Top 10 Tản văn viết về bà hay nhất

Phương Kem 154 0 Báo lỗi

Tình bà cháu là một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng và gần gũi, bình dị. Đây cũng là chủ đề của rất nhiều bài tản văn hay. Dưới đây Toplist xin gửi đến bạn ... xem thêm...

  1. Một năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào cũng có những vẻ đẹp riêng của nó. Mùa nào tôi cũng quý cũng yêu bởi các mùa đều gắn với những kỉ niệm về bà nội kính yêu của tôi.


    Ngày còn nhỏ, thú thực tôi không quan tâm mấy đến các mùa trong năm. Trong kí ức nhạt nhòa của tôi, mùa xuân chỉ thực sự bắt đầu khi tôi thấy cây đào bà trồng trong vườn đã trổ những bông hoa đỏ thắm. Mùa xuân đến là Tết cũng về, chị em tôi được xúng xính trong bộ quần áo mới.


    Tôi biết đó là mùa đông bởi khi ấy trời lạnh lắm, lạnh đến nỗi mỗi tối đi ngủ tôi vẫn mặc nguyên cả tấm áo bông. Đắp tấm chăn chiên cũ rích nằm ôm bà trong cái ổ rơm rồi nghe bà hát ầu ơ và kể chuyện mà vẫn thấy lạnh. Tôi cũng không hiểu sao tối nào ôm tôi vào lòng bà cũng lặp đi lặp lại câu hát buồn thương "Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội những khi đói lòng…"


    Tiếng hát của bà da diết nghe buồn đến não nuột. Dù không hiểu lắm nhưng âm điệu trầm buồn của lời hát cũng khiến tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Và đến mấy chục năm sau, bà vẫn ngâm nga câu hát xưa cũ. Có phải đó là cách duy nhất để bà giãi bày nỗi niềm đắng cay của người phụ nữ cả đời tần tảo, lo toan cho gia đình nhưng bị chồng phụ bạc?


    Tôi mong mùa hè bởi khi ấy chúng tôi không phải đến trường. Còn có niềm vui nào hơn khi mỗi buổi chiều trên những triền đê chúng tôi chân trần thả diều, hái hoa bắt bướm và ngụp lặn trên dòng sông êm đềm. Nhớ nhất những hôm mưa rào, bọn trẻ xóm tôi rủ nhau đội mưa rượt chạy trên cánh đồng đuổi bắt châu chấu, cào cào. Mưa tạnh cũng đồng nghĩa với chai thủy tinh đứa nào đứa nấy đầy ắp cào cào châu chấu. Bà nhặt sạch rang với lá chanh. Bữa cơm gia đình hôm ấy lại thơm phức hương vị đồng quê.


    Nhưng có lẽ trong cảm thức của tôi, mùa thu là đẹp nhất. Tôi yêu mùa thu không phải vì khí thu lành lạnh bởi ngọn gió heo may nhè nhẹ hay bầu trời thu mát trong; cũng không phải vì hương thơm của cốm mới hay hoa cau rụng trắng thềm nhà; cũng không phải vì sắc lá vàng rơi làm xao xuyến biết bao tâm hồn thi nhân. Với tôi chỉ đơn giản, mùa thu luôn gợi cho tôi nhớ bà nhiều hơn.


    Tôi nhớ lắm những buổi sáng mùa thu, khi bóng tối lờ nhờ vẫn còn bao trùm không gian, khi những hạt sương đêm còn ướt đẫm trên những tàu lá chuối, bà tôi đã dậy rồi. Bóng bà thấp thoáng ở cầu ao với chiếc áo nâu bạc sờn có mấy miếng vá cùng chiếc quần vắn cao lên tận bẹn đang lội ao vớt bèo nấu cám. Khi ấy, tôi cũng theo bà dâỵ, vẫn còn ngái ngủ dụi dụi mắt tôi hỏi "Bà ơi, sao bà dậy sớm thế?" Bà bảo bà dậy sớm vớt bèo nấu cám lợn, cơm nước cho tôi đi học rồi còn đi gặt. Bà bảo tôi dậy sớm làm gì, cứ vào ngủ tiếp đi kệ bà, bà dậy sớm quen rồi. Nhưng tiếng lạch cạch băm bèo thái rau của bà, mùi thơm của ngô khoai quện với mùi cay nồng của khói từ cái bếp củi bếp rơm của bà khiến tôi không sao ngủ được nữa.


    Tôi chong đèn để học bài. Mùi hương của trái chín, mùi thơm của hoa hồng, hoa lan bà trồng trong vườn cứ thoang thoảng bám bện lấy tôi. Bên khung cửa sổ nhỏ tôi thấy bà luôn chân luôn tay hết việc nọ đến việc kia. Bà múc cám ra mấy cái chậu sành cho nguội, phơi phóng quần áo rồi lại tất tả liềm hái, quang chành quanh gánh trên vai đi gặt. Trước khi đi, bà không quên dặn tôi học bài xong thì quét sân, cho lợn, cho gà vịt ăn, ăn sáng rồi đi học cho đúng giờ. Khi ấy trời vẫn chưa rõ mặt người.


    Tôi thấy có một điều thật lạ là bà dậy sớm thức khuya như thế nhưng bà chẳng chịu ngủ trưa bao giờ. Bà hết đi thóc, lại gẩy rơm, xay, giã, dần, sàng…. chẳng nghỉ tay phút nào. Tối đến, bên ánh đèn lờ mờ bà lại tranh thủ chuốt những bó rơm nếp vàng óng để đan chổi đem bán.


    Mùa thu đến với tôi nhẹ nhàng như thế đấy và tôi yêu. Tôi yêu mùa thu, yêu cả khu vườn vàng lịm cây trái, ngan ngát hương hoa của bà mỗi độ thu về. Nào là cây ổi đào góc bờ ao sai lúc lỉu quả. Những trái ổi vàng hươm rung rinh trong nắng thu vàng. Nào là cây thị xum xuê lá cành với những quả thị tròn xoe khoác lên mình bộ áo vàng rực rỡ. “Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn” chẳng hiểu sao mỗi lần giúp bà trẩy thị tôi đều đọc to những câu thơ ấy. Và khi đón nhận những quả thị trên tay tôi nhẹ nhàng nâng niu hít hà mãi cái mùi hương dịu ngọt mãi không thôi. Bà tôi khéo tay và chiều tôi lắm. Mùa thị nào bà cũng bện cho tôi những chiếc giỏ thật xinh bằng dây len để đựng những trái thị thơm. Tôi treo những chiếc giỏ quả ấy ở cửa sổ, góc học tập. Hương thị ngào ngạt thơm nức cả căn phòng, thơm cả tuổi thơ tôi và thơm mãi đến bây giờ. Thế nên mỗi khi nhìn thấy những trái thị chín bày bán ở chợ, lòng tôi lai rưng rưng nhớ về những năm tháng tuổi thơ và nhớ bà… Tấm áo tôi mặc, bát cơm tôi ăn…tất cả đều bắt nguồn từ những tần tảo, chắt chiu của bà trong những mùa quả như thế.


    Tháng Tám thu về, những cây trái trong vườn bà lại đẫm hương thơm trái chín. Tôi nghe lao xao tiếng lá và nỗi nhớ bà đong đầy. Lòng tha thiết tôi cất tiếng gọi khẽ “Bà ơi, thu đã về rồi!".


    Đào Ngọc Hà

    Thu đã về rồi bà ơi
    Thu đã về rồi bà ơi
    Thu đã về rồi bà ơi
    Thu đã về rồi bà ơi

  2. Vắng bà, nắng chẳng buồn dỗ dành hoa, bầu trời trong leo lẻo, giàn trầu xanh mướt ngày nào của bà, giờ đã úa vàng, gắng gượng bên bờ tường, men theo vách thời gian thảng thốt, như thầm gọi, bà ơi…! Tôi ngờ nghệch tựa mình vào cổng, nơi từng ngóng bà đi làm đồng trở về cuối buổi chiều hôm. Giờ đây rêu phong thoả sức xanh rì, cùng bóng thời gian sẫm màu in lên đó.


    Ngày ấy, nắng trưa chang chang mỉm cười cùng cánh chuồn chuồn chấp chới. Hàng cây im lìm chẳng buồn rung rinh, xào xạc. Đất dưới chân cong mình trong nắng. Đến cả đàn sẻ cũng ẩn mình không buồn ríu rít gọi nhau. Ngọn gió Hạ uốn cong lẩn trốn vào bóng râm kể lể…Dưới ruộng, bà nội vẫn mải mê làm cỏ lúa. Con cá cờ, con rô thôi không lượn lờ bơi lui bơi tới, con cua, con ốc chui sâu trong khe, trong hốc đất, khép mình lại im lìm trốn nắng.


    Nắng ngả thật thấp, nắng len qua lúa, nắng gẫy rụng theo dấu chân bà, bỏng rát mái đầu, lả cả đôi vai. Mùi bùn từ ruộng ngầu lên như thầm than thở, mong mùa màng năm nay được vụ. Rồi bà lại tất tả ngồi nghỉ tạm dưới rặng tre đầu làng, ẩn mình rũ nắng vào cây. Thênh thang nắng, mênh mang mây…Bà tôi giống như bao bà mẹ làng quê luôn tảo tần sớm tối, vun vén, chịu khó, chịu thương. Nhờ vậy cuộc sống của những người con, đứa cháu được như ngày hôm nay, phần lớn cũng là do công bà chăm sóc, dạy dỗ.


    Tuổi thơ tôi không may mắn được ở bên bố mẹ như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ngay từ lúc lên bốn tuổi, tôi đã phải sống xa bố mẹ của mình. Dường như ông trời cũng thấu hiểu điều đó, nên đã bù đắp thiệt thòi ấy bằng cách cho tôi được sống vui vẻ, hạnh phúc bên ông bà nội trong những năm tháng tuổi thơ. Hình ảnh bà nội in sâu đậm trong trí nhớ, trong lòng tôi. Có đôi lúc nhớ bà, thảng thốt, tôi vẫn muốn mình được gọi bà ơi..!


    Nhớ những buổi trưa hè thiu thiu trong giấc ngủ, mùi trầu cay nồng của bà còn phảng phất bên cánh võng ru tôi. Làn gió mát từ chiếc quạt mo cau bà phe phẩy xen lẫn tiếng ru lời hát. Ầu ơ…Có con vạc ngu ngơ, có con cò trắng trong câu ca dao, thuở lộn xuống ao vì đậu phải cành mềm…


    Vọng theo lời ru tôi lớn dần lên trong tiếng ầu ơ của bà. Nhớ dáng bà khom lưng vào mỗi sáng mùa đông bên bếp ấm, nơi tro tàn trấu ủ, củ khoai khoanh sắn bà vùi nướng cho tôi. Tiếng bà văng vẳng gọi tôi từ căn bếp, vang lên từng bậc cầu thang ấm áp, khẽ len qua khe liếp hẹp, men vào căn buồng, nơi tôi đang cuộn tròn người trong chăn ấm. Tôi như chú mèo con vươn mình đứng dậy, chạy đến bên bà.

    Lần tôi theo bà đi làm cỏ lúa ngoài đồng. Trong bụi mưa chiều bà chỉ tay lên không trung nói ”cầu vồng kìa con, con nói ước mơ của mình đi, lớn lên nó sẽ thành hiện thực đấy con ạ!” Tôi khẽ đáp lời bà. "Con muốn xây cho bà ngôi nhà thật to thật đẹp trên đó khi con lớn.”


    Bà cười nói "cha bố con, lúc con lớn rồi thì bà đâu còn sống nữa mà xây nhà cho bà…” Bà mắng yêu tôi như thế, rồi cười ngời hạnh phúc với câu nói ngô nghê của tôi. Có lần bà đi làm đồng về vào buổi trưa mùa hạ. Trời nắng nóng, chiếc khăn mặt vắt hờ trên cổ bà ướt đầm mồ hôi. Tôi chạy theo bà ra cầu ao, nhìn làn nước mát trong tay bà khoả dưới tán lá dừa, khuôn mặt bà vẫn còn đỏ lựng vì nắng nóng. Thương bà, tôi thầm nghĩ, giá mà con sóng lăn tăn kia từ tay bà, biết lôi cái nắng trở lại để bà bớt mệt.


    Chiều nay, về đến đầu làng, vắng bà…con đường quê cũng như thưa dần. Tôi nhớ tới mùi cơi trầu của bà, nhớ mùi vôi bà têm vào lá. Chiếc khăn đen mỏ quạ, chiếc áo nâu đã sờn nhiều năm, mà cứ mỗi dịp Xuân về, bà mang ra cầu ao ngồi nhuộm lại. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, bà dành dụm để thương con, thương cháu, chẳng sắm sửa gì cho mình. Tôi nhớ lắm, bà thường mắng yêu.”Cha bố mày, áo mặc có vừa không con…ăn có ngon không con..?” Tôi vẫn nhớ, dáng bà liêu xiêu gánh mạ, gánh cả hồn vụ Xuân trong chiều hôm bên nắng phai.


    Hạ về trên quê hương tôi, bao la trên cánh đồng vàng, bên cánh võng của bà ru tôi năm xưa…Tôi thấy hạ bồi hồi đâu đó, gói bâng khuâng trong lòng, cùng với tiếng vỡ oà từ ngày xa xưa…Dạ bần thần, mắt khe khẽ cay, nhớ bà…vắng xa đã lâu. Tôi chạy ào lên triền đê con sông Luộc, nơi bà thường dắt tôi xem thả diều những chiều mùa hạ. Con sông vẫn nằm đó trôi xuôi.


    Sông nhớ ai mà nghẹn ngào đỏ mắt…rười rượi phù sa…Tôi vội chạy trở về ngôi nhà xưa của bà. Bể nước mưa còn đó, nhưng tìm đâu ra ngọt ngào mát lạnh trưa hè. Vắng bà, hai cây cau cọ bẹ vào thân loà xoà đung đưa trong gió cũng lười ra hoa kết trái. Giàn trầu xanh mướt ngày nào của bà, giờ đã úa vàng gắng gượng bên bờ tường, men theo vách thời gian thảng thốt, như thầm gọi, bà ơi…!


    Tôi ngờ nghệch tựa mình vào cổng, nơi từng ngóng bà đi làm đồng về cuối buổi chiều hôm. Giờ đây rêu phong thoả sức xanh rì, cùng bóng thời gian sẫm màu in lên đó. Cuộc đời cho tôi người bà và mùa Hạ yêu thương như thế. Chúng tôi đã cùng nhau đi suốt quãng đường dài. Sao không đi được cùng nhau đến đoạn đường cuối…Lúc “nghĩa tử là nghĩa tận” lại thiếu vắng nhau… Bà ơi..!


    Tôi cầm trên tay mình mùa hạ của bà…Bà đã cõng mùa hạ tuổi thơ của tôi đi…giờ chỉ còn yêu thương… ở lại…


    Lê Minh

    Bà ơi
    Bà ơi
    Bà ơi
    Bà ơi
  3. Tuổi thơ, niềm sung sướng nhất của nó là được theo bà đi chợ!


    Vì bố mẹ đi công tác xa nên bà trông nom hai anh em nó. Trẻ con quê nó chả bao giờ biết ngủ nướng. Sáng sớm khi chú trống choai vừa dứt tiếng gáy bà đã vào âu yếm xoa má nó: “Bống ơi dậy đi chợ với bà nào”, rồi bà gọi anh trai nó nâng hàng. Ba bốn rổ quả chín thơm lựng xếp chồng lên nhau nặng cỡ hơn hai chục cân chễm chệ trên đầu, đã thế bà lại còn đeo thêm cái bị to tướng. Nó mắt nhắm mắt mở tụt vội xuống đất quáng quàng rửa mặt, chào anh và lon ton chạy theo níu gấu áo bà. Ra khỏi ngõ đã tí ta tí toét ngó nghiêng xung quanh xem lũ bạn hàng xóm có thập thò nhìn theo không, ra cái vẻ “Tớ được theo bà đi chợ nhá”…


    Quê nó là làng vườn ven sông, hoa trái trĩu trịt quanh năm nên quanh năm dân làng trảy quả ra chợ bán. Chiều hôm trước bà đeo cái bị cói thoăn thoắt đánh đu từ cây ổi sang cây roi vặt quả chín. Gần đầy bị bà lại khéo léo dùng mỏ nèo móc vào quai hạ dần xuống đất, nó nhanh nhẹn đỡ lấy trút vào rổ chứa. Vườn quả nhà nó sực nức hương thơm, ríu tít tiếng chim, suốt ngày chúng chát chao đánh nhau chí choé…Nhiều khi mải lúi húi nhặt quả nó hứng trọn mấy bãi phân chim trắng toét trên đầu. Con Mực mỗi khi thấy bà chuẩn bị ra vườn là nhảy cẫng lên ngoáy đuôi rối rít. Mực khoái nhất là được chạy tít mù trong vườn sủa ầm ĩ trêu ghẹo lũ chào mào đanh đá choen choét ở trên cao. Nhưng mỗi khi nghe tiếng bõm dưới ao Mực lại phi luôn xuống nước bơi tùm tũm, chưa đầy một phút đã lóp ngóp công những quả roi bà khều rụng nổi dưới ao mang xếp đống trên bờ. Nó chỉ việc bê cái rổ tre xinh xinh tới nhặt, khanh khách cười mặc cho Mực rùng mình vẩy nước bắn tung toé vào người. Tài thật, những quả roi Mực công về ko một vết xước răng, cả khu vườn buổi chiều rộn rã âm thanh vui vẻ. Nó luôn miệng hỏi vặt và líu lo kể chuyện các bạn ở lớp, rồi chuyện cái Hồng, thằng Bo hàng xóm cho bà nghe. Bà trên cây mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà cái miệng ăn trầu cười tươi đến là tươi khi bắt gặp ánh mắt đứa cháu nhỏ dưới gốc cây thi thoảng lo lắng ngước lên nhìn.

    Tinh mơ đường làng đã lao xao tiếng gọi: “Bà Chung ơi đi chợ không?”, “Chị Lan ơi chờ tôi với”. Rồi người ta tíu tít đổ ra đường trò chuyện râm ran, ai cũng khệ nệ mấy rổ hàng, vừa đội vừa giữ không khéo là đổ, thế mà còn có người buông cả hai tay, đi đánh nhịp vắt va vắt vẻo. Quê nó người ta không quen gánh mà chỉ đội, dường như văn hoá đội chỉ có ở miền cây trái bãi sông này. Một làng vườn thường xuyên lũ lụt, các quãng đường ngập nước nên khi mang hàng ra chợ bán người ta không dùng quanh gánh mà phải xắn quần thật cao và đội hàng lên đầu. Sản phẩm làng vườn luôn được nâng niu, gìn giữ khỏi bị dập nát vì còn phải bán cho người buôn mang đi chợ xa.


    Nó tung tăng theo bà vào chợ, các hàng rổ đựng đầy quả chín xếp như bàn cờ với muôn hình muôn vẻ. Táo, ổi xanh bóng, tròn căng nằm cạnh những mớ hồng xiêm nâu sậm, xù xì mà vị ngọt như đã đọng vào môi vào lưỡi tới ba ngày chưa hết. Những cành nhót đỏ mọng như những chùm đèn màu, giăng cùng với chuối tiêu, đu đủ vàng ươm mời mọc, đón chào gợi lên một cảm giác ngọt ngào trong làn gió ban mai nhè nhẹ. Vô vàn là roi, roi hồng tươi, căng tròn như những đôi má trẻ, từng chùm, từng chùm xen lẫn lá xanh xếp lên nhau đẹp như mơ. Chanh và khế mới nhìn đã thấy mát mắt, chua chua nơi đầu lưỡi, xua tan đi không khí nóng bức của mùa hè. Và kìa ổi, ổi có bốn mùa, giòn thơm, ngọt dịu tan trong miệng. Ăn trái ổi dường như người ta như tỉnh lại, nghe thấy cả tiếng chim cùng tiếng gió trời. Khế ngọt, khế chua, bòng bưởi, na, chuối, cốm, hồng.. cam quất, quýt vấn vít với trứng gà, cà rốt... khoe những sắc màu vàng tươi, đỏ rực trông thật là vui mắt. Người bán người mua ồn ã, náo nhiệt cả một vùng. Những cô gái làng vườn tóc dài, da trắng, môi cười tươi thắm, tay thoăn thoắt xếp quả, giọng mời khách ngọt ngào. Người dân quê nó không bao giờ nói thách giá cao, chỉ câu trước câu sau là ngã giá. Bà xởi lởi, nhẹ vía nên hàng mang đến một lát là hết veo. Ai cũng muốn mua của bà để lấy may mắn cho cả phiên chợ. “Nhà mình sẵn đồ hàng nên bà bán ngay không kì kèo để họ còn có tấm bánh mang về cho bọn trẻ, con ạ”, bà bảo thế. Nó biết tính bà, toét miệng cười, mũi hếch lên hít hà mùi hành mỡ thơm lựng từ hàng bánh bay sang, tròn xoe mắt nhìn các cô buôn hàng đi chợ xa, hàng chồng chất trên gác ba ga, có khi nhìn từ đằng sau chẳng thấy đầu họ đâu, mà chỉ thấy đôi chân đang gồng lên, gắng đạp. Bà nói họ vất vả là thế mà cả phiên chợ cũng chỉ được lãi được dăm ba bơ gạo nuôi con thôi, thương lắm!

    Nó nũng nịu kéo tay bà vào hàng bánh, chợ quê nó chủ yếu là hoa quả và bánh trái. Nào là bánh xôi, bánh mật, bánh nếp, bánh tẻ, bánh đúc, bánh rán, bánh dầy giò, bánh chưng, bánh gai, bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp... Bánh làng nó ngon nức tiếng cả một vùng châu thổ sông Hồng, bởi dân làng nó khéo tay hay làm và cũng có lẽ còn do nguồn nước ngọt lành của con sông ngày đêm thao thiết chảy. Bánh nhiều vậy nhưng chưa tan buổi chợ đã hết veo. Đông đúc và hấp dẫn nhất là hàng bánh cuốn, được tráng nóng ngay tại chỗ. Bánh mỏng tang rưới nước mỡ nóng cuộn lẫn hành phi giòn tan. Bánh cuốn khi ăn cặp với lá mùi, ngập vào nước chấm trong, đặm vừa phải có thêm vị chua ngọt, cay cay thật là tuyệt. Người ăn ai cũng tấm tắc, xuýt xoa khi được thưởng thức vị béo ngậy của bánh, mùi thơm hấp dẫn của hành, mùi, quất, hạt tiêu. Bánh bèo thì khỏi phải nói, ngon giật mình. Giữa tấm bánh tròn như lá bèo là một lỗ nhỏ ăn sâu như đường hầm vào lòng bánh, ngập mỡ phi hành chứng tỏ người làm phải thật khéo tay khi đổ bột. Nước chấm của bánh bèo là loại nước mắm thượng hạng. Ai đi chợ cũng nhớ mua dăm bảy chiếc về làm quà. No bụng rồi mà nó vẫn thèm thuồng nhìn sang hàng bánh hấp, những lá bánh trắng mịn xếp lên nhau như cánh hoa dành dành, rắc thịt băm dậy mùi thơm đậm đà hấp dẫn. Bà âu yếm cốc đầu: “Cha bố cô, bà biết rồi. Bà sẽ mua cho anh trai cô nhé”.


    Rồi bà một tay cắp mấy cái rổ, một tay dắt nó vào hàng gạo. Gạo quê nó toàn bán bằng bơ chứ không dùng cân hoặc đấu gỗ như các nơi khác. Mỗi bơ đong đầy là tám lạng. Chả biết bơ có đủ tám lạng hay không mà cảnh đong gạo thật thú vị, người mua cầm bơ vục xuống thúng gạo xoáy thật mạnh rồi nhanh tay ngửa bơ lên nện đến thịch một cái cho gạo dồn nén xuống, sau đó dùng hai bàn tay be gạo đầy ngọn bơ rồi đổ thốc vào cái bị đang há miệng. Người bán thì cứ nhăm nhăm gạt gạo xuống hoặc kéo miệng bị lại trông thật buồn cười. Nhưng người bán kẻ mua cũng rất vui vẻ, thân tình chả thấy ai vì đầy vơi mà cãi cọ nhau bao giờ, cứ như chuyện thêm bớt là đương nhiên phải có. Bà nó cứ tủm tà tủm tỉm đợi người ta đong xong mới nhẹ nhàng ngồi xuống ghé bị vào bảo người bán: “Chị ơi đong hộ tôi cái”. Chị bán gạo cười toe sung sướng: “Bà thế này chả ai nỡ đong thiếu cho bà!”. Bà thường bảo nó: “Thêm lên một chút rồi ăn cũng hết nhưng trong lòng thì nghĩ ngợi không vui bởi vì còn nhiều người khó khăn, thiếu thốn hơn mình con ạ”. Nó thầm nghĩ sau này lớn lên đi chợ nó cũng như bà, chả bao giờ thêm bớt, mặc cả.


    Thường hai bà cháu ra về lúc còn đông chợ, khi ông mặt trời đã rực rỡ chiếu hếch những tia nắng đầu tiên lên lưng ngọn tre. Bà vui vẻ hỉ hả với bị gạo đầy, mấy gói bánh và mớ tôm, mớ cá, cháu náo nức xách túi bỏng ngô, tập bánh đa đề gói trong lá chuối. Nó nhảy chân sáo trên đường làng, hít căng lồng ngực hương của ban mai. Hai bên đường hoa ngâu chúm chím óng vàng toả mùi thơm ngan ngát, những vườn ổi vườn roi sực nức ngọt ngào mùi quả quá tầm chín rụng, những bờ táo chiu chít hoa buông hương ngọt dịu, hoa rắc trắng lối đi. Và kìa vô vàn là những cánh bướm sặc sỡ chấp chới lượn vòng qua những vườn cúc vàng tươi, vườn hồng đỏ thắm, đâu đó rủ rỉ rù rì từng đàn ong dậy sớm tự bao giờ đang say sưa hút mật. Hàng nghìn hàng vạn giọt sương long lanh trên cỏ biếc bắt đầu tan làm cho không khí buổi sáng của làng vườn quê nó thêm mát lạnh, trong lành. Không gian ngập tràn âm thanh ríu ran, lảnh lót tiếng hót của đủ các loài chim: Chim Sẻ, chim Ri, Chào mào, Sáo sậu, Chích choè, Cu gáy, Vành khuyên…cứ xốn xang vang mãi khiến cho tâm hồn nó cứ ngân lên ngân lên… Nó háo hức nghĩ đến cảnh cái Hồng, thằng Bo chạy ùa ra tíu tít nhận quà từ tay nó ánh mắt lấp lánh, vừa nhai rau ráu vừa ròn rã cười vui. Con Mực chầu sẵn ở đầu ngõ cứ chạy vòng vòng, nhảy cẫng lên liếm tay bà đòi phần công nhặt quả đến khi bà dúi cho miếng bánh bèo mới thôi. Niềm vui theo bà đi chợ của nó cứ thế nhân lên, nhân lên rồi lại được hào hứng chia năm sẻ bảy…


    Theo bà đi chợ, những lời dạy bảo ân cần, những ứng xử nhẹ nhàng mà ấm áp tình người của bà cứ ngấm dần vào tâm thức nó, cứ từng ngày theo nó lớn lên. Nó cảm nhận được bao điều thú vị của cuộc sống, hưởng trọn bao niềm vui từ những ánh mắt hồn hậu, nụ cười thân thiện của những người dân mộc mạc chân quê. Nó được thoả sức hoà mình vào những sớm mai trong sáng, tha hồ hít thở hương vị ngọt ngào đặc biệt của làng vườn yêu dấu, nơi anh em nó được hạnh phúc lớn lên trong vòng tay yêu thương của nội. Trong lòng nó ăm ắp niềm vui với bao điều xúc cảm. Nó thầm ước ao giá như cứ bé bỏng mãi để hôm nào cũng được theo bà đi chợ nhưng nó cũng lại ước mong rằng nó mau lớn lên để mang đỡ những gánh nặng cho bà. Bao yêu thương không thể nói thành lời…

    Viên Nguyệt

    Theo bà đi chợ
    Theo bà đi chợ
    Theo bà đi chợ
    Theo bà đi chợ
  4. Hà Nội đang mưa rầu rĩ sau những ngày thu se lạnh trong xao xác heo may. Một ngày giữa thu, trong mùa covid và giãn cách xã hội, đất trời mưa lạnh cũng như buồn hơn, ảm đạm hơn. Hôm nay cũng là ngày giỗ của Bà Nội tôi. Tuổi thơ của chị em chúng tôi luôn gắn liền với bà nội! Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất từ lâu, ông bà ngoại cũng mất. Tôi chỉ được biết và sống cùng bà nội thôi! Chợt nhớ da diết những ký ức xa xưa về bà nội của tôi, những ký ức của một thời tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ.


    Ký ức luôn khơi gợi tình yêu thương dẫu nó luôn đẹp và buồn! Lúc này, tôi đang thả mình vào những ký ức tuổi thơ trong suốt ấy. Và những ngày thơ bé của tôi lại hiện về. Trong suốt ký ức về tuổi thơ của mình, tôi luôn nhớ mãi những ngày xưa yêu dấu. Cái ngày tôi còn bé tí con, còn xộc xệch, còn nhem nhuốc, còn buộc tóc túm vểnh đuôi gà, cái ngày tôi còn thơ ngây, non nớt và vụng dại.


    Bà nội tôi ngày ấy lưng đã còng lắm. “Bà tôi lưng còng, không đi chợ trời mưa…”. Bởi suốt cả tuổi thơ của mình, tôi thấy bà nội chỉ quanh quẩn ở nhà chăm chút cho lũ cháu ngày ấy. Đó là bốn chị em chúng tôi. Hình ảnh của bà nội luôn gắn liền với những ngày thơ bé và lớn lên sau này của tôi. Tôi còn nhớ đôi chút về những lời dạy dỗ mộc mạc của Bà nội từ ngày xa xưa. Tiếng nói của bà tôi cứ rì rầm, nghe xa vời như là cổ tích ! Bà luôn tưới mát giấc mơ tuổi thơ tôi bằng rất nhiều những câu chuyện kể. Những câu chuyện kể truyền miệng của thế hệ các cụ từ ngày xa xưa. Ngày xa xưa ấy, các cụ ta không được học hành nên thiệt thòi nhiều, hầu như không mấy người biết chữ. Bà nội tôi vốn là dân xứ đạo quê gốc ở Ninh Bình. Bà biết cách kể nhiều chuyện hay, kể nhiều tích xưa, tôi nghe nhiều từ ngữ rất cổ xưa và có cả những từ rất lạ lùng mà bà tôi tự đặt ra. Bà cũng hay đọc ca dao và những câu thành ngữ. Ví như khi thấy lũ trẻ choai choai mà nghịch ngợm quá thì bà tôi gọi bọn chúng là “nậm chúng đầu đẳng”, ấy là lũ trẻ không biết nghe lời. Sau này tôi nghĩ lại và tự phiên câu nói ấy của bà nội sang một câu gần với thành ngữ, đó là “cá mè một lứa” !


    Bà nội tôi rất thích kể chuyện. Hình như chỉ có tôi là chăm chú lắng nghe hơn cả. Toàn những chuyện xưa cũ, nào là chuyện chạy loạn, chuyện chết đói từ ngày xưa, chuyện bị bọn Tây đuổi đánh, chuyện phải vào nằm nhà thương ở mãi Hà Nội...Bà kể rành rẽ, tả rất chi tiết, còn ví von rất là hình ảnh. Chuyện từ xửa xưa, tôi hiểu ra rằng từ cái ngày ấy, khi con người ta còn ngu muội, do hầu hết là dân ta ngày ấy không được học hành, do cuộc sống ngày ấy quá nghèo đói, ông nội phải đi làm phu mỏ, cuộc sống quá thiếu thốn, khổ sở, gian truân. Tôi nằm bên bà lắng nghe, những câu chuyện ấy vẫn còn phảng phất trong trí nhớ trẻ thơ của mình. Nhiều chuyện tôi nghe xong nhưng không hiểu gì và có chuyện thì nghe xong không hiểu hết. Hiểu hết sao được khi tôi lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ con lên năm, rồi sau này lên mười, cho đến mười một tuổi !


    Bà tôi còn thích kể những câu chuyện cổ tích dân gian và rất thuộc các bài về kinh lễ nhà thờ. Bà theo đạo Thiên Chúa giáo và tôn kính Đức Chúa Giê Su và luôn tin Đức Chúa Trời. Gặp lúc đau ốm hay nguy nan, tôi thấy bà hay gọi to câu: “Lạy Chúa tôi” ! Câu gọi “Chúa tôi” với bà nội là thường xuyên. Thi thoảng, trong các câu chuyện bà nội kể, tôi thấy phảng phất những nét đẹp của điệu thánh ca buồn. Sau này lớn lên, tôi cứ tiếc mãi, sao ngày ấy tôi lại không biết giục giã bà kể chuyện hay hát cho mình nghe nhiều hơn những câu chuyện cổ xưa và những câu Thánh ca.


    Những câu Thánh ca sau này tôi được nghe người ta hát trong Nhà thờ thường là rất hay, nghe du dương, quyến rũ, huyền bí và cũng rất trang trọng. Một nguồn vốn văn hóa dân gian cổ xưa và giá trị cần được bảo tồn. Tôi cứ tiếc mãi, không lưu giữ lại được những câu chuyện kể xa xưa của bà nội. Những câu chuyện hay lại được kể từ chính người bà ruột thịt của mình. Bà nội tôi thuộc về lớp người cổ. “Xưa như bàn tay Bà cũ nhăn nheo”! Bà nội tôi đã bay về miền mây trắng theo các cụ từ lâu.


    Những ngày thơ bé của tôi luôn được hưởng sự chăm bẵm trong vòng tay yêu thương của bà nội. Khi ấy, tôi mới là đứa trẻ 4-5 tuổi nhưng vẫn còn rất nhớ, dẫu những ký ức về bà nội cứ dần xa vời. Những ngày chiến tranh kề sau đó, khi người dân cả nước ta phải chạy sơ tán vì máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, cả mấy chị em nhà tôi cùng bà nội phải đi sơ tán vào trong vùng núi. Tôi và mấy chị em gái đã có được những ngày tháng đẹp đẽ ở thị trấn Sa pa khi tôi mới lên 5 tuổi, đó là cuộc đi sơ tán cùng với bà nội. Vào những năm mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vô cùng ác liệt từ 1964- 1965. Tôi còn nhớ bà nội đã bế tôi suốt trên tay khi mấy bà cháu chúng tôi ngồi trên xe ô tô khách đi từ thị xã Lào Cai vào tới thị trấn huyện Sa pa. Tôi ngày bé rất ốm yếu nên đã bị say xe và nôn thốc nôn tháo suốt chặng đường với nhiều núi non cao dốc ngược ấy. Tôi còn nhớ là bà nội đã bế tôi xuống để xin ngồi nghỉ trên đường một lát. Đúng một nơi có con suối chảy rất đẹp. Conđường quốc lộ gần sát vực, cạnh bên một con suối chảy, có thác nhỏ trắng xóa và lòng suối có những tảng đá lớn màu rêu xanh trơn trượt. Không hiểu sao từ ngày còn bé tí mà tôi lại nhớ mãi được những hình ảnh xa mờ ấy. Bây giờ dẫu có dịp quay lại Sa pa nhiều lần nhưng tôi vẫn không thấy lại được cảnh đẹp ấy. Những ký ức tuổi thơ ấy đã khắc ghi vào tâm trí đứa trẻ năm tuổi là tôi khi ấy từ rất lâu.


    Cuộc sống tươi đẹp và hồn nhiên nơi miền biên ải với thiên nhiên xanh mát của núi rừng Lào Cai cứ thế trôi đi. Sau này nghĩ lại, tôi thấy tuổi thơ của mình thật là hạnh phúc và may mắn. Thiên nhiên núi rừng ngát xanh, con người phóng khoáng, lãng mạn và hiền hoà. Nơi ấy có nhiều hoa lá cỏ cây, đất đai màu mỡ, núi đồi trập trùng, sông suối róc rách reo hát đêm ngày...


    Nhà tôi ở trên một đỉnh đồi đầy gió rất đẹp trong khu sơ tán Nam Cường. Lại còn có những thửa ruộng lúa xanh uốn lượn ở ngay sát nơi chân đồi bao quanh và có cả một cánh rừng già rất nên thơ cũng ở ngay gần nhà. Tất cả, bao nhiêu những thứ đẹp đẽ, những thứ thân thương ấy đã làm nên quê hương tuổi thơ của tôi. Sau này, chúng cứ tự nhiên chảy tràn vào những trang viết của tôi như một dòng suối trong trẻo và mát lành.


    Mỗi ngày lại mỗi ngày, chị em tôi cứ dần lớn lên trong vòng tay của bà nội. Cha mẹ tôi rất yêu thương các con nhưng do quá bận bịu vì công việc nên ít khi ở nhà. Thế nên mấy chị em tôi luôn ở nhà với bà. Cha tôi bận lo công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi Lào Cai ngày ấy trong nhiều năm, ông công tác trong ngành giáo dục của tỉnh. Mẹ tôi khi ấy thì bận rộn suốt vì vừa học đại học Y vừa trực tiếp làm công tác chăm sóc y tế thôn bản và phải đi các huyện miền núi triền miên. Bà làm công tác phòng chống dịch và y tế cộng đồng. Bốn chị em gái nhà tôi khi ấy tỏ ra ngoan ngoãn lắm. Cha tôi là một nhà giáo giỏi và khá nghiêm khắc. Các con luôn biết nghe lời bà, rất sợ bị bố mẹ mắng và bị phạt. Thế nên mấy chị em tôi chỉ biết ngày ngày tự đến trường đi học, về nhà biết nấu cơm, làm vườn và chăn nuôi lợn gà.


    Tôi nhỏ hơn hai chị nên thường quanh quẩn ở nhà chơi với bà nội vì ít khi được ra ngoài. Lũ trẻ con chúng tôi đã lớn lên trong chiến tranh, trong sự thiếu thốn, trong đói nghèo, giống như hầu hết trẻ em ngày ấy. Tuy thế nhưng cuộc sống ngày ấy vẫn vui. Hàng ngày lũ trẻ biết đội mũ rơm và tự đến trường, không ai biết đua đòi, cũng không nhõng nhẽo hay là kêu ca, không mè nheo cha mẹ bao giờ ! Đó là những ngày chúng tôi ở trong khu sơ tán Nam Cường ! (Chuyện về những cái mũ rơm tôi sẽ kể vào một dịp khác)


    Bà nội tôi vốn chăm chỉ làm lụng, cứ thấy bà dọn dẹp nhà cửa luôn tay luôn chân. Tính bà tôi sạch sẽ, ngăn nắp nên mọi thứ luôn được sắp xếp gọn gàng. Bà cứ như một con ong chăm chỉ, luôn cần cù lau chùi bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những bữa ăn...Bà dọn vườn tược, chăm cây cối suốt từ sáng sớm tinh mơ cho đến những ngày giá rét. Tôi là đứa cháu được bà thương nhất, gần gũinhất vì tôi chuyên ngủ cùng giường với bà nội từ ngày còn bé. Nhớ những hôm giở giời, bà tôi kêu đau lưng và mỏi xương cốt, bà bảo con đấm lưng cho bà đi. Bàn tay bé nhỏ và yếu ớt của một đứa trẻ con như tôi cũng biết khe khẽ đấm dọc đấm ngang trên cái lưng còng còng của bà nội. Nhớ khi đất trời bất ngờ nổi lên những cơn giông, bà vội vã chạy ra sân, cứ gióng giả bốn phía để gọi cả lũ chúng tôi trở về nhà. Sau những cơn mưa bão rất to, bà tôi lại châm ngọn đèn dầu lên và đi thổi cơm để cho lũ cháu ăn kẻo đói.


    Những chiều rảnh rang, bà tôi hay ngồi “ôn nghèo kể khổ” suốt từ thời nảo thời nào. Bà giơ bàn tay lên bấm các đốt ngón tay để tính ngày tính tháng theo tuần trăng âm lịch. “Bà đếm ngày tròn chắc/ như vành khăn người cuốn nghiêng trên tóc ! Cọng tóc đã bạc màu/ Cây chổi cặm cụi rơi…” (Thơ tôi viết về bà)


    Bà nội thổi cơm và hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện đời thường. Tôi thích chàng Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích ấy hiện về đây, vào lúc ấy. Nhớ mãi chi tiết chàng Thạch Sanh chăm chỉ ngày nào cũng phải vào rừng đốn củi. Tôi thích nhất ông Bụt, thích cô Tấm đẹp dịu dàng, lại thích quả thị chín vàng vừa rụng xuống cái bị của bà lão hàng nước. Tôi còn nghĩ về cô Tấm mãi, cái cô Tấm thảo hiền đẹp như mơ. Mãi đến sau này, cho tới bây giờ tôi mới hiểu thêm về lẽ nhân sinh trong cuộc đời và mới biết chính cái cô Tấm kia sao mà cũng độc ác thế !


    Bà nội kể những câu chuyện xưa bằng thứ ngôn ngữ truyền miệng khá mộc mạc, giản dị nhưng sâu sắc. Rưng rưng trong tôi những khúc hát xưa về Nhị Độ Mai và tôi khóc sau khi được nghe tình tiết những câu chuyện xưa về Lưu Bình Dương Lễ. Giấc mơ tuổi thơ của tôi đã được bà nội tưới tắm, bà dạy dỗ và nuôi dưỡng nó từ rất sớm. Những giấc mơ đẹp đẽ ấy ngày càng xa vời…Tôi nhớ ngày bé, tôi còn hay bị ghẻ lở, bị rất nhiều rôm xảy, bà nội phải thường xuyên đun nước lá để tắm cho tôi nữa. Bà thường xoa lưng cho tôi ngủ. Đó là thứ cảm giác sung sướng nhất mà tôi luôn còn nhớ. Nhà đông con, cha mẹ thường xuyên đi vắng, tôi gần gũi với bà nội nhiều hơn là với mẹ.


    Tôi vẫn còn nhớ, cái ngày xa xưa ấy, trong những giấc mơ tuổi thơ của tôi luôn có tiếng rì rầm, có những lời ru ngủ, rủ rỉ, kể lể, à ơi của bà nội. Bát canh xưa bà tôi nấu chỉ có rau suông thôi sao mà ngon ngọt đến tận bây giờ ! Ngày sơ tán sống trong rừng, ở khu Nam Cường, cha tôi đã phát động phong trào đào ao thả cá trong ty giáo dục và ông đã làm rất thành công. Cha tôi lịch lãm và làm mọi thứ đều giỏi. Bà nội luôn vị nể cha tôi lắm !


    Mãi sau này, khi lớn hơn chút nữa, các chị tôi đã biết theo chúng bạn lặn lội ra khu ruộng gần nhà để đi bắt cua, đi hớt tôm tép về cải thiện cho những bữa ăn đạm bạc. Sau này, chị em chúng tôi còn biết chăn nuôi gà lợn, biết cuốc xới đất trồng rau, tưới rau và nạo sắn cũng thành thạo y như con nhà nông dân chính hiệu. Đó cũng là nhờ ở sự chăm chỉ dạy dỗ của bà nội tôi ! “Rau đay, rau dền rất già còn chúng tôi rất trẻ/ Trong giấc mơ có con công xinh đẹp, ngọn mồng tơi nhảy múa / Cái ngủ trên lưng tôi xao xác ngón tay bà… “ (Thơ về bà nội của tôi)


    Sau này, khi gia đình tôi đã có được căn nhà riêng, cha mẹ tôi chuyển nhà về ở tại khu phố Kim Tân, gần cạnh cơ quan Ty Giáo dục của cha tôi. Bà nội tôi ngày ấy đã yếu hơn, lưng bà lại càng còng hơn nữa. Hình ảnh bà nội khi ấy là lưng rất còng, đôi mắt đã mờ đục, đôi chân bà bước đi chậm chạp lắm, mãi sau này tôi không thể nào quên. Bà tôi đã yếu hẳn và phải nằm trên giường bệnh trong nhiều năm. Tôi là con thứ ba của cha mẹ, vẫn là đứa cháu luôn được xếp ngủ chung giường cùng với bà. Bởi thế, cho đến bao năm sau, tôi vẫn nhớ đến cái mùi nước đái khai nồng của người già, cái mùi nước đái người ốm của bà nội tôi ! Cái mùi khai khai, nồng nồng ấy còn vương vấn mãi trong trí nhớ của tôi. Cho đến tận sau này, khi cha tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo và mất sớm, bà nội tôi càng ốm nặng hơn, bà ngày càng yếu hơn nhưng vẫn còn minh mẫn.


    Những khi khỏe, bà nội hay thích được chống gậy tự đi xung quanh nhà. Ngày cha tôi mất, vào một ngày mùa thu nắng đẹp. “Ngày Bà đòi ra mộ để đưa tiễn Cha tôi/ Lưng bà tôi còng lắm. Ngàn lá vàng rơi rơi trên đồi vắng...Bà tôi khóc: “Lá vàng vẫn còn ở trên cây mà sao lá xanh đã rụng...Dáng Bà tôi trầm xuống. Xoáy vào tim tôi, nỗi đau cứ cong như dấu hỏi, cong như cái lưng còng của bà tôi ! Trong cơn mơ tôi khóc/ Gọi Bà ơi? Bà đâu rồi ? Chợt thấy hình bóng bà nội tôi hiện về. Bà tôi ngồi dậy/ Vấn khăn / móm mém cười...” !


    Bà nội ơi ! Cháu luôn nhớ bà ! Cháu sẽ mãi còn yêu bà nội !


    Phạm Thị PhươngThảo

    Bà tôi
    Bà tôi
    Bà tôi
    Bà tôi
  5. Tuổi thơ của tôi không có nhiều may mắn và hạnh phúc được ở bên bà nội, bà ngoại. Tôi mất bà nội khi mới hai tuổi, mất bà ngoại khi bốn tuổi. Ký ức về những người bà thân yêu của tôi mỏng và xa mờ.

    Ông trời như thấu hiểu những thiệt thòi ấy nên đã bù đắp cho tôi có thêm "bà nội", "bà ngoại" khác để mỗi lần bất chợt nghĩ đến các bà, lòng tôi vẫn nghẹn ngào, vẫn thảng thốt muốn gọi: Bà ơi!


    "Bà nội" mà tôi muốn kể là bà kế của ông nội tôi. Sau khi bà nội tôi mất được vài năm, ông nội tôi tục huyền với bà khi hai người đã ở tuổi xế chiều. Ông nội tôi khi ấy đã là một lương y có tiếng, bà là người cùng chăm sóc vườn thuốc nam với ông. Bà hiền hậu, chịu thương, chịu khó, nhanh nhẹn, hiểu việc, lại cũng góa bụa từ sớm nên ông và bà gắn bó rất tự nhiên. Các bác, các chú và cô của tôi cùng người con gái riêng của của bà đều ủng hộ. Mọi người đều bảo với nhau rằng: người thiếu bố thì tìm bố, người thiếu mẹ thì tìm mẹ cho ấm áp sum vầy. Lũ trẻ chúng tôi từ lâu lắm đã không được cất tiếng gọi bà, giờ có "bà nội" nên vui hơn bao giờ hết. Chúng tôi đòi bố mẹ cho được về chơi với ông bà nhiều hơn.

    Mỗi lần về, bà chăm chiều, chu đáo với từng đứa. Quà của bà chỉ giản dị là những tấm bánh đa, bánh sắn, là những cái kẹo bột nho nhỏ, khô giòn nhưng đứa nào cũng thích. Trước lúc chúng tôi đi bà chuẩn bị sẵn những túi quà nhỏ là những món ăn để chúng tôi mang theo. Khi bố mẹ tôi công tác ở trại dâu tằm Vũ Đoài, gần nơi ông bà đang ở, hằng ngày bà dậy sớm cơm nước, sao thuốc, phơi thuốc cho ông, rồi lặn lội đi tắt lối cánh đồng ra cơ quan, giúp bố mẹ tôi cơm nước, chăm sóc bốn chị em tôi, đến tối bà lại hối hả về nhà cơm nước cho ông. Bà cứ lặng lẽ, cần mẫn, chu đáo với người xa, người gần như thế. Cả quãng tuổi thơ của chúng tôi được bà chăm sóc, yêu thương. Trong số những người con của ông tôi, bà gắn bó với gia đình tôi hơn cả. Bố mẹ tôi cũng luôn yêu quý, kính trọng bà. Bà còn bảo: Sau này nếu chẳng may ông bỏ bà đi trước, bà sẽ ở với bố mẹ tôi. Chính bố mẹ tôi cũng muốn như vậy.

    Mà rồi, ông nội tôi đi trước bà thật. Ông đi đột ngột sau một tai biến khi đang ngồi cắt thuốc cho khách. Sau đám tang ông đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn của bà. Người con gái riêng của bà chỉ vì lóa mắt với những lợi ích trước mắt, đã thu vén hết tài sản của ông bà mang đi, rồi tuyệt giao, tuyệt tình với phía ông nội tôi. Bà không còn cách nào khác phải đi theo người con gái của bà. Chúng tôi, ai cũng buồn, cũng nhớ bà và tiếc cho cách hành xử thực dụng của người đàn bà mà một thời chúng tôi coi như bác ruột.


    Sau này, bố mẹ tôi chuyển công tác về trại dâu tằm Vũ Phúc, gần với nơi bà đang sinh sống, gia đình tôi đã tìm lại được bà, đã vài lần đón bà đến nhà chơi, bà chỉ ở lại ăn bữa cơm rồi về. Trong niềm vui được gặp lại nhau bà vẫn ngần ngại chuyện cũ nên giữ mấy bà cũng không ở. Bà mất, vài tháng sau chúng tôi mới biết nên cũng không kịp đến thắp cho bà nén nhang !

    "Bà ngoại" đến với chúng tôi, cũng chỉ biết nói là duyên trời định, trời cho. Bố tôi, trước khi cưới mẹ tôi, đã đính ước với một cô giáo. Khi bố tôi đi làm chuyên gia bên Lào, có lẽ cô giáo nghĩ chiến tranh không biết thế nào, con gái có thì nên đã trả lễ ông bà nội tôi, cưới một Hoa kiều. Khi bố tôi ở chiến trường về, nghe tin thế cũng thông cảm cho cô giáo , quên chuyện cũ và tìm hiểu rồi nên duyên với mẹ tôi. Ai cũng yên bề, cũng hạnh phúc nên không trách cứ gì và coi nhau như anh em. Bà mẹ của cô giáo ,phần vì còn quý bố tôi, phần như muốn bù đắp những gì chưa phải trước đây nên đã quyết nhận mẹ tôi là con gái bà, bố tôi vẫn là con rể. Cô giáo và em trai, em gái của cô được bà dạy chúng tôi gọi là dì, là cậu. Và bà coi mẹ tôi như con gái cả của bà vậy. Tôi nhớ, mỗi lần mẹ tôi sinh em, bà và các dì mang gà, mang trứng, mang cơm nếp nghệ thăm mẹ. Quê bà là đất chè Mét nổi tiếng, mùa nào thức ấy bà đạp xe mang chè, mang quả mít to nhất nhì vườn, mang nải chuối tiêu chín trứng cuốc cho chúng tôi. Chúng tôi nghỉ hè, bà bảo các cậu đến đón về chơi, bao giờ chúng tôi chán đòi về với bố mẹ thì bà mới cho về. Khi tôi biết tự đi xe, tôi đạp xe về chơi với bà nhiều hơn. Khi ấy tôi là một con nhóc còi cọc, đen nhẻm, tóc rễ tre, đi dép cụt mõm và rộng hơn chân, đang học chuyên văn trường huyện. Áp lực bị điểm kém dễ bị loại khỏi đội tuyển đi thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi toàn quốc làm tôi buồn chán, đạp xe về với bà. Thấy tôi không vui, bà hỏi chuyện, tôi vừa kể vừa khóc, bà đã chải tóc, rửa mặt cho tôi, động viên tôi ăn cơm. Buổi chiều, bà bỏ mọi công việc lại, đạp xe cùng tôi trở nhà tôi, dặn dò bố mẹ tôi rồi mới yên tâm ra về. Các dì mỗi lần ôn thi đại học đều lên nhà tôi ở. Mỗi khi có cậu, có dì đi lấy vợ, lấy chồng, bố mẹ tôi trách nhiệm là anh chị cả. Chúng tôi đã gắn với nhau suốt những năm dài như thế trong yêu thương, trong ấm áp tình thân.


    Rồi bà yếu dần, những năm cuối đời của bà phải nằm liệt một chỗ. Chúng tôi lớn lên, lấy vợ lấy chồng, về thăm bà cũng ít dần. Bố mẹ tôi muốn về thăm bà lại phụ thuộc vào chúng tôi đưa đi. Những xao nhãng vô tình cũng đã khiến chúng tôi chậm chân, không kịp về với bà lúc bà nhắm mắt.

    Nhiều lúc, tôi tự hỏi: Cuộc đời đã cho tôi những người bà nhân hậu như thế, đã cùng nhau đi suốt cả quãng đường dài, sao không đi hết được đoạn đường cuối, lúc nghĩa tử là nghĩa tận thì lại thiếu vắng nhau???.

    Nhìn các con tôi ngày ngày kề bên ông bà ngoại, các con của các em trai tôi quấn quýt bên ông bà nội, tôi thấy chúng nó thật hạnh phúc và thầm mong chúng đừng vô tình, vô tâm với những người đã rất mực yêu thương chúng.

    Ký ức đẹp đẽ về những người bà vẫn đau đáu trong tôi. Trong những đêm khó ngủ của một người đã vào tuổi trung niên, tôi vẫn nghẹn ngào thầm gọi: Bà ơi!


    Phạm Hồng Oanh

    Bà ơi!
    Bà ơi!
    Bà ơi!
    Bà ơi!
  6. Trong tâm trí của tôi, bà ngoại chính là một người mẹ thứ hai. Do bố tôi là bộ đội đóng quân ở xa nhà, mẹ lại bận bịu công việc cơ quan nên từ khi tôi ra đời mẹ đã đón bà ngoại từ quê lên ở cùng để giúp mẹ chăm sóc gia đình. Tất cả mọi việc, từ bế ẵm, cho tôi ăn, ru tôi ngủ hầu như là bà ngoại làm hết. Vì thế, tôi quấn bà từ tấm bé. Mẹ kể, hồi tôi mới chớm biết đi, tôi bị ốm một trận rất nặng, bà ngoại là người đã cõng tôi đi chữa trị ở khắp các bệnh viện, rồi đến cả nhà thầy lang để châm cứu, xoa bóp thì bệnh mới thuyên giảm. Hồi đó các phương tiện giao thông công cộng chưa phổ biến như bây giờ, bà lại không biết đi xe đạp nên toàn phải đi bộ, cõng tôi trên lưng, vừa đi vừa kể chuyện cho tôi nghe, tay bà còn mang theo gói cơm nắm muối vừng để đến bữa hai bà cháu cùng ăn, thực ra là bà vừa ăn vừa nhai cho tôi ăn. Lúc đó tôi còn bé quá không thể nhớ được gì nhưng mùi vị của cơm nắm muối vừng thì có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ tấm bé, giống như tình yêu thương của bà ngoại dành cho tôi vậy.


    Ngày xưa, vào mỗi dịp nghỉ hè là bố mẹ lại cho tôi về quê ở với bà ngoại. Cả ba tháng hè, tôi quanh quẩn bên bà, bà đi đâu tôi theo đó. Lúc đi chơi, khi đi chợ, rồi vào bếp, ra vườn… đều có bà, có cháu. Năm nào cũng vậy, vừa chớm hè, tôi chưa kịp về thì bà đã nhắc. Có quà bánh gì ngon cũng cất đi, để dành phần cho tôi. Nhớ làm sao mỗi sớm mai thức dậy được theo bà đi chợ chơi, những phiên chợ quê thưa người chỉ lèo tèo vài ba mớ rau, con cá nhưng tràn đầy tình làng nghĩa xóm. Chợ họp như thể là nơi để bà con lối xóm gặp gỡ, thăm hỏi nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Bà thường cầm tay tôi, dắt tôi đi trên con đường làng quen thuộc, gặp ai bà cũng hồ hởi giới thiệu cháu gái mới về chơi.


    Nhớ những buổi trưa hè hai bà cháu nằm đu đưa trên chiếc võng bắc dưới rặng tre già, thiu thiu ngủ trong làn gió hè mát rượi. Nhớ bếp lửa bà vừa thổi vừa cời, bùng lên hơi ấm của rơm rạ và làn khói bếp mỏng manh vương vấn, lan tỏa trong sương chiều… Bữa cơm ngày hè của hai bà cháu thường chỉ có canh cua rau mồng tơi và tép rang nhưng bao giờ tôi cũng ăn đến no mòng. Tối đến thì tôi lại cùng lũ trẻ trong xóm bắt đom đóm thả vào chai làm đèn, xách từ nhà nọ sang nhà kia, chơi chán thì về nhà nằm nghe bà kể chuyện, được bà quạt mát bằng mo cau rồi ngủ quên trong lòng bà từ lúc nào không biết… Kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn liền với khung cảnh êm đềm của làng quê yêu dấu, nơi ấy có hình bóng thân thương của bà ngoại, sớm sớm, chiều chiều gánh nước tưới rau, chăm con lợn con gà và chờ con chờ cháu. Hình bóng của bà ngoại mãi in đậm trong tâm trí tôi với nụ cười hiền hậu dưới vành khăn đen mỏ quạ, tấm lưng còng và chiếc áo cánh nâu bà thường hay mặc. Nhớ cách bà nhai trầu bỏm bẻm, nhớ cả câu “Bố tông môn nhà chị chứ!” mà bà vẫn hay lặp đi lặp lại mỗi lần mắng yêu cháu gái. Bà đã đi xa từ rất lâu, mỗi khi nhớ về bà, lòng tôi lại trào dâng một tình yêu thương sâu lặng, ngọt ngào. Ngay cả trong những giấc mơ tôi vẫn mong mình được trở về tuổi thơ là cô cháu gái bé bỏng ngày nào ríu rít theo chân bà đi chợ, được bà cõng trên lưng, nghe bà hát ru và kể chuyện…


    Bánh xe thời gian vẫn cứ quay đều không bao giờ ngừng nghỉ, tuổi thơ tôi như đám mây đã trôi xa tận cuối chân trời. Giờ đây, khi bước vào tuổi trung niên, thay các con, tôi cũng gọi mẹ của tôi là bà ngoại với một thứ tình cảm yêu thương vô bờ như thế, gắn kết từ đời này sang đời khác. Đến một lúc nào đó, có thể con gái của tôi cũng sẽ viết về bà ngoại của nó giống như tôi bây giờ và không thể nào ngăn được nỗi xúc động đang dâng lên trên khóe mắt. Một lần nữa tôi thầm gọi: Bà Ngoại ơi!...

    Thao Phuong

    Bà ngoại ơi
    Bà ngoại ơi
    Bà ngoại ơi
    Bà ngoại ơi
  7. “Nếu còn sống, năm nay bà tròn 100 tuổi mẹ nhỉ?”, tôi nói chuyện với mẹ trong ngày giỗ bà. “Ừ! Nhanh quá! Đã 9 năm trôi qua”. Bà đi theo ông nội được 9 năm rồi nhưng đối với tôi, bà như vẫn ở đâu đây bên tôi, từ giọng nói, khuôn mặt, mái tóc, dáng đi. Hình ảnh bà in đậm trong kí ức tôi, thân thương quá đỗi. Bà nội tôi có khuôn mặt tròn, phúc hậu, nước da trắng. Bác, cô và các chú tôi không ai có được làn da trắng như bà. Tôi thích ngắm đôi má hồng hào của bà mỗi khi ngồi bên bếp lửa hay khi bà nhai trầu, trò chuyện vui vẻ cùng con cháu.


    Hồi bé, tôi may mắn được ở với bà nhiều. Khoảng lớp 4, lớp 5 gì đó, tôi đã chạy đứng đằng sau bà bắt chước giã gạo. Đôi chân bé con cũng nhảy lên hạ xuống theo nhịp chày. Ngày đó chưa có máy xay xát như bây giờ, để có gạo nấu cơm, bà phải xay thóc, giã gạo. Tôi cũng loăng quăng, thích thú muốn được giúp bà. Gạo giã xong còn phải sàng, sẩy, nhặt thóc nữa. Việc dễ nhất tôi có thể giúp bà là nhặt những hạt thóc còn lẫn trong gạo.


    Nghe mẹ tôi kể lại, trước kia bà làm ở cửa hàng thương nghiệp. Sau về hưu, bà đi chợ làm hàng xáo kiếm thêm tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh lũn cũn của mình lúc nhỏ chạy ra cổng mỗi khi thấy bà đi chợ về, vì lần nào về là kiểu gì bà cũng mua quà cho tôi. Khi thì cái bánh đa, hôm thì mấy cái bánh rán. Tôi háo hức lắm!


    Lớn hơn chút nữa, thời gian các chú tôi đi học, đi công tác xa nhà, bà lại gọi tôi ra ở với bà cho vui cửa vui nhà. Bà chiều tôi lắm. Đi đâu có gì ngon, bà cũng mang phần cho tôi. Những buổi tối mùa hè nóng nực, cả đêm bà cầm chiếc quạt đan bằng nan lá cọ luôn tay quạt cho tôi ngủ. Hình như bà không ngủ thì phải, vì lúc nào tỉnh dậy thì tôi đều thấy cánh tay bà đưa lên đưa xuống quạt mát cho tôi. Cứ thế, tuổi thơ tôi luôn có vòng tay bà che chở, chăm sóc, yêu thương.


    Phía ngoài nhà bà khoảng 500m có cây cầu xây từ thời Pháp thuộc, cứ mùa mưa lũ là nước lại tràn ngập cầu, có lẽ vì thế mà mọi người gọi là cầu Tràn. Mấy ngày nước lũ ngập là người dân sinh sống ở hai bên cầu không đi lại được, phải chờ nước rút bớt rồi mới dùng thuyền, bè đưa nhau qua sông. Sau này, thi thoảng nói chuyện vui, bà vẫn nhắc chuyện ngày tôi còn bé tí, lúc tôi quấy rầy, nhõng nhẽo là các chú hay dọa trêu tôi có bà cầu Tràn vào bắt. Nghe đến bà cầu Tràn là tôi sợ lắm. Im ngay, không dám kêu ca gì nữa. Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống người dân ngày một ấm no. Cây cầu quê tôi hiện nay đã được xây thay thế bằng một cây cầu mới, cao hơn, bề thế, đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, cây cầu xưa vẫn còn đó như một chứng nhân kỉ niệm của những ngày tháng cũ. Cây cầu còn đó nhưng bà tôi thì không còn nữa.


    ....


    Bố tôi mất sớm. Thương con, thương cháu, bà ngoài nhà chú vào ở với bốn mẹ con tôi, chăm lo, cơm nước cho chị em chúng tôi. Những ngày mẹ tôi lên lớp, ba chị em tôi đi học, bà tôi quán xuyến mọi việc, cơm nước tươm tất. Chị em chúng tôi đi học về là bà đã dọn cơm sẵn rồi.


    Tôi lớn lên, đi học, đi làm rồi lấy chồng, sinh con. Bà lại ra ở trông nom nhà cửa và các em cho chú thím. Gần trưa, bà thường đứng ở cổng chờ tôi đi làm về qua để gọi tôi vào ăn cơm. Ngày đó, chồng tôi đi làm xa, con gái nhỏ đi học bán trú cả ngày. Bà tôi thường chờ, gọi tôi vào ăn cơm như thế. Vẫn những gì ngon, bà đều dành phần cho cháu. Mặc dù khi đó tôi đã là một người mẹ rồi.


    Tuy đã nhiều tuổi nhưng mỗi khi nhà có việc giỗ chạp, chẳng khi nào bà ngồi yên. Nhặt rau, lau bát, dọn dẹp cùng con cháu. Bà bảo bà làm được, để bà làm cho vui. Thấy bà khỏe mạnh, con cháu ai cũng mừng. Mỗi lần xóm có giấy mời họp hội người cao tuổi hay họp chi bộ là bà thường nhắc chú thím tôi chở đi thật sớm. Nhiều hôm đến nhà văn hóa còn chưa có ai. Bà cẩn thận, chu đáo trong mọi việc. Xóm có việc gì quyên góp, ủng hộ, bà đều tích cực tham gia.


    Bà tôi ra đi nhẹ nhàng, thanh thản vào một ngày của tháng 11 ở tuổi 91. Những ngày đông cuối năm, tôi càng nhớ bà hơn.

    Đoàn Hạnh

    Bà tôi
    Bà tôi
    Bà tôi
    Bà tôi
  8. Đang đạp xe thong dong đi loanh quanh những con đường quê khi cái nắng đầu hè đã bắt đầu dìu dịu đi đôi chút, tôi bất chợt nghe tiếng ru con văng vẳng từ chiếc võng được cột dưới bụi tre ven đường. Tiếng ru đều đều theo nhịp đong đưa như hòa vào gió loang ra trong chiều quê yên ả. Người phụ nữ ru cháu mình không còn trẻ nhưng giọng nghe sao cứ ngọt lịm gieo vào lòng người lữ khách đang rong chơi là tôi chút buồn man mác. Lời ru được hát từ những câu thơ lục bát vần điệu bắt đầu bằng từ vào nhịp nghe lên bổng, xuống trầm rồi ngân nga tan ra như làn khói mỏng. Nhờ gió đẩy đưa mà những thanh âm bay xa trong không gian chiều nhuộm vàng nắng. Tôi dừng xe đứng nghỉ nhưng thực tế là đứng để cảm nhận giọng ru mà chắc là lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại. Những giọt nắng vẫn không ngừng nhảy múa trên con đường quê vắng lặng khi gió lay hàng tre xao xác. Tim tôi như se thắt khi câu hát quen thuộc thuở nào mà người phụ nữ cất lên. Bóng bà mình chập chờn đâu đó theo lời ca nghe xuyến xao đến lạ lùng. Tôi ngửa mặt nhìn trời xanh mở toang thính giác cho những câu ca kia ùa vào mà khỏa lấp nỗi nhớ bà lúc này. Ngày xưa bà cũng hát ru chúng tôi bằng chính những câu ca ấy.


    “Ầu ... ơi...

    chim quyên ăn trái đa đa

    Nuốt vô sợ đắng nhả ra bạn cười...”


    Chúng tôi lớn lên trong tiếng ru hời của bà. Từ thuở lọt lòng ấu thơ, tôi đã cảm nhận được những âm thanh ấy. Những âm thanh êm dịu từ lời ru của bà cứ phảng phất đâu đây và theo tôi cho đến tận bây giờ. Bà ru chúng tôi để má rảnh tay mà đi làm đồng. Câu hát ru của bà không giống như âm điệu của câu ru con bắc bộ. Những lời ru cứ đẩy đưa theo vần, theo nhịp chứ không ngân dài, cũng không ngọt lịm như những lời ru con nam bộ mang âm hưởng cải lương. Lời ru cứ đu đưa theo nhịp võng theo gia tốc lúc chậm lúc nhanh. Đôi mắt của các cháu bà cứ thế mà nhắm tịt lại đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. “Ầu .. ơ... sáng mai ra dạo vườn cà, trái non làm mắm trái già làm dưa, làm thì ba bữa dưa chua, chị kia xách chén lại mua ba đồng...”. Câu hát ru của bà không bắt đầu bằng à…ơi… hay ru…hời… mà bà thường dẫn vào câu hát bằng ô hôi …ố hồi…hay ầu ...ơ... Những lời ca dân dã, mộc mạc với âm điệu giản đơn vậy nhưng lại có sức cuốn hút ghê gớm. Nó như có phép thuật thôi miên các cháu bà trôi nhanh vào những cơn mơ khi bóng nắng đã trùm lên chái rạ sau nhà. Bao giấc ngủ của chúng tôi trôi qua êm đềm trên chiếc võng được bện bằng xơ dừa của những ngày thơ thiếu trước hụt sau cùng tiếng hát ru của nội. Chiếc võng mòn nhẵn thín cứ kẽo cà kẽo kẹt đu đưa giúp bà ru hết cháu này đến cháu khác. Tiếng ru cứ dặt dìu, khoan thai theo nhịp võng như tan vào nắng, hòa vào gió nghe sao cứ ngọt lịm gieo vào lòng các cháu những cảm nhận đầu đời về phận người, về những dãi dầu cơ cực của cuộc sống, về những triết lý nhân sinh... Bà thổi vào hồn những thiên thần bé nhỏ của mình bằng giọng ru thiên phú để rồi các cháu từ ấy vươn vai mà lớn, mà rời cái tổ nơi làng quê nghèo bay xa mọi miền. Tiếng bà ru hòa vào tiếng gà xao xác nắng trưa, tiếng bà ầu ơ chìm trong tiếng ve ngân khi bóng nắng đã nhảy nhót trên thềm nhà, giọng bà như lọt thỏm giữa ào ạt những giọt mưa tuôn trên mái trong những ngày dầm dề rét buốt. Tháng ngày cứ trôi đi rồi mùa nối tiếp mùa. Câu hát ru của bà cứ mãi ngân nga cho đàn cháu nhỏ khôn lớn. Những câu ca cứ mãi quấn quýt với chúng tôi trong suốt cuộc đời này dù bà đã về miền mây trắng tự lâu rồi.


    “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Trăm mối khó gỡ, trăm điều phải mang

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Nhớ người quân tử khăn điều dắt vai”


    Những câu ca của bà là những nỗi niềm, là sự giải bày tâm sự về thân phận của người phụ nữ mà hầu hết xuất phát từ những câu ca dao, tục ngữ của vùng đất phía trong đèo Hải Vân và phía ngoài đèo Cả. Những con người chịu thương chịu khó như thổ nhưỡng nơi đây quanh năm hứng chịu sự trút giận trút hờn của đất trời trở thành chủ đề của những câu hát ru. Những câu ca mà bà ru cháu, mẹ ru con ngọt ngào ấy chính là những lời bộc bạch, nhắn nhủ về sự thủy chung son sắt, cam chịu của người phụ nữ một thời ở xứ miền trung này.


    “Ầu ...ơ...Một mai ai chớ bỏ ai

    Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim

    Kim đồng, kim sắt, kim thau

    Ai mua chỉ tàu vá áo cho anh...”


    Những nỗi lo toan mà họ không biết bộc bạch cùng ai nên chỉ biết gởi vào câu hát ru truyền từ đời này sang đời khác. Giọng bà dìu dặt trong câu hát như bảo rằng “cháu ơi hãy ngủ cho ngoan, cho mau lớn nhé để bà còn nhờ, để ba mẹ trút bớt nỗi lo”


    “Một mình lo bảy lo ba

    Lo cau trổ muộn lo già hết duyên

    Còn duyên kẻ đón người đưa

    Hết duyên đi sớm về trưa một mình”


    Thế giới trong lời ru của bà loang lỗ những mảng màu buồn, vui của cuộc sống ngày xưa. Chẳng có nhiều phương tiện để lưu lại những gam màu ấy nên người ta lưu truyền qua khúc hát ru. Những câu ca mỗi khi được cất lên nghe cứ man mác, du dương ru hồn người vào một thế giới khác, thế giới của những ruộng lúa, nương dâu, vườn cà. Thế giới mà trẻ con trước khi chìm vào những giấc ngủ có cả những phận đời long đong, những nhọc nhằn gian khó của muôn kiếp nhân sinh và cũng có cả những châm chọc, đối đáp làm tươi vui cuộc sống vốn đầy những lo toan. Những câu bà ru cứ như kéo các cháu mình ngược dòng về quá khứ, lùi lại với thời gian để tâm hồn và thể chất của cháu nhỏ được nuôi dưỡng bằng những “Chiều chiều ra đứng ngõ sau...”, “Em tôi khát sữa bú tay...”, “Gió đưa bụi chuối sau hè...”


    Những câu hát mà bà ru cháu ngày xưa cứ tưởng đã bị lãng quên trong thế giới hiện đại này lại đong đưa trong một chiều đầu hè nơi bờ tre quê nghe xao xuyến lạ. Những bà mẹ trẻ bây giờ dường như không còn biết hát ru và những câu ca ru con chẳng mấy ai còn nhớ. Chứng kiến những bạn trẻ ru con bằng điện thoại với tân nhạc các kiểu làm tôi vừa tức cười vừa buồn. Chẳng có phương tiện nào có thể thay thế vòng tay, hơi thở và câu hát ru của người mẹ, người bà. Nó là thứ “thuốc ngủ” êm dịu nhất cho bao thiên thần khi còn nằm võng, nằm nôi và cũng là món ăn tinh thần đầu đời nuôi tâm hồn của các bé đấy.


    Tiếc rằng sự lưu truyền đã dần mai một. Hỡi các bà mẹ trẻ! Hãy học hát ru đi nhé để cho con của mình được khởi nguồn cuộc sống từ chính những lời ầu ơ mộc mạc được lưu giữ bao đời.


    3-5-2022

    Bùi Duy Phong

    ẦU Ơ VỌNG TIẾNG BÀ RU
    ẦU Ơ VỌNG TIẾNG BÀ RU
    ẦU Ơ VỌNG TIẾNG BÀ RU
    ẦU Ơ VỌNG TIẾNG BÀ RU
  9. Ngày xưa, khi tôi còn ở cùng bà, một năm có bao nhiêu cái Tết ( Tết dương lịch, âm lịch, đoan ngọ, nguyên tiêu). Dù nghèo khó, bà tôi vẫn cố gắng lo cho chị em tôi từng ấy cái Tết. Dù không đủ đầy, nhưng vẫn là có Tết.


    Cha mẹ tôi quanh năm xa nhà, Tết có lúc về lúc không. Gần ngày ông Công ông Táo lên trời, gặp đúng lúc chợ phiên nên bà vất vả. Sáng sớm, khi chúng tôi còn say giấc, bà đã tất tả mang vài trái cau, lá trầu hay quả bưởi xếp vào trong quang gánh, chuối trong vườn bà chặt về từ chiều hôm trước, dựng cuống lên cho ráo nhựa và đã cắt nhỏ thành từng nải xếp ngay ngắn trong thúng. Tờ mờ đất chưa rõ mặt người, bà tất tả rời đi. Lúc ra về, bà ghé hàng thịt lợn mua miếng mỡ. Miếng mỡ lợn trắng phau được bọc kĩ càng trong lá chuối. Dân quê tôi có thói quen lạ, bất kể thứ gì dù sống hay chín đều được lấy lá chuối gói lại.


    Mỡ mang về, bà rửa sạch, thái mỏng rồi bỏ vào chảo chiên vàng cho chảy ra thành mỡ nước. Tóp bà vớt riêng để làm nước chấm bánh đúc cho có mùi thịt. Còn mỡ đem đổ vào chai, mùa hè nóng thì mỡ lỏng, cận Tết trời lạnh lẽo, nó đông cứng lại trắng như tuyết bỏ trong cặp lồng. Lúc chế biến lấy thìa xúc từng ít một, bỏ vào đun cho chảy ra rồi chờ nguội khi chưa bị vón cục, bà tranh thủ quệt nhanh vào lá chuối, hoặc trộn với bột gạo đã xay để nấu bánh đúc.


    Hôm cha mẹ về cũng là hôm bà nấu mẻ bánh đầu tiên trong năm. Gạo bà đem đi ngâm từ tối hôm trước. Đến trưa hôm sau, cha tôi kéo chiếc cối đá to ở góc sân mang đi cọ rửa sạch sẽ. Xong đâu đấy, bà múc từng bát gạo đổ vào, mỗi lần cha quay cối là bà lại dùng tay gạt gạo xuống miệng cối, tôi ở ngoài lăng xăng phụ bà lấy nước, chị Lan ngồi ở cửa bếp tỉ mẩn bóc lạc. Những củ lạc đồng to tròn căng mẩy được bà để dành từ vụ trước, hạt nào hạt nấy trông mỡ màng bắt mắt.


    Bóc lạc xong cũng là lúc công cuộc xay bột hoàn thành. Chị bỏ lạc vào chiếc nồi gang nhỏ đem đi luộc chín, cha ra sau vườn chặt cành tre già vót đũa để nấu bánh, mẹ mang bó củi to mà chị nhặt chiều hôm trước mang ra nhúm lửa, bà cho thêm chút mỡ lợn cùng ít nước vôi trong vào bột, trút lạc đã luộc chín cùng bột vào chiếc xoong gang thật to rồi bắt đầu cho lên bếp. Bà bảo nấu bánh lúc nào cũng phải nguấy đều tay thì bột mới không bị vón cục, bị khê, bị khét. Lúc bột chưa sôi bà tranh thủ nguấy, đến khi bột bắt đầu đặc lại, vì tay bà yếu nên mẹ nguấy thay bà. Đợi đến khi bột chuyển màu trong, bánh đúc chín cũng là lúc hết bay bó củi to chị Lan đội về.


    Háo hức nhất là lúc bánh chín, cha trải lá chuối đã được rửa sạch ra cái nia thật to được quét sẵn chút mỡ cho khỏi dính bánh. Cha nhấc xoong nghiêng trên mặt nia, bà dùng muôi đã được phết mỡ nhanh tay dàn đều lớp bánh ra nia cho đều nhau, để không có chỗ nào bị dày hay mỏng.


    Trong thời gian đợi chờ lớp bánh nguội, mẹ tôi đi chuẩn bị nước chấm. Ở nhà tôi lúc nào cũng có sẵn hũ tương bần bà ủ để ngoài gốc khế. Mẹ phi hành cùng mỡ lợn cho thơm, múc tương bần đổ vào trong chảo, tương gặp lớp mỡ nóng già sôi lên xèo xèo vừa vui tai vừa đánh thức vị giác, mẹ cho thêm chút bột ngọt vào tương cho vừa khẩu vị rồi nhấc ra đổ vào trong bát.


    Tôi là đứa khó ăn nhất nhà, dù mùi tương mẹ chưng thơm trào nước miếng nhưng tôi vẫn không ưa. Mẹ kì công giã nhỏ chút lạc chị bóc còn thừa, băm thêm chút tóp mỡ bà để dành từ hôm trước, phi thơm chút hành rồi bỏ lạc cùng tóp vào rang thơm, cho chút mắm, bột ngọt, nêm nếm sao cho thật vừa miệng. Chỉ vài phút, tôi đã có bát chấm béo ngậy, thơm ngon.


    Mẹ nấu nước chấm xong, bánh cũng nguội bớt, bà dùng con dao nhỏ cắt thành từng miếng vừa ăn, cả nhà cùng quây quần bên nia bánh, tôi nhón tay cầm miếng bánh dẻo dai có nhiều lạc nhất, phết thêm một lớp nước chấm đậm đà nữa, đưa lên miệng vừa ăn vừa thích thú nhắm mắt để cảm nhận vị mềm mịn, ngọt tự nhiên của hạt gạo, vị bùi bùi ngậy ngậy của hạt lạc béo tròn quyện với mùi thơm của mỡ heo chưng nóng cùng nước mắm. Trong lò, than cháy hồng rực nổ tí tách, cả gian bếp ấm nồng xua tan hết đi tất thảy sự lạnh lẽo của những ngày cận đông giáp Tết.


    Cuộc sống miên mải trôi và đổi thay từng ngày, nhưng đâu đó vẫn có những đôi quang gánh trên vai những người dân quê trong từng con ngõ, ngóc ngách phố thị và khiến tôi chững lại, hớt hải đưa mắt kiếm tìm khi vang vọng bên tai tiếng rao gần như thân thuộc “Ai bánh đúc đây, bánh đúc nóng đây...”


    Tôi miên man nhớ bà, nhớ quê đến cồn cào gan ruột, nhớ dáng bà hanh hao trong mỗi chiều giáp Tết, khi vệt nắng vàng còn đổ dài trên tấm lưng cong. Bà vừa móm mém nhai trầu vừa khua cha dậy xay bột nấu bánh. Nhớ đôi tay bà thoăn thoắt dạy tôi và chị Lan bóc từng củ lạc, bóc thế nào để vừa nhanh lại vừa đỡ đau tay... Tất cả những niềm nhung nhớ đó được gói trọn vào dư vị ngọt ngào của miếng bánh đúc thân thương ngày bé, thức quà đã gói trọn tình yêu của bà, ôm hết cả niềm hạnh phúc tròn đầy mà tôi luôn ao ước mình cứ ở mãi trong đó không phải bước ra. Trong sâu thẳm nỗi nhớ nhung khắc khoải về những điều thiêng liêng nhất, tôi luôn dành trọn để nhớ về bà, về món bánh đúc tuổi thơ mà có lẽ trên đường đời rong ruổi, dù có thưởng thức qua bao của ngon vật lạ vẫn không hương vị nào thay thế được. Bởi đó là tình yêu, là hai tiếng gia đình.


    Nhớ bà, tôi vẫn thường một mình lần tìm nơi phố xá chút thân thương ngày cũ. Có chăng là gốc bàng già kê vài miếng gỗ xập xệ bên lề nội đô. Ngồi nhâm nhi miếng bánh đúc thật chậm rãi mà bồi hồi tưởng nhớ dư vị tuổi thơ đang tan ra nơi đầu lưỡi, có hạnh phúc, cũng có cả nghẹn ngào.


    Tác giả: Nguyễn Thị Hồng

    BÁNH ĐÚC CỦA BÀ TÔI
    BÁNH ĐÚC CỦA BÀ TÔI
    BÁNH ĐÚC CỦA BÀ TÔI
    BÁNH ĐÚC CỦA BÀ TÔI
  10. Chỉ còn lại chiếc bình vôi
    Bà về sương khói nên thôi ăn trầu.

    Lê Đình Tiến


    Bà ăn vội ăn vàng rồi buông bát đũa đứng dậy, quần sắn móng lợn tay này thì đèn, tay kia là chiếc gậy hớt hải đi đón cháu là chị cả của tôi đi học về muộn. Mới 7 giờ tối nhưng đường làng cây cối rậm rì, tre pheo dày đặc lại cuối tháng, trời không trăng sao nên tối như hũ nút.


    Quê tôi rất nhiều tre. Tre được trồng đầu ngõ hoặc bên bờ ao, mà ao thì nhà nào cũng có không đằng trước thì đằng sau nhà. Mùa hè tre tỏa bóng mát và là nơi để trẻ con chơi trốn tìm nhưng tối đến, điện không có đường làng vắng tanh vắng ngắt, vì thế ai có việc gì mới đi ra ngoài đường. (Đèn dầu chỉ dùng cho việc học bài buổi tối, mà ngày xưa cũng chả phải học nhiều như trẻ con bây giờ nên bài vở thường được làm vào buổi chiều cho đỡ tốn dầu !) Gió thổi, những thân tre đu đưa xã xuống và phát ra tiếng ken két, kin kít..., khiến người yếu bóng vía cũng đứng tim vì sợ !


    Tất cả những thứ ấy chẳng là gì với bà cả, vẫn một mình trên con đường tối thui vừa đi vừa gọi tên cháu ời ời.


    Cả huyện mới có một trường cấp 3 lại cách nhà hàng chục cây số nên việc đi lại của chi tôi gặp rất nhiều khó khăn mặc dù được bố mẹ sắm cho hẳn một chiếc xe đạp phượng hoàng màu xanh cánh chả rõ oai. Năm ấy, nước lên to làng tôi ở trong đê sẽ không ảnh hưởng gì nếu như không có việc mở Cống Ba Xuân để xả lũ tránh vỡ đê. Chính vì vậy nên khi nước rút thì đường vô cùng lầy lội, sợ bẩn xe nên chị tôi đi bộ đến trường nên về nhà muộn khiến bà tôi lo lắng đứng ngồi không yên buộc phải đi đón.


    Hai bà cháu về được đến nhà bà mới kể vừa bị con gì cắn vào tay, mẹ tôi kiểm tra xong sợ quá vì phát hiện ra vết răng của rắn. Lập tức mẹ lấy ngay sợi dây chun được cắt ra từ chiếc săm xe đạp hỏng dùng để buộc hàng hóa sau xe đạp cuốn chặt tay bà lại (vì như thế nọc độc của rắn không chạy lên tim được mẹ tôi vừa buộc vừa bảo). Xong đâu đấy, mẹ truyền lệnh cho mấy chị em ở nhà để ý đến bà chờ mẹ đi hỏi thuốc.


    Mẹ tôi đi được chừng 5 phút thì tay bà bắt đầu tím lên, chắc là đau nên bà nhăn nhó rất khổ sở. Bà nói với mấy chị em chúng tôi: Chắc bà không chết vì rắn mà chết vì dây mất thôi, mẹ mày buộc bà chặt quá ! Chỉ cần nghe thấy bà bảo chết là tôi ngoạc miệng ra gào: Ối ông bà ơi, ông bà không được chết, bà chết thì cháu ở với ai bây giờ !


    Hồi ấy tôi chừng 4 hay 5 tuổi gì đó, là em út. Trong mắt tôi, à không mà là trong mắt mấy chị em tôi, bà nội của mình là một vị Thánh, mà Thánh thì không thể chết được thế nên tôi ra sức khóc, lăn cả xuống nền nhà mà gào, nước mắt ngắn nước mắt dài cứ y như bà tôi chết thật, thảm thương đến mức chị gái trên tôi cũng ti tỷ khóc theo. Như một phản ứng dây chuyền, các chị và anh tôi cũng thi nhau khóc và ôm chặt lấy bà. Trời tháng tám nóng chảy mỡ mà tay còn lại của bà cứ phành phạch cái quạt nan vừa quạt vừa xua chúng tôi đứng xa ra không bà chết ngạt bây giờ! Khóc chán chị thứ hai của tôi quay sang cãi nhau với chị cả bảo rằng tại chị mà bây giờ bà sắp chết đến nơi rồi, chị chịu trách nhiệm đi !


    Chị cả vốn hiền lành lại hay nhường nhịn các em nên chả biết nói gì chỉ mếu máo thanh minh rằng chị có nhờ bà đi đâu, tự bà đón đấy chứ ! Khóc lóc ỉ ôi, cãi nhau ầm ĩ nhà cửa chịu không nổi bà tôi bảo: Thôi thì đằng nào bà cũng chết, cởi cho bà cái dây để bà dễ chịu một chút ! Thương bà, các chị xúm lại cởi bỏ cái dây chun chết tiệt kia thì cũng vừa hay mẹ tôi mang thuốc về và ngay lập tức ai vào việc đấy chuẩn bị thuốc cho bà. Cứ tưởng thuốc gì ghê gớm lắm hóa ra chỉ là rễ cây đu đủ và rau muống, thứ ấy thì vườn nhà tôi đầy việc gì mà mẹ tôi phải chạy khắp làng thế nhỉ? Tôi lầu bầu hỏi chị trên mình thì bị mắng cho một trận vì tội dốt, "dốt đặc cán mai dốt dài cán thuổng" có thế mà cũng không biết, mẹ mà không đi thì ai người ta chỉ bài thuốc cho, đồ bã đậu! Chị bồi thêm một câu nhưng lúc đó tôi chẳng hiểu "bã đậu" là gì nên tất nhiên không thèm cãi lại!


    Tối hôm ấy, tôi ngủ với mẹ nhường bà cho các chị khác. Sáng ra, mắt nhắm mắt mở qua giường bà mở màn kiểm tra xem bà còn sống không thì bà tôi đã dậy từ bao giờ rồi và lại đang lúi húi ngoài vườn. Cũng chả biết bà khỏi vì thuốc tiên của mẹ tôi hay con rắn cắn bà không có nọc độc nhưng chị em tôi thì mừng vui vô cùng vì vẫn còn bà bên cạnh. Chị cả phải tự cam kết với cả nhà không được đi về muộn bắt bà phải đón nữa vì lần sau lỡ rắn độc thật thì sao? Mà rắn độc thì thiếu gì, toàn rắn lục trên hàng rào ô rô thôi! Tôi tuyên bố xanh rờn mặc dù chỉ bắc chõ nghe hơi người lớn nói chuyện chứ chưa nhìn thấy rắn lục bao giờ.


    Bà tôi đã theo gió về Trời. Mới đó mà lại sắp đến ngày giỗ thứ 24 của bà rồi. Nỗi nhớ thương bà chẳng bao giờ nguôi ngoai cùng những kỷ niệm chưa bao giờ cũ.

    Vy Doan Thi

    "...CHIỀU NAY TÔI THEO BÀ RA ĐẦU LÀNG ..."
    "...CHIỀU NAY TÔI THEO BÀ RA ĐẦU LÀNG ..."



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy