Top 6 Truyện cổ tích về tình bạn ý nghĩa nhất

Thu Hoai 12 0 Báo lỗi

Tình bạn là thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng và cao cả. Để có được một tình bạn đẹp là điều không hề đơn giản bởi nó cần có sự vun đắp, cảm thông và thấu ... xem thêm...

  1. Ngày xưa, cô gà mái nào cũng có một cái mào đỏ rất đẹp như mào của các chú gà trống bây giờ. Một buổi sáng sớm, mái Mơ soi mình trong vũng nước và sung sướng thấy cái mào rực rỡ nằm trên đỉnh đầu của mình như một chùm hoa đỏ rực. Gà Mơ khoan khoái đập cánh và hát bài hát quen thuộc của họ nhà gà:


    “Cục ta, cục tác!

    Mào ta đã mọc!

    Cục ta, cục tác!

    Mào ta đã mọc!”


    Mọi vật quay qua nhìn gà Mơ và cùng xuýt xoa: “Chiếc mào mới xinh xắn làm sao, trông Gà Mơ thật đáng yêu”. Gà Mơ đi tung tăng khắp nơi kiếm mồi. Nó đến bên bể nước và chợt nghe có tiếng khóc ti tỉ. Mái mơ dừng lại nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt và lắng tai nghe. Thì ra, đó là một cây màu đỏ tía, lá thon dài đang tấm tức khóc một mình. Gà Mơ đang vui sướng, thấy bạn buồn, Mơ bỗng bối rối. Nó vội vàng chạy đến khẽ hỏi:

    – Bạn làm sao thế? Ai làm bạn phiền lòng?

    Cây rơi hạt nước mắt trong suốt như hạt sương xuống gốc và sụt sịt bảo:

    – Các cây quanh đây, cây nào cũng có hoa mà chỉ mỗi mình tôi là không có hoa. Vừa nãy có cây còn bảo rằng: “Đến gà Mái mơ cũng có hoa trên đầu. Thế mà…”

    Chưa nói dứt câu, cây lại bật khóc, nước mắt cứ rơi xuống thánh thót. Gà Mơ an ủi bao nhiêu cũng không làm cây nín. Gà Mơ nghĩ một lúc rồi quyết định:

    – Tôi cho bạn bông hoa đỏ trên đầu tôi nhé.

    Nghe Mái mơ nói thế, câu bỗng tươi tỉnh hỏi dồn:

    – Thật ư? Bạn cho tôi thật nhé?

    – Thật chứ. Tôi cho bạn bông hoa của tôi. Còn tôi, tôi là Mái mơ không cần có chiếc mào đỏ thắm như bông hoa ấy cũng được.

    – Thế thì sung sướng quá, xin cảm ơn bạn nhé!

    Sáng hôm sau, mọi người ngạc nhiên khi thấy chiếc mào đẹp đẽ của gà Mơ biến đâu mất. Còn cái cây thân đỏ tía lá thon dài bên bể nước thì lại nở một chùm hoa đỏ đẹp và rực rỡ y hệt chiếc mào của Gà Mơ.

    Cây hoa sung sướng vươn mình đón ánh sáng mặt trời mỗi buổi sáng. Ánh nắng mặt trời lại nhuộm cho bông hoa thêm đỏ thắm. Cây khe khẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về lòng tốt của Gà Mơ. Ai cũng tấm tắc khen ngợi lòng tốt của gà Mái mơ. Khi thấy gà Mái mơ đi qua, mọi vật đều nghiêng đầu chào đón, chúc mừng.

    – Chúc cho bụng dạ tốt đẹp của gà Mái mơ sẽ sinh ra những viên ngọc quý.

    Thế là từ đó, bông hoa ấy được gọi là hoa Mào Gà để kỉ niệm tấm lòng tốt của gà Mái mơ. Và gà Mái mơ cứ mỗi ngày lại đẻ một quả trứng hồng tuyệt đẹp.

    Trên đầu Gà Mơ bây giờ cũng nhú lên một chiếc mào mới nho nhỏ, xinh xinh rồi đấy.

    Tình bạn chính là sự hi sinh và đồng cảm. Gà Mơ đã thấu hiểu cho nỗi đau của cây hoa nên đã sẵn sàng tặng chiếc mào của mình cho cây hoa, điều đó thể hiện tình bạn cao đẹp giữa cả hai. Câu chuyện ca ngợi tình bạn chân thành, không phải chỉ tồn tại ở thế giới loài người mà ngay cả loài vật, chúng cũng biết san sẻ và yêu thương nhau, luôn dành những điều tốt nhất cho nhau.

    Sự tích hoa mào gà
    Sự tích hoa mào gà
    Sự tích hoa mào gà
    Sự tích hoa mào gà

  2. Khi xưa ở Thanh Hóa, có một người phú hộ tên là Nguyễn Đình Phương. Nhà ông có vườn cau ao cá, lại có chừng dăm ba chục mẫu ruộng tốt, hằng năm thu hoạch chất đầy kho lẫm.


    Trong nhà ông, vợ con, kẻ làm người lụng khá đông, chi tiêu cũng lắm, nhưng ông không ngại. Vốn là người hào hiệp, nên khi có ai túng thiếu đến nhờ vả, ông sẵn lòng chu cấp hay cho vay mượn, ít khi để họ phải về không.


    Nguyễn Đình Phương có một người bạn cố tri trước học chung một thầy tên là Trần Bính Cung, nay làm nghề buôn gỗ.


    Bính Cung trước kia có của ăn của để, trong nhà vừa mẹ già vừa vợ con năm miệng ăn đều do một mình ông lo liệu chu tất, nhưng từ dạo ông đi mấy chuyến bè thất bại, phần bị cướp, phần bị lừa gạt, nên sinh ra thua lỗ nặng, có bao nhiêu ruộng vườn đều bán sạch để trả mà vẫn không đủ.


    Tiếp đó, Bính Cung bị một trận ốm nặng, trở nên nợ đầm nợ đìa.


    Quá hạn không trả được, chủ nợ cho bọn nặc nô đến đòi ráo riết, may mà có Nguyễn Đình Phương chạy tiền trả hộ, nếu không thì gia đình Bính Cung cũng chẳng còn có cái nhà mà nương thân nữa. Sau đó, mỗi khi túng thiếu, Bính Cung còn cho vợ con đến nhờ vả lúc năm quan, lúc ba quan làm tiền thuốc men, Đình Phương vẫn vui lòng chu cấp.


    Thấy bạn quá tốt bụng với mình, Vợ chồng Bính Cung vô cùng cảm kích.


    Không ngờ bệnh của Bính Cung mỗi ngày một nặng, trước còn đi lại được, sau thì nằm liệt giường.


    Biết mình sắp chết, một hôm ông cho mời bạn tới. Khi thấy mặt Đình Phương, ông nói:

    – Tôi mắc nợ của bạn một số tiền lớn đã khá lâu mà chưa nói đến chuyện trả, thật là phụ tấm lòng tử tế của bạn quá.


    Đình Phương liền gạt đi:

    – Anh đừng nói thế! “Tiền là gạch, ngãi là vàng”. Tình nghĩa mới là cái đáng quý, còn tiền bạc nào có nghĩa lý gì. Anh đừng nhắc đến làm chi.


    – Không – Bính Cung nói tiếp: – Sở dĩ tôi mời bạn đến đây là vì món nợ làm tôi không lúc nào nguôi. Bây giờ tôi tính thế này. Ngôi nhà này của tôi như gán món nợ, có văn khế viết sẵn đây, nhưng trước mắt tôi bây giờ, con thơ, vợ dại, em yếu, mẹ già, tình cảnh đáng quan ngại quá.


    – Một mai tôi mất đi, nếu gia đạo tôi có việc gì, dám xin bạn tìm cách cứu vớt. Về sau con tôi lớn lên, gia đình tôi cất đầu lên được, chúng sẽ không bao giờ quên ơn bạn.


    Đình Phương liền bảo:

    – Sao anh lại nói thế? Mẹ anh đây cũng như mẹ tôi, con anh cũng như con tôi. Còn nhà của tôi, cũng như nhà của anh. Dù có thế nào đi nữa, tôi cũng xin gắng sức. Anh cứ thuốc men cho lành, còn món nợ hãy gác lại, đừng bận tâm gì về nó cả.


    Bính Cung không nghe lời, cứ ấn khế vào tay Đình Phương, lại gọi các con mình ra lạy sống Đình Phương rồi nói:


    – Bây giờ tôi chết mới nhắm mắt. Xin đa tạ bạn muôn đời. Tôi xin kết cỏ ngậm vành kiếp sau. Bính Cung trối đến đấy thì nhắm mắt xuôi tay, giã biệt cõi đời.


    Ngay sau khi Bính Cung qua đời. Nguyễn Đình Phương tỏ ra là người giữ lời hứa của mình. Ông bỏ tiền ra làm ma cho bạn chu tất.


    Ông sốt sắng giúp đỡ gia đình bạn, khi quan tiền, khi thúng thóc, không biết mỏi. Cả nhà Bính Cung coi ông như cây cột trụ. Làng mạc xóm giềng đều khen ngợi việc làm của ông không tiếc lời. Nhưng dần dà người ta thấy lòng hào hiệp của Nguyễn Đình Phương không phải là vô hạn. Sự giúp đỡ theo thời gian cứ thưa dần đi. Càng về sau, việc vay mượn của gia đình Bính Cung đối với ông càng trở nên khó khăn hơn…


    Nhiều lúc người con của Bính Cung phải đợi suốt buổi, mà cuối cùng vẫn phải vác rá về không, vì Đình Phương tuy có nhà nhưng người nhà vẫn đáp là “đi vắng”.


    Thái độ chuyển từ sốt sắng ra lạt lẽo của Đình Phương làm cho mẹ con Bính Cung thất vọng, coi đó như là một sự lừa gạt.


    Một hôm, sau những ngày thiếu ăn, mấy lần đến vay mượn không được, vợ Cung đón đường cố tìm gặp Đình Phương để hỏi cho ra lẽ.


    Khi gặp mặt Đình Phương, người đàn bà vật nài:


    – Mẹ con bà cháu chúng em đói no là nhờ ở một tay bác. Mong bác cố rộng tay giúp đỡ cho nhà em qua được vận này.


    Đình Phương nghe vậy liền vội vàng từ chối:


    – Chị đừng thấy gia đình tôi như thế mà tưởng là sung túc, thuyền to thì sóng lớn, chúng tôi dạo này túng bấn tợn. Chị có thể chạy hỏi các nơi khác xem thử.


    – Mẹ con chúng em chịu ơn bác rất nhiều, không bao giờ quên được. Biết đi lại mãi cũng làm phiền bác, nhưng tin vào lời hứa bác với nhà em lúc sắp mất nên một hai cậy dựa vào bác. Chẳng lẽ tình nghĩa ngắn ngủi có thế thôi ư?


    Vợ Bính Cung không ngờ tới câu trả lời chát chúa của Đình Phương:

    – Chị dạy như thế là lầm. Tôi cũng có vợ con của tôi chứ! Làm sao có đủ mà cứ phải chu cấp cho gia đình chị mãi được?!


    Đình Phương lại buông thêm một câu còn lạnh lùng hơn:

    – Không khéo tôi phải bán ngôi nhà bên chị để trang trải vài món nợ nữa đây!


    Nghe lời nói như một gáo nước lã giội vào mặt, người vợ Bính Cung đành gạt nước mắt ra về, không quên kể lại sự tình cho mọi người trong nhà nghe.


    Cả nhà ngồi lại khóc rấm rứt. Đúng lúc đó thì có một ông lão lối xóm chạy đến hỏi vì sao mà khóc.


    Người vợ Bính Cung kể lại đầu đuôi từ lúc tình bạn đậm đà, cho đến những câu trả lời tuyệt tình vừa rồi của Đình Phương rồi nói:

    – Cụ tính, bác ấy là ân nhân của chúng tôi mà mau thay lòng đổi dạ chóng thế, thì cả nhà còn biết làm sao mà sống bây giờ?


    Nghe người vợ khóc, ông lão nói:

    – Thắm lắm thì phai nhiều, đó là lẽ thường tình ở đời. Thôi, bây giờ mẹ con bà cháu nhà mợ hãy gắng tìm lấy một nghề mà nuôi nhau.


    Vợ Bính Cung liền thưa:

    – Cụ tính, trong nhà một đồng một chữ cũng không có. Ngôi nhà này còn là của họ, họ còn dọa bán, nay mai biết trú ngụ vào đâu. Thế thì cụ bảo làm nghề gì?

    – Mợ cả và các cháu đây có biết dệt sồi chăng?

    – Nuôi tằm dệt lụa cũng có thể học mà làm được cả, nhưng vốn liếng ở đâu? lấy gì mà mua khung cửi? lấy gì mà làm lương ăn cả nhà cho đến lúc có sồi đem đi bán?

    – Tôi thì chả giàu có gì – ông lão nói. – nhưng thấy tình cảnh nhà mợ cũng đáng thương. Bây giờ tôi bàn thế này. Cứ phải luôn nhờ vả người ta mãi quả là không tiện. Trong tay cần phải nắm chắc lấy một nghề, có biết chèo lái thì mới hòng đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Nhà tôi vốn làm nghề dệt đã ba đời nay. Nếu mợ quyết chí thì tôi xin truyền cái nghề này cho mợ. Còn vốn liếng khởi sự thì tôi sẽ cố giúp, sau này mợ khá giả sẽ hoàn lại cũng được.


    Ông lão nói rồi bắt tay làm ngay. Người vợ Bính Cung không ngờ một lão thợ dệt sồi ở xóm lại tỏ ra hào hiệp có phần vượt xa Nguyễn Đình Phương. Ông xuất tiền một lúc mua ngay khung cửi và mọi đồ lề khác để cho hai người đàn bà học dệt. Lại bỏ vốn cân tơ mang về làm.


    Ông lão còn mất khá nhiều thời gian để bày vẽ cho họ mọi cái bí mật của nghề nghiệp. Chẳng mấy chốc họ đã có sồi đem ra chợ bán. Càng ngày, nghề của họ càng tinh.


    Không bao lâu, gia đình đã dành dụm được tiền đem đi chuộc lại căn nhà. Họ lờ hẳn Đình Phương, coi như người xa lạ, trái lại, ân cần coi ông lão là một vị ân nhân.


    Thấm thoát đã bảy tám năm trôi qua, người con gái của Bính Cung đã có người dạm hỏi.


    Hôm chuẩn bị lễ cưới, trong nhà rộn rịp giết lợn, bày cỗ, tổ chức linh đình mà theo ý người vợ Bính Cung là để cho bõ những ngày gian truân vất vả vừa qua.


    Nhưng giữa lúc tiệc cưới vui vẻ, khách khứa tấp nập ra vào, bỗng người vợ Bính Cung nhác thấy bóng ai quen quen thấp thoáng trước cửa, bà liền tiến ra xem thử, thì ra đó chính là Nguyễn Đình Phương – bạn của chồng bà ngày xưa, người mà bà cố tình chủ ý không mời nhưng y cũng khăn áo đến dự. Bà thầm nghĩ:

    – Chẳng hiểu gã bạn bất nghĩa này còn đến đây làm gì nhỉ. Chừng ấy chuyện chưa vừa lòng hắn nữa hay sao?


    Tuy vậy, vì lịch sự và hôn trường đang đông người nên vợ Bính Cung cũng tiến ra đón y ở cửa chính và chua chát nói:

    – Bác hôm nay cũng đến đây ư? Xin mời bác vào trong cho. Chao ôi! Tôi tưởng rằng bác phải quên chúng tôi đã lâu rồi. Chắc bác cũng nghĩ rằng gia đình chúng tôi phải chết giấm chết giúi từ thuở đời nào, còn đâu được bác chiếu cố đến thăm nhà hôm nay nữa… Có phải vậy không thưa bác?


    Đình Phương vẫn từ tốn cười mà không trả lời. Vợ Bính Cung thấy vậy định tìm những câu đau hơn nữa để nói cho y biết mặt, nhưng đúng lúc đó thì ông lão ân nhân đã bước ra nói nhỏ vào tai bà:


    – Mợ cả, mợ đừng vội nóng, để tôi nói cho mợ nghe. Tất cả vốn liếng mà tôi giúp mợ, cả công lao bày vẽ của tôi nữa, đều là tiền bạc của ông Phương đây cả. Tôi chỉ là người trao hộ, làm hộ mà không nói ra cho mợ biết đó thôi.


    Vợ Bính Cung nghe nói thế thì không còn chút thần sắc nào nữa, quay lại nhìn chăm chăm vào mặt Đình Phương, miệng ú ớ:

    – Trời ơi, sự thật như vậy sao? Thế mà lâu nay tôi không nghĩ ra…Đoạn bà gọi các con lại và nói:

    – Các con ơi, mau đến đây mà lạy tạ vị ân nhân của chúng ta, đã bao năm nay ân nhân không hề oán trách, lại còn mượn tay người khác giúp chúng ta vượt qua cảnh khốn cùng để có được ngày hôm nay.

    Song Đình Phương xua tay gạt đi và nói:

    – Ấy, xin chị và các cháu đừng như thế, tôi vẫn nhớ lời hứa với anh nhà trước lúc nhắm mắt là trên đời này không có gì đáng quý bằng chữ “Nghĩa” mà, chứ tôi thì có tài cán chi đâu.

    Trọng nghĩa khinh tài
    Trọng nghĩa khinh tài
    Trọng nghĩa khinh tài
    Trọng nghĩa khinh tài
  3. Ngày xửa ngày xưa, Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống sống cùng với nhau ở trên trời.

    Mặt Trăng mặc cái áo màu trắng, Gà Trống đội chiếc mũ màu đỏ. Mặt Trăng thích cái mũ đỏ của Gà Trống lắm. Một hôm, Mặt Trăng nói với Gà Trống:

    – Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau nhé!

    Gà Trống đáp:

    – Tớ không thích cái áo màu trắng của cậu. Tớ không đổi mũ lấy áo đâu!

    Mặt Trăng cứ gạ đổi mãi nhưng Gà Trống nhất định không chịu. Mặt Trăng liền giật mũ của Gà Trống và vứt xuống mặt đất. Gà Trống vội bay xuống mặt đất để nhặt mũ. Nhưng mặt đất tối đen nên Gà Trống không tìm thấy chiếc mũ của mình. Gà Trống sực nhớ tới Mặt Trời. Gà Trống liền ngửa cô lên trời và cất tiếng gọi:

    – Mặt Trời ơi! Mặt Trời!

    Mặt Trời vội vén màn mây nhìn xuống dưới đất. Những tia nắng rực rỡ tỏa sáng khắp nơi.

    Nhờ có ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống, Gà Trống nhìn thấy cái mũ đỏ của mình mắc trên một cành cây. Gà Trống sung sướng bay lên để lấy chiếc mũ và đội lên đầu. Gà Trống định bay về trời, nhưng vì quá mệt nên không đủ sức cất cánh bay lên nữa. Gà Trống cất tiếng gọi:
    – Mặt Trời ơi! Kéo tớ lên với!
    Nhưng Mặt Trời không thể kéo Gà Trống lên được. Mặt Trời đành an ủi Gà Trống:
    – Gà Trống ơi! Bạn hãy ở lại dưới mặt đất vậy. Buổi sáng sớm, bạn hãy gọi “Ò ó o…! Mặt Trơi ơi!” thì tôi sẽ thức dậy và trò chuyện với bạn nhé!
    Từ đó trở đi, Gà Trống luôn dậy sớm và cất tiếng gáy “ò ó o” để đánh thức Mặt Trời dậy. Ở tít trên cao, Mặt Trời với gương mặt hồng hào, tròn trịa, mỉm cười nhìn Gà Trống. Muôn loài hoa đua nở, khoe sắc rực rỡ. Cây lá cũng mở bừng mắt reo vui chào đón ánh mặt trời. Người ta gọi lúc đó là ngày.
    Còn về phần Mặt Trăng thì cảm thấy rất hối hận và xấu hổ vì đã đối xử không tốt với bạn Gà Trống. Vì thế, Mặt Trăng cứ đợi đến khi Mặt Trời lặn xuống phía bên kia rặng núi, Gà Trống lên chuông đi ngủ mới dám xuất hiện. Người ta gọi lúc Mặt Trăng tỏa những tia sáng dịu dàng, yếu ớt là đêm.


    Câu chuyện không chỉ giải thích về hiện tượng ngày và đêm, mà còn khắc họa một tình bạn đẹp giữa gà trống và mặt trời, hai sự vật tưởng chừng như không liên quan đến nhau nhưng lại dành cho nhau những tình cảm rất đáng quý. Mặt trời đóng vai trò như người anh cả, che chở cho gà trống, ngược lại gà trống luôn luôn biết ơn mặt trời.

    Sự tích ngày và đêm
    Sự tích ngày và đêm
    Sự tích ngày và đêm
    Sự tích ngày và đêm
  4. Ngày xưa, có ba người học trò là Tùng, Trúc, Mai, quê ở ba miền khác nhau, tình cờ cùng học với nhau một thầy. Cha mẹ họ đều nghèo túng nhưng vẫn cố gắng cho con đi học. Trong những ngày xa nhà vùi đầu vào sách vở, bộ ba ấy kết bạn với nhau rất thân thiết. Họ ước với nhau rằng nếu sau này người nào làm ăn khấm khá thì sẽ không quên những người cùng sống trong thuở hàn vi và sẽ cố tìm cách giúp đỡ bạn qua cơn nghèo khó. Sau một thời gian học hành, cả ba người đều vì hoàn cảnh nên từ giã nhau mỗi người đi một ngả.


    Tùng là người thứ nhất có số phận trở nên may mắn. Sẵn có óc thông minh, anh cố công theo đuổi nghiệp đèn sách. Vì nghèo rớt mùng tơi, anh cầy cục theo hầu một cụ Nghè để vừa được ăn vừa được học. Thấy anh học giỏi, cụ Nghè hết lòng dạy dỗ, coi anh như con. Trải qua mấy năm trường sôi kinh nấu sử, cuối cùng anh thi đỗ tiến sĩ và được bổ làm quan ở kinh đô. Từ đấy cuộc sống của Tùng lên như diều gặp gió, khó có ai theo kịp.


    Tuy sống trong cảnh giàu sang, Tùng vẫn không quên những người bạn đèn sách xưa kia. Cho nên, một hôm, Tùng xin phép nghỉ việc công để đi tìm bạn. Sợ đi có cáng xá lính hầu sẽ làm phiền đến mọi người, nên anh cải trang làm một người dân thường. Không bao lâu anh đã tìm tới nhà Trúc, một trong hai người bạn thân ngày trước.


    Lại nói chuyện Trúc, từ ngày thôi học, được thừa hưởng một phần ruộng đất của ông bà bên ngoại để lại. Hắn ta biết cách xoay sở và chịu khó. Vì thế chỉ trong mươi năm, hắn đã trở nên khá giả: ruộng sâu trâu nái, vườn cau ao cá đủ cung cấp cho hắn và gia đình sống một cuộc đời sung túc.

    Nhưng Trúc tính khí biển lận. Tuy giàu có, hắn vẫn không muốn mất cho ai một đồng một chữ nào. Cũng vì thế, hắn quên mất cả những lời hứa hẹn với mấy người bạn nối khố ngày xưa:

    – “Ôi dào! Tìm làm gì cho mất công. Các ông ấy cũng chả nhớ gì đến bạn nữa là ta”. Nghĩ vậy, Trúc rất yên tâm về hành động của mình.

    Khi gặp Trúc, thấy Trúc giàu có, để thử lòng bạn cũ. Tùng không nói vội đến hoàn cảnh đỗ đạt của bản thân: chỉ cho biết rằng vì nhớ bạn nên anh tìm đến nhà chơi. Thấy bộ dạng bề ngoài của Tùng. Trúc đoán già đoán non rằng Tùng may lắm mới đủ ăn, nay tìm đến nhà mình không khéo lại dụng tình vay mượn chi đây. Nghĩ vậy, sau khi chào hỏi Tùng, Trúc cũng làm ra vẻ khó khăn:

    – “Thú thực với anh nếu không mắc mấy chuyện làm ăn thất bát thì tôi đâu có thua em kém chị thế này. Hồi ấy tôi đã định ra ngoài Huế tìm anh, nhưng vì mấy trận mất mùa liên tiếp, kế đó là một trận đói khủng khiếp, trong nhà có mấy thửa ruộng tổ nghiệp phải cầm đi, gần đây mới chuộc về được.”

    Trúc còn nói nhiều nữa, chủ tâm là để khóa mồm Tùng nếu hắn có ý định vay tiền. Và để tỏ ra là mình thực sự nghèo khó, Trúc đãi bạn theo mức bình thường. Buổi sáng hôm sau, khi người đầy tớ nhà Trúc đến thưa với chủ xin làm một mẻ lưới ở ao kiếm vài con mè béo đãi khách để y còn ra đồng cày ruộng, thì Trúc đã ngăn lại:

    – Úy! “Dần bất khả hạ trì” (giờ dần không nên xuống ao) mày lại không nhớ câu ngạn ngữ ấy ư? Mày muốn làm cho tao sạt nghiệp hay sao mà đòi bắt cá vào giờ này?

    Biết ý chủ, người đày tớ lẳng lặng lui ra. Đến chiều hôm ấy, khi gà vào chuồng, vợ Trúc bảo người nhà nhốt riêng một con để giết thịt. Nhưng khi đưa gà ra cắt tiết, Trúc đã vội chạy xuống bếp:

    – Ồ! “Dậu bất khả sát kê” (giờ dậu không nên giết gà), bạn cũ tâm giao ăn gì mà chẳng được, còn giết gà vào giờ này thì kiêng lắm đấy!

    Khi tới nhà Mai – người bạn nối khố thứ hai, Tùng vẫn khoác bộ cánh một người nghèo như lúc tới nhà Trúc. Và Tùng vẫn giấu kín không lộ cho Mai biết hoàn cảnh thực của mình. Mai từ lúc thôi học, trở về gặp cảnh nhà bấn bách, anh cố sức chèo chống nhưng không gặp thời. Anh đi buôn mấy chuyến bị lỗ vốn, quay sang dạy học thì bị ốm, có mấy sào ruộng tổ nghiệp phải bán đi để chạy thuốc.

    Cuối cùng hai vợ chồng phải làm nghề cày ruộng rẽ, có khi phải ngày ngày đi làm thuê mới đủ nuôi miệng. Tuy sống trong lều tranh vách đất, kiếm miếng ăn rất chật vật, nhưng hai vợ chồng không chút phàn nàn.

    Thấy Tùng đến chơi nhà, Mai đón tiếp rất niềm nở. Mai giới thiệu bạn với vợ:

    – Đây là người bạn thân thiết nhất ngày còn đi học với cụ đồ trên tỉnh. Từ dạo ấy đến giờ, dễ đến mười lăm năm. Mình nhớ chạy kiếm thứ gì về đãi anh ấy, nghe!

    Tùng thấy vợ bạn vâng lời chồng cắp rổ đi chợ. Trưa lại, anh thấy người đàn bà ấy đội một rổ thức ăn về nhưng trên đầu lại trùm một chiếc khăn đen mặc dầu không phải vào mùa gió rét. Lúc đầu Tùng không để ý. Sau đó, trong khi anh đi thơ thẩn ở hồi nhà thì thấy Mai và vợ kéo nhau vào buồng rì rầm trò chuyện.

    Ghé trông vào, một điều kinh ngạc đập vào mắt anh: lúc này vợ Mai đã lột bỏ chiếc khăn nhưng mái tóc xanh trên đầu thì không còn nữa. Vì vậy, khi vợ chồng Mai bước ra khỏi buồng, Tùng vội hỏi lý do vì sao nàng lại cắt tóc. Biết không giấu được nữa, vợ Mai đành cắt nghĩa:

    – Lúc sáng ra đi không có tiền, định hỏi mượn mấy người quen, họ cũng không sẵn. Nhân có nhà hàng tóc giả cần mua mấy lọn, sẵn có mớ tóc dài, tôi liền bán đi. Một đời một kiếp bạn mới đến chơi nhà, không lẽ ngồi nhìn nhau suông tình ư? Anh đừng ngại, tóc cắt đi rồi nó lại mọc, lo gì.

    Tùng hết sức xúc động về hành động của vợ Mai. Anh bèn nói thật với bạn biết, nào chuyện mình thi đỗ làm quan, cất công tìm bạn, rồi đến nhà Trúc được y đối đãi tệ bạc thế nào,… Nói xong, Tùng lục tay nải đưa ra cho vợ Mai một hộp trầu bằng vàng

    Sau khi trở về được ít lâu, Tùng lại cho người đưa tiền đến cho Mai và cho Mai đi Nam Định học nghề thuộc da. Khi học đã thành nghề, Tùng còn giúp Mai mở một xưởng thuộc da ở ngay tại làng. Công việc kinh doanh của họ ngày một phát đạt. Mai còn đem nghề của mình truyền bá cho dân làng. Nghề thuộc da trở thành một nghề làm ăn thịnh vượng chưa từng có trong một vùng.

    Còn Trúc mãi về sau mới nghe tin Tùng đã làm quan to ở kinh thì lấy làm ân hận. Kế đó lại nghe tin Mai nhờ Tùng mà làm ăn khấm khá. “Phải chi hồi đó ta tiếp bạn ta cho hậu, thì lo gì bạn ta lại không chạy cho được một chút phẩm hàm”, hắn bụng bảo dạ thế. Một hôm, hắn bèn khăn gói lần lượt tìm đến nhà hai người thăm hỏi. Song đến nhà ai, hắn cũng được tiếp đãi một cách nhạt nhẽo. Hắn đành tiu nghỉu trở về.

    Câu chuyện phê phán những người ham của cải vật chất mà quên đi tình cảm bạn bè thuở hàn vi, đồng thời thể hiện sự khâm phục sâu sắc cho hành động của vợ Mai, người đã hiểu được giá trị của tình bạn quan trọng đến như thế nào. Có những thứ mất đi rồi có thể tìm lại được như của cải, nhưng tình bạn trân quý hơn rất nhiều, một khi mất đi rồi thì không thể có lại.

    Bán tóc đãi bạn
    Bán tóc đãi bạn
    Bán tóc đãi bạn
    Bán tóc đãi bạn
  5. Ngày xưa, có hai người kết bạn với nhau rất thân, một người tên là Lưu Bình, một người tên là Dương Lễ. Dương Lễ nhà nghèo, Lưu Bình nhà giàu có bèn đưa bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hết sức tương đắc.


    Dương Lễ biết mình nghèo nên gắng sức chăm chỉ học tập. Lưu Bình ỷ mình có của, lười biếng học hành, mải mê ăn chơi.


    Đến khoa thi, Lưu Bình thi hỏng, Dương Lễ đỗ cao, được bổ nhiệm đi làm quan. Thấy bạn cùng học được lên danh phận, còn mình thì lận đận, Lưu Bình đâm ra chán nản, chơi bời hơn trước. Chẳng bao lâu, của cải hết sạch, rồi đến kỳ tho, Lưu Bình lại vác lều chõng ra đi, nhưng lại cũng hỏng như lần trước.

    Tiền gạo hết, đường về lỡ bước, Lưu Bình sực nhớ đến bạn cũ là Dương Lễ hiện đang làm quan trong vùng, bèn tìm đến hỏi thăm, nhờ bạn giúp đỡ.

    Dương Lễ lẩn mặt, sai lính lầu ra hoạnh họe, dọn đãi Lưu Bình lưng cơm hẩm với đĩa cà thâm. Lưu Bình giận bạn cũ sớm thay lòng đổi dạ, tủi hổ bỏ ra về.


    Dọc đường, chàng ghé lại quán trọ nghỉ chận, làm quen với thiếu phụ chủ quán tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thì hỏng luôn hai khóa, thiếu phụ an ủi khuyên chàng đừng nản chí đèn sách, và tình nguyện lo liệu mọi nỗi để Lưu Bình có thể yên chí mà học hành.

    Lưu Bình cảm động nhận lời, cô công dùi mài kinh sử, trong khi người đẹp lo tần tảo nuôi mình ăn học. Trai tài gái sắc cùng sống chung dưới một mái nhà, Lưu Bình có khi không ngăn được sóng tình, muốn cùng chăn gối, song Châu Long lại nhắc đến lời giao hẹn buổi đầu, là khi nào Lưu Bình thi đỗ thì đôi bên mới thành vợ chồng.


    Ngày đêm có người đẹp bên cạnh chăm nom, khuyến khích, Lưu Bình phấn khởi, ra sức học tập, cho nên ến khoa thi năm đó đã đỗ cao. Ngày vinh quy, Lưu Bình về đến nhà, lòng nao nức vì đã đăng khoa (thi đỗ) và sớm được cùng Châu Long kết tóc xe duyên. Nhưng về đến nơi thì thấy cửa đóng then cài, không thấy Châu Long đâu.

    Hỏi thăm rồi cho người đi tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy, Lưu Bình nhớ thương buồn bã, băn khoăn không hiểu sao người đẹp – ân nhân, bỗng dưng lại biến mất đúng lúc mình hiển đạt.


    Một hôm, đi qua vùng Dương Lễ làm quan, Lưu Bình ghé lại để xem tình đời ra sao, để có dịp trách mắng thói bội bạc của bạn cũ ngày xưa.

    Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan thốt lời mỉa mai, bỗng lặng lặng người đi, thấy Châu Long từ trong ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là người thiếp thứ ba của mình.

    Lưu Bình nghẹn ngào cảm động, thoáng hiểu ngay là bạn đã xử tệ để khích chí mình, rồi sai vợ lẽ thay mặt mình đi giúp đỡ cho bạn ăn học thành tài.

    Lưu Bình – Dương Lễ từ đó sống với nhau càng thân thiết hơn trước.

    Lưu Bình – Dương Lễ
    Lưu Bình – Dương Lễ
    Lưu Bình – Dương Lễ
    Lưu Bình – Dương Lễ
  6. Ngày ấy có đôi bạn chí thân tên là Quắc và Nhân. Họ đều là những học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ. Quắc được học nhiều hơn bạn, anh làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó vì sinh kế hai anh phải chia tay mỗi người mỗi ngả.


    Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang hết các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở thành một phú ông có cơ nghiệp kha khá trong vùng. Nhân giàu nhưng không quên tình bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề “sống chết sướng khổ có nhau” với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng được thấy Quắc còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy nhưng Nhân vẫn thương lượng với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang học với cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình. Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ.


    Nhưng tính vợ Nhân xưa nay đối với kẻ rách rưới, chị ta thường có thái độ khinh thị. Và chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân, đâu hiểu tình nghĩa Nhân với Quắc thế nào. Nhưng thấy chồng rất trọng đãi khách nên lúc đầu cũng không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: “Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì chưa chắc tôi đã được sống để gặp nàng”. Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: “Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại!”.

    Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Nhân một mặt thân hành chăm chút cho bạn, một mặt khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố sức giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu. Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm mình một cách nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không tính kế sớm thì sẽ có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn làm lôi thôi khó thoát.

    Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất bước, lẻn ra đi. Muốn cho bạn khỏi mất công tìm kiếm nên khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường làm như cảnh mình đã chết. Đoạn Quắc lần mò đi xứ khác trở lại nghề gõ đầu trẻ.

    Thấy mất bạn, Nhân bổ đi tìm nhưng chả thấy tung tích ở đâu cả. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ đó là khăn áo của bạn. Nhân vô cùng hối hận “Thôi ta làm hại bạn ta rồi! Chắc bạn ta bị cướp giết chết”. Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ: “Bạn ta trong túi không có một đồng thì dẫu có gặp cướp cũng không can gì. Đây một là bị hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu. Dù thế nào đi chăng nữa thì nhất định bạn ta cũng đi về phương này”.

    Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Nhân băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, luôn luôn cất tiếng gọi “Quắc ơi! Quắc ơi! Quắc! Quắc!… Nhân đi mãi, gọi mãi. Quanh quẩn trong khu rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng người bạn chí tình ấy vẫn không quên gọi: “Quắc! Quắc!”. Rồi đó Nhân chết hoá thành chim đỗ quyên hay cũng gọi là con chim cuốc.

    Lại nói về chuyện sau đó vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm ăn năn về những hành động của mình. Một hôm, chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam, nghe tiếng “Quắc! Quắc!” chị ta nhận ra là tiếng của chồng gọi bạn. Chị ta mừng quá kêu to: “Có phải anh Nhân đấy không?”

    Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng “Quắc! Quắc!” của con chim đỗ quyên. Vợ Nhân cứ theo tiếng chim đỗ quyên tiến vào rừng sâu. Sau cùng không tìm thấy được lối ra, tuyệt vọng quá mà chết bên cạnh một gốc cây.

    Câu chuyện vẽ nên một tình bạn thật cảm động giữa hai con người. Tuy Nhân đã giàu có nhưng không giờ quên được người bạn thuở hàn vi, tình bạn của họ thật đáng để ca ngợi. Câu chuyện đã hình tượng hóa các nhân vật, đặt họ vào trong bối cảnh cổ tích nhằm khẳng định sự thiêng liêng cao cả, cũng như vĩnh cửu của tình bạn. Truyện cũng phê phán những người coi rẻ tình bạn, chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt, những người như vậy sớm muộn gì cũng gặp phải báo ứng.

    Truyện cổ tích sự tích chim cuốc
    Truyện cổ tích sự tích chim cuốc
    Truyện cổ tích sự tích chim cuốc
    Truyện cổ tích sự tích chim cuốc



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy