình tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi xuống để tiếp dẫn chúng sanh. Các chùa hay thờ tượng Ngài đứng giữa, bên tay trái của Phật A Di Đà là Bồ Tát Quán Thế Âm, bên tay phải của Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí. Ba vị này được gọi là Tây Phương Tam Thánh-tức ba vị Thánh ở cõi Tây Phương Cực Lạc.

    Hình ảnh Phật A Di Đà tay trái cầm đóa sen trước ngực, tay phải duỗi ra tiếp dẫn chúng sinh quen thuộc
    Hình ảnh Phật A Di Đà tay trái cầm đóa sen trước ngực, tay phải duỗi ra tiếp dẫn chúng sinh quen thuộc
    Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn: Phật A Di Đà đứng giữa-Bồ Tát Quán Thế Âm đứng bên tay trái của Phật A Di Đà-Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên tay phải của Phật A Di Đà
    Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn: Phật A Di Đà đứng giữa-Bồ Tát Quán Thế Âm đứng bên tay trái của Phật A Di Đà-Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên tay phải của Phật A Di Đà
  3. Vị Phật ban thuốc trị bệnh thân và bệnh tâm cho chúng sanh. Theo Phật giáo Mật Tông, thông thường có 7 Đức Phật Dược Sư, hoặc 8 Đức Dược Sư (nếu cộng thêm Đức Thích Ca Mâu Ni), hoặc 9 Đức Dược Sư (nếu tính thêm Phật A Di Đà). Hạnh nguyện của các Ngài rất tương đồng như giúp chúng sinh được cứu khổ ban vui, sinh vào thiện đạo, thân hình đầy đủ các căn, được giàu có, xinh đẹp, thọ mạng dài lâu, tiêu trừ các tội lỗi về phạm giới khuyết giới, tiêu trừ các tội trộm cắp nghèo khó, giúp trừ các bệnh khổ thân tâm ma quỷ ám hại, giải trừ các loại bùa ngải của tà sư ngoại đạo, được vãng sinh Tịnh Độ…


    Theo Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức thì Phật Dược Sư có 12 đại nguyện chuyên cứu độ chúng sanh ngèo nàn đói khổ, bệnh tật, bị bùa ngải ếm đối, quỷ ma yêu tinh phá hoại, hoặc giúp phá trừ tính tham lam keo kiệt, bủn xỉn, kéo dài mạng sống, tiêu trừ tai nạn nước-lửa-binh đao hoặc bị chết bất đắc kỳ tử của chúng sanh... Ai may mắn nghe được danh hiệu của Ngài qua lỗ tai sẽ được thoát khỏi 3 đường ác đạo, từ ác đạo sẽ được sanh vào cõi Trời, cõi Người hưởng được những sự vui thù thắng vi diệu.


    Cũng theo Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức thì Phật Dược Sư là Giáo chủ của cõi nước Tịnh Lưu Ly ở phương Đông, Ngài có 2 vị trợ thủ đắc lực đứng hai bên đó là hai vị Đại Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ: Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Do vậy, Ngài có 2 danh hiệu quen thuộc là: Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương PhậtTiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. Hình tượng được thờ trong các chùa của Đức Phật Dược Sư thường có màu xanh dương đậm, ngồi kiết già, tên tay cầm tháp Dược Dư 7 tầng hoặc cái bát thuốc, tượng trưng cho hạnh nguyện thầy thuốc của Ngài. Có nhiều chùa cũng thờ 7 tượng Phật Dược Sư (thất Phật Dược Sư) bằng lưu ly 7 màu hoặc 7 tượng giống y như nhau, tượng trưng cho 7 vị Phật Dược Sư ở phương Đông.


    Bản Hán văn bên Trung Quốc nguyên có 7 bộ Kinh Dược Sư tương ứng với công đức bản Nguyện của 7 vị Phật gọi là Kinh Thất Phật Dược Sư Bản Nguyện Công Đức phần nói về 6 Đức Dược Sư là Quyển Thượng và phần nói về Đức Dược Sư Lưu Ly Quang là Quyển Hạ, tuy vậy khi truyền sang Việt Nam thì chỉ có 1 bộ Bản Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai do Ngài Pháp Sư Huyền Trang dịch, nguyên nhân cũng do một phần Việt Nam thịnh hành pháp môn Trì danh hiệu Phật.

    Phật Dược Sư
    Phật Dược Sư
    Bảy vị Phật Dược Sư ở phương Đông
    Bảy vị Phật Dược Sư ở phương Đông
  4. Di Lặc hay còn gọi Di Lạc, tức vui vẻ và hoan hỷ. “Phật Di Lặc” là cách gọi dân gian quen thuộc của người Phật tử xưa nay, nhưng theo nhiều kinh điển do Phật thuyết thì Ngài vốn là một vị Bồ Tát tên là A Dật Đa, còn gọi là Bồ Tát Di Lặc, hiện là Giáo chủ của cõi trời Đâu Suất. Trong Kinh Bồ Tát Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật, Đức Phật Thích Ca giảng Ngài là vị Phật ở đời vị lai, trong tương lai sẽ giáng sanh xuống cõi Ta Bà làm vị Phật kế tiếp Phật Thích Ca Mâu Ni để giáo hóa chúng sanh. Do đó Ngài còn được gọi là Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.


    Ngày nay, rất nhiều chùa chiền đúc và cúng bày tượng Phật Di Lặc mập mạp, bụng to, miệng cười rất tươi, ngồi trên một cái bao vải hoặc tay cầm xâu chuỗi, tay kia cầm gậy ngọc Như Ý. Tượng của Ngài thường được đặt ở ngay giữa cửa ra vào chánh điện của chùa hoặc trong sân chùa, trên lối đi vào chánh điện. Hình ảnh này lấy từ sự tích về Hòa thượng-Thiền sư Bố Đại (nghĩa là cái bao vải-Bố Đại Hòa thượng nghĩa là ông Hòa mang cái bao vải bên mình) triều nhà Lương đời Ngũ Đại-thế kỷ thứ 10 ở Trung Quốc. Tương truyền Hòa thượng Bố Đại chính là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc. Bụng to là chỉ cho sự bao dung rộng lượng, miệng cười là chỉ cho lòng hỷ xả, không vướng mắc.


    Có nơi thờ tượng Phật Di Lặc có thêm sáu chú tiểu/em bé bám ở quanh mình, biểu trưng cho sáu căn của một con người, gồm: Mắt-Tai-Mũi-Lưỡi-Thân-Ý. Đại ý là phàm phu do không thể điều khiển được sáu căn của mình, hằng ngày tiếp xúc với sáu trần là: Sắc-Thanh-Hương-Vị-Xúc-Pháp nên điên đảo mê lầm, khổ đau, đọa lạc; còn Phật Di Lặc là vị đã hoàn toàn điều khiển được sáu căn nên luôn an lạc, tự tại, hoan hỷ.

    Phật Di Lặc: mập mạp, bụng to, mặt tươi cười hoan hỷ, tay trái cầm xâu chuỗi, tay phải cầm gậy ngọc Như Ý-biểu tượng của cát tường, thịnh vượng
    Phật Di Lặc: mập mạp, bụng to, mặt tươi cười hoan hỷ, tay trái cầm xâu chuỗi, tay phải cầm gậy ngọc Như Ý-biểu tượng của cát tường, thịnh vượng
    Phật Di Lặc cùng sáu em bé/chú tiểu tượng trưng cho sáu căn
    Phật Di Lặc cùng sáu em bé/chú tiểu tượng trưng cho sáu căn
  5. Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán (Quan) Thế Âm là vị Bồ Tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ. Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh, trên đỉnh đầu có hình Đức Phật A Di Đà. Có rất nhiều hình tượng khác của Quán Thế Âm như: Quán Âm Tự Tại, Quán Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, v.v…


    Theo Kinh Quán Âm Tam Muội, Bồ Tát Quán Thế Âm vốn là một vị cổ Phật trong quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, do vì bi nguyện độ sanh nên Ngài quay trở lại làm Bồ Tát để cứu giúp chúng sanh khổ nạn. Do Ngài thương chúng sanh như mẹ thương con nên người ta thường tạc tượng Ngài mang hình dáng người nữ. Ngoài ra, Ngài có 32 ứng hóa thân (theo Phẩm Phổ Môn-Kinh Pháp Hoa) và 12 đại nguyện làm phương tiện khéo để phổ độ chúng sanh. Có nơi gọi Ngài là Mẹ Hiền Quán Thế Âm, Ngài đại diện cho TỪ BI.


    Cùng với Bồ Tát Đại Thế Chí, Ngài là vị trợ thủ đắc lực đứng bên tay trái của Phật A Di Đà, giúp Phật tiếp dẫn và giáo hóa chúng sanh mười phương cầu về Cực Lạc, là một trong ba vị Thánh cõi Tây Phương (Tây Phương Tam Thánh).

    Bồ Tát Quán Thế Âm-hai tay cầm bình nước Cam Lồ và nhành dương liễu quen thuộc
    Bồ Tát Quán Thế Âm-hai tay cầm bình nước Cam Lồ và nhành dương liễu quen thuộc
    Bồ Tát Quán Tự Tại-tên gọi khác của Bồ Tát Quán Âm
    Bồ Tát Quán Tự Tại-tên gọi khác của Bồ Tát Quán Âm
  6. Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ Tát, Đại Tinh Tấn Bồ Tát, Vô Biên Quang Bồ Tát,… hay gọi vắn tắt là Thế Chí.

    Ngài là vị Bồ Tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ Tát là vị Đại Bồ Tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta Bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường. Đây là vị Đại Bồ Tát mang nguyện lực, thần lực và ý chí lớn, đại diện cho TRÍ TUỆ.


    Cùng với Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài là vị trợ thủ đắc lực đứng bên tay phải của Phật A Di Đà, giúp Phật tiếp dẫn và giáo hóa chúng sanh mười phương cầu về Cực Lạc, là một trong ba vị Thánh cõi Tây Phương (Tây Phương Tam Thánh).

    Bồ Tát Đại Thế Chí
    Bồ Tát Đại Thế Chí
    Bồ Tát Đại Thế Chí thân sắc vàng
    Bồ Tát Đại Thế Chí thân sắc vàng
  7. Địa Tạng có nghĩa là An Nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Ngài mặc áo cà sa đỏ, đội mão Tỳ Lô, tay phải cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm viên minh châu sáng rực. Ngài thường được thờ trong Chánh Điện bên phải Đức Phật Thích Ca, hoặc nơi nhà thờ các vong linh. Đây là hình ảnh thường thấy nhất của Ngài Địa Tạng trong tất cả các ngôi chùa, có chùa thờ tượng Ngài đứng trên đài sen, có nơi thì thờ tượng Ngài ngồi trên lưng con Đề Thính (kỳ lân) với dáng vẻ oai nghi, từ bi, trang nghiêm.


    Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là độ hết chúng sanh trong Địa Ngục thành Phật thì Ngài mới chứng quả Vô Thượng Bồ Đề. Y theo lời dạy của Phật Thích Ca và Ngài Địa Tạng trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện thì mọi người nên tụng đọc kinh này trong 10 ngày trai mỗi tháng âm lịch (mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 27, 28, 29, 30), mỗi ngày đọc hết luôn một quyển, đem công đức ấy hồi hướng cho oan gia trái chủ nhiều kiếp cầu sám hối, hóa giải nghiệp chướng, bệnh tật, cầu cho người sống an lạc mạnh khỏe, cầu cho người chết siêu thăng, hay cầu vãng sanh về Cực Lạc, v.v... đều rất tốt. Nhất là trong tháng 7 âm lịch, tức tháng Cô hồn hàng năm, người ta thường tụng Kinh Địa Tạng để siêu độ vong linh cửu huyền thất tổ hay gia quyến bị đọa trong 3 đường ác, cầu Ngài Địa Tạng đến dẫn đi đầu thai hoặc sanh lên các cõi Trời, cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà.


    Ngài cũng là hiện thân của đại nguyện lực và lòng đại hiếu thảo giống như Ngài Mục Liên nên cũng có quan niệm xem Tôn giả Mục Kiền Liên chính là hóa thân của Đại Bồ Tát Địa Tạng. Do đó, có nơi thờ Ngài Địa Tạng thay cho Ngài Mục Liên và ngược lại, vì vậy người đi chùa thường bị nhầm lẫn giữa tượng của Ngài Địa Tạng và Tôn giả Mục Kiền Liên do có nhiều điểm tương đồng về hạnh nguyện và hình dáng.

    Hình ảnh Đại Bồ Tát Địa Tạng đầu đội mão, tay trái cầm viên châu, tay phải cầm tích trượng quen thuộc thường thấy nhất
    Hình ảnh Đại Bồ Tát Địa Tạng đầu đội mão, tay trái cầm viên châu, tay phải cầm tích trượng quen thuộc thường thấy nhất
    Bồ Tát Địa Tạng tay trái cầm viên châu, tay phải cầm tích trượng đứng trên hoa sen
    Bồ Tát Địa Tạng tay trái cầm viên châu, tay phải cầm tích trượng đứng trên hoa sen
  8. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là vị Bồ Tát có trí tuệ siêu việt, được tôn xưng là vị Đại Bồ Tát đứng đầu trong tất cả mọi Đại Bồ Tát. Theo kinh điển Phật thuyết, Ngài là vị thầy của 7 vị Phật quá khứ, do đại nguyện nên vẫn còn làm một vị Bồ Tát để giáo hóa, cứu độ chúng sanh.


    Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói cho đủ theo âm Hán là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. Đại Trí là trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện.

    Là vị Bồ Tát tiêu biểu cho Trí Tuệ, Bồ Tát Văn Thù thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen hoặc ngồi trên con sư tử. Trên tay phải của Ngài, dương cao lên khỏi đầu là một lưỡi gươm đang bốc lửa -một biểu tượng đặc thù của Bồ Tát Văn Thù để phân biệt với các vị Bồ Tát khác- mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ này sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận, đưa con người đến trí tuệ viên mãn. Trong khi đó, tay trái của Bồ Tát đang cầm giữ cuốn Kinh Bát Nhã- trong tư thế như đang ôm ấp vào giữa trái tim mình suối nguồn và biểu trưng của tỉnh thức, giác ngộ.

    Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cưỡi sư tử, hai tay cầm gươm trí tuệ và quyển Kinh Bát Nhã
    Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cưỡi sư tử, hai tay cầm gươm trí tuệ và quyển Kinh Bát Nhã
    Hình ảnh Bồ Tát Văn Thù trong Mật Tông, tên gọi khác của Ngài là Diệu Cát Tường Đồng Tử
    Hình ảnh Bồ Tát Văn Thù trong Mật Tông, tên gọi khác của Ngài là Diệu Cát Tường Đồng Tử
  9. Bồ Tát Phổ Hiền là vị Bồ Tát phát mười hạnh nguyện lớn để độ chúng sanh, thường được nhắc chung với Bồ Tát Văn Thù, Ngài cũng do đại nguyện của mình như Ngài Văn Thù nên vẫn chưa thành Phật.


    Phổ Hiền Bồ tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà, zh. pǔxián 普賢, sa. samantabhadra, ja. fugen, bo. kun tu bzang po. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát, Phổ Hiền là vị Bồ Tát Đẳng Giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo Kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ Tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết Kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ Tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

    Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (sa. mañjuśrī). Ngài Văn Thù ở bên tay trái của Phật Thích Ca, Bồ Tát Phổ Hiền ở bên tay phải của Phật. Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Đại Nhật (sa. vairocana). Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ Tát.

    Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà
    Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà
    Tượng Bồ Tát Phổ Hiền tại núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
    Tượng Bồ Tát Phổ Hiền tại núi Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
  10. Vị Bồ Tát có ngàn mắt để nhìn hết nỗi khổ chúng sanh, có ngàn tay để cứu vớt chúng sanh khỏi biển khổ. Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni của Mật tông có nói: “Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ Tát Quán Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liền khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay”.

    Thiên thủ thiên nhãn là ngàn mắt ngàn tay. Con số ngàn không chỉ có nghĩa đen là đúng một ngàn, mà ám chỉ một số lượng nhiều vô số kể, không đếm được. Do đó nên hình tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên Nhãn trên thực tế tại các chùa có thể có hơn 1000 tay, cũng có thể có vài chục tay hay vài trăm tay.

    Nghìn mắt để thấy khắp thế gian và nghìn tay để cứu vớt chúng sinh. Bàn tay tượng trưng cho hành động. Muốn làm việc gì cũng phải dùng đến bàn tay. Con mắt tượng trưng cho sự xem xét, quán thông, thấu suốt, thấy rõ tường tận tất cả chúng sinh ở các cõi, thấy cả xa lẫn gần, cả to lớn lẫn tế vi, trước mặt và sau lưng, trên và dưới, ban ngày và ban đêm…Tượng có thể có hình con mắt trong lòng bàn tay, tượng trưng cho ý nghĩa hễ mắt để đâu thì tay theo đó. Hễ nhìn thấy nơi nào có chúng sanh khổ nạn là Ngài ứng hiện và dang bàn tay từ bi ra để cứu giúp tức thì. CHÚ ĐẠI BI của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn là bài chú quen thuộc, gần gũi, phổ biến nhất với tất cả mọi người.

    Bồ Tát Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn
    Bồ Tát Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn
    Phật Bà Ngàn Tay Ngàn Mắt
    Phật Bà Ngàn Tay Ngàn Mắt
  11. Thân vị Bồ-tát nầy có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngồi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu ly rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Vị Bồ Tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ-tát nầy là trì tụng bài chú: Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà Câu chi nẫm, đát diệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha. Bài chú này có công năng diệt tội, tiêu nghiệp, trừ bệnh tật, trừ tà ma, bùa ngải, quỷ thần quấy phá, v.v... cùng nhiều công đức khác không thể nghĩ bàn.


    Ngài là vị Bồ Tát thương chúng sanh như mẹ thương con, bảo vệ con khỏi nạn tai, nguy hiểm... nên hay được gọi là Phật Mẫu Chuẩn Đề. Ngài thường có hình tượng 4 tay, 6 tay, 12 tay, 18 tay,…

    Phật Mẫu Chuẩn Đề
    Phật Mẫu Chuẩn Đề
    Bồ Tát Chuẩn Đề
    Bồ Tát Chuẩn Đề
  12. Bồ Đề Đạt Ma (470-543), (chữ Hán: 菩提達磨), dịch nghĩa là Giác Pháp (覺法). Ngài là vị Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là vị Tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa, là vị Thánh Tăng nổi tiếng trong Phật giáo nói chung. Ngài còn là người sáng lập ra trường phái võ Thiếu Lâm nổi tiếng của Trung Quốc, cũng là cha đẻ của phương pháp Dịch Cân Kinh chữa bệnh trứ danh.


    Tư tưởng Thiền cốt lõi và rất quen thuộc của Bồ Đề Đạt Ma gói gọn trong bài kệ ngắn: Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật. Mấy câu này nghĩa là: Không thành lập, không chấp trước vào văn tự (văn bản, ngôn ngữ, chữ nghĩa) vì thiền ý (tức chân lý) cao siêu, sâu xa, vượt ra ngoài phạm vi của ngôn ngữ văn tự và chữ nghĩa. Do vậy, sự truyền thừa của người tu thiền ở ngoài giáo điển kinh sách. Thiền là chỉ thẳng, nhìn thẳng vào tâm người, từ đó thấy được Phật tánh sáng suốt vốn có của mình mà được thành Phật.


    Trong các chùa chiền, tự viện, tượng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma thường được đặt trong gian thờ Tổ ngay phía sau lưng của chánh điện thờ Phật Thích Ca. Hình ảnh quen thuộc người ta thường thấy nhất ở Ngài là một vị La Hán râu tóc rậm rạp, đôi mắt lồi to oai nghiêm, trán dồ ra (tướng A La Hán), chân đất không mang giày dép mà vác trên vai một cây gậy với cái tay nải hoặc một cái giày cỏ.

    Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đi chân đất, tay vác gậy có nón cỏ, giày cỏ. Đây là hình ảnh quen thuộc thường thấy trong các chùa chiền Phật giáo
    Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đi chân đất, tay vác gậy có nón cỏ, giày cỏ. Đây là hình ảnh quen thuộc thường thấy trong các chùa chiền Phật giáo
    Tổ Bồ Đề Đạt Ma-Vị Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và Tổ đầu tiên của Thiền tông Tung Hoa
    Tổ Bồ Đề Đạt Ma-Vị Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và Tổ đầu tiên của Thiền tông Tung Hoa
  13. Tôn giả Mục Kiền Liên, còn được gọi là Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên, Mục Liên Tôn giả, Mục Liên... Ngài là một trong 10 vị Thánh Tăng-tức 10 vị Đại A La Hán đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, được mệnh danh là Thần Thông Đệ Nhất, do Ngài có thần thông quảng đại vượt hơn các đệ tử khác nên được xưng như vậy. Nhắc đến Mục Liên Tôn giả, hầu như ai cũng biết câu chuyện Ngài cứu mẹ mình bị sanh làm loài ngạ quỷ nơi địa ngục nên Ngài cũng là đại biểu của lòng hiếu thảo của nhân gian.


    Theo Kinh Phật Thuyết Vu Lan Bồn, mẹ của Mục Kiền Liên do đời trước keo kiệt, bỏn sẻn, phỉ báng Tăng già, khinh miệt Tam Bảo nên sau khi chết bị đọa vào loài ngạ quỷ nơi địa ngục, bụng to như cái trống, cổ họng nhỏ như cây kim, lúc nào cũng đói khát không ăn uống được gì, bất cứ thứ gì đến miệng đều hóa thành lửa đỏ không nuốt được. Mục Kiền Liên sau khi xuất gia tu với Phật Thích Ca đạt quả vị A La Hán thần thông quảng đại thì muốn dùng thần thông quán biết người mẹ của mình sau khi chết sanh về cõi nào. Ngài thấy mẹ mình bị đói khát khốn khổ ở cõi địa ngục thì rất bi thương, bèn dùng thần thông hóa ra chén cơm đưa đến cho mẹ ăn, người mẹ do nghiệp lực quá nặng nề mà giành giựt chén cơm không cho các con quỷ đói xung quanh đụng đến, do vậy mà cơm đưa chưa đến miệng thì đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn nổi. Mục Liên thấy thế quá đau xót vội chạy về khóc hỏi Đức Phật, nhờ Ngài giảng rõ vì sao mẹ mình bị ác báo như thế và làm cách nào để cứu độ mẹ mình ra khỏi địa ngục. Phật dạy rằng do ác nghiệp của mẹ Ngài quá lớn nên sức tu của một mình Ngài không thể nào cứu vớt mẹ được, cần phải nhờ công đức tu hành của 10 phương tăng hợp lại mới có thể cứu được người mẹ. Hơn nữa, phải chờ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, chư tăng kiết hạ 3 tháng xong thì ra hạ, đúng ngày đó phải thiết lễ cúng dường trai tăng cùng các vật thực, nhờ sức chú nguyện, hồi hướng của 10 phương tăng bảo thì người mẹ mới có thể ra khỏi địa ngục. Mục Liên y giáo phụng hành, kết quả là mẹ Ngài được thoát khỏi cảnh địa ngục thống khổ và được sanh lên cõi trời.


    Từ sự tích này mà hằng năm vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, các chùa thường tổ chức Đại Lễ Vu Lan, còn chư Phật tử tại gia thì thường đến chùa cúng dường trai tăng để cầu siêu cho vong linh của cha mẹ ông bà được siêu thăng, dần hình thành nét đẹp văn hóa Phật giáo đề cao lòng hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ.


    Tôn giả Mục Kiền Liên Thần Thông Đệ Nhất trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca
    Tôn giả Mục Kiền Liên Thần Thông Đệ Nhất trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca
    Hình ảnh Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa địa ngục đói khổ, nhờ Phật dạy cho pháp cúng dường trai tăng tháng 7 hồi hướng cho mẹ
    Hình ảnh Bồ Tát Đại Hiếu Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa địa ngục đói khổ, nhờ Phật dạy cho pháp cúng dường trai tăng tháng 7 hồi hướng cho mẹ
  14. Hộ pháp Vi Đà còn gọi là Bồ Tát Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên, Ngài là hóa thân của một vị Đại Bồ Tát với 10 đại nguyện hộ trì Phật pháp, hộ trì người tu chân thật và giáo hóa chúng sanh... Do đại nguyện lực nên Ngài hóa thân thành vị Thần Hộ pháp Kim Cang Mật Tích Lực Sĩ. Bồ Tát Vi Đà vốn là thiên thần Thất Kiện Đà của đạo Bà La Môn, là con trai của thần Hộ pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trở thành thần Hộ pháp của Phật giáo, chuyên hộ trì Chánh pháp và những người tu chân chính theo Chánh pháp của Như Lai. Theo kinh điển Hộ pháp Vi Đà là vị Hộ pháp thần duy nhất được phép đứng đối diện với Phật Thích Ca trong các pháp hội của Phật.


    Tương truyền sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, chư Thiên thần và chúng Vương bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp. Lúc này Đế Thích Thiên cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá Lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ. Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích Thiên, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên khen ngợi. Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp (stupa) của Phật Tổ (chứa xá lợi Phật). Kể từ đó hình tượng Vi Đà được song hành cùng linh tháp chứa Xá lợi, mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho Phật pháp. Sự tích bảo hộ Phật pháp và người tu chân chính của Hộ pháp Vi Đà có rất nhiều và rất vi diệu, nhiệm màu không thể nghĩ bàn.


    Trong tất cả mọi ngôi chùa, chúng ta thường thấy luôn có tượng hai vị Hộ pháp đặt ở ngay hai bên ngoài hoặc bên trong của chánh điện. Bên phải là một vị dung mạo hiền hòa, uy nghi tuấn tú, tay cầm gậy Kim Cang, đó là Hộ pháp Vi Đà.

    Trong hệ thống chùa của người Việt, tượng Hộ pháp Vi Đà thường được thờ đối diện với tượng Hộ pháp Tiêu Diện ở hai bên chánh điện, dân gian gọi là Ông Thiện-tức Ngài Vi Đà và Ông Ác-tức Ngài Tiêu Diện, hai vị này tượng trưng cho việc hiển Chánh, diệt Tà. Trong hệ thống chùa chiền Trung Quốc, Đài Loan hoặc chùa người Hoa tại nhiều quốc gia, tượng Hộ pháp Vi Đà được thờ chung với tượng Ngài Quan Thánh Đế Quân thay cho Ngài Tiêu Diện.

    Tượng Hộ pháp Vi Đà quen thuộc trong nhiều chùa chiền với hạnh nguyện hộ trì tất cả người tu Chánh pháp của Như Lai
    Tượng Hộ pháp Vi Đà quen thuộc trong nhiều chùa chiền với hạnh nguyện hộ trì tất cả người tu Chánh pháp của Như Lai
    Tượng ông Thiện-ông Ác quen thuộc thờ trong nhiều chùa Việt Nam. Ông Thiện là Hộ pháp Vi Đà, ông Ác là Hộ pháp Tiêu Diện
    Tượng ông Thiện-ông Ác quen thuộc thờ trong nhiều chùa Việt Nam. Ông Thiện là Hộ pháp Vi Đà, ông Ác là Hộ pháp Tiêu Diện
  15. Ông Tiêu còn được gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ, ông Ác hay Hộ pháp Tiêu Diện, vốn là hóa thân của Đại Bồ Tát Quán Thế Âm. Do phương tiện và hạnh nguyện từ bi độ sanh mà Ngài hiện ra thân tướng hung dữ, tay trái chống nạnh, tay phải cầm lá cờ, mặt đen sì, hai mắt lồi to trợn lên, đầu có 3 cái sừng nhìn như quỷ vương, quỷ sứ. Tiêu Diện Đại Sĩ là một vị Bồ Tát chuyên hàng phục yêu ma, trừ tà quỷ, cứu độ chúng sanh. Điểm đặc biệt dễ nhận biết nhất của Ông Tiêu là chiếc lưỡi màu đỏ lòm lè ra dài đến bụng trông rất dữ tợn.


    Do căn tánh của chúng sanh không đồng, có thiện có ác, có nhiều cảnh giới và trình độ khác nhau nên Bồ Tát Quán Âm vì lòng bi nguyện nên hóa thân thành Tiêu Diện Đại Sĩ hình thù dữ tợn để cảm hóa những chúng sanh trong cõi ngạ quỷ, cho họ biết đến ánh sáng Phật pháp để được giải thoát, cũng như hàng phục loại yêu ma quỷ quái hung ác để khiến chúng nể sợ mà không quấy phá nhân gian, hướng thiện làm lành.


    Ngài là vị Hộ pháp quen thuộc trong tất cả chùa của người Việt xưa nay, đứng đối diện với Hộ pháp Vi Đà. Tượng của Ngài thường được thờ ở bên trái cửa ra vào chánh điện hoặc trong chánh điện của một ngội chùa, đối diện với tượng của Hộ pháp Vi Đà ở bên phải. Trong các chùa của người Việt thường thờ hình tượng của Ngài, trong các tự viện của người Hoa ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong...thì người ta thường dùng hình tượng của ông Quan Thánh Đế Quân thờ chung với Hộ pháp Vi Đà thay vì Ngài Tiêu Diện.

    Hình ảnh Ông Tiêu quen thuộc trong các chùa-hóa thân của Bồ Tát Quán Âm
    Hình ảnh Ông Tiêu quen thuộc trong các chùa-hóa thân của Bồ Tát Quán Âm
    Chùa người Hoa thường dùng hình, tượng Ngài Quan Thánh Đế Quân chung với Ngài Vi Đà thay cho Ngài Tiêu Diện
    Chùa người Hoa thường dùng hình, tượng Ngài Quan Thánh Đế Quân chung với Ngài Vi Đà thay cho Ngài Tiêu Diện
    Nanu FA 2021-11-14 01:07:31
    Thông tin thật bổ ích ạ. Nam Mô A Di Đà Phật



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy