Top 8 Bài phân tích nhân vật Giăng Văn-giăng trong "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" của V.Huy-gô

Bình An 8602 0 Báo lỗi

Vích-to Huy-gô (1802 - 1885) là nhà văn thiên tài của nước Pháp, danh nhân văn hóa nhân loại, luôn hoạt động động vì sự tiến bộ của con người. "Những người ... xem thêm...

  1. V.Huy-gô nhà văn lãng mạn thiên tài của nước Pháp, là người bạn, người đồng hành với những con người khốn khổ. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người đặc biệt là đối với những người lao động nghèo khổ, bất hạnh. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, ta không thể không nhắc đến “Những người khốn khổ” – cuốn tiểu thuyết vĩ đại của loài người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả của tác giả.


    Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” được trích từ phần 1 quyển 8 chương IV của tác phẩm, phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng qua đó làm bật lên chủ đề của tác phẩm. Tuy chỉ là một lát cắt, một trích đoạn ngắn song nó cũng đã thể hiện rõ số phận, cũng như phẩm chất đẹp đẽ của Giăng Van-giăng.


    Nhan đề đoạn trích là “Người cầm quyền, khôi phục uy quyền”, vậy người cầm quyền là ai? Vì sao đã là người cầm quyền lại khôi phục uy quyền? Trong đoạn trích Giăng Van-giăng vốn là một ông thị trưởng – quyền lực, nhưng sau đó quyết định đầu thú – tù khổ sai – không có quyền lực. Trước giờ phút đi đầu thú ông chưa mất đi hoàn toàn quyền lực của mình. Ông đến từ biệt Phăng-tin và sẵn sàng rút thanh giường bệnh để đe dọa tên Gia-ven, lúc này quyền lực của Giăng Van-giăng được khôi phục. Nhưng ngay sau đó ông lại nói: “Bây giờ tôi thuộc về anh” tức là mất đi quyền lực hoàn toàn. Còn Gia-ve cũng là một quyền lực khác, đại diện cho pháp luật, ông ta chỉ mất đi quyền lực trong một thời gian ít ỏi, sau đó khôi phục được ngay quyền lực của mình. Nhưng xét ở khía cạnh đó, ý nghĩa của nhan đề sẽ mất đi tính nhân văn của nó. Nếu xét trên bình diện đạo đức, cái thiện – Giăng Van-giăng và cái ác – Gia-ve thì ở đây cái thiện đã thắng thế hoàn toàn, đã khôi phục được quyền lực của mình. Và xét như vậy mới có thể đi đúng với tinh thần nhân bản của tác giả được đề cập đến trong toàn bộ văn bản.


    Giăng Van-giăng là một con người nghèo khổ, vì cuộc sống túng quẫn, nhìn đám cháu thơ dại chịu đói, Giăng Van-giăng đã đi ăn trộm bánh mì về nuôi cháu. Hành động đầy yêu thương đó đã bị kết tội, và Giăng Van-giăng đã phải chịu án tù khổ sai mười chín năm. Ra tù, Giăng Van-giăng nhận được sự giúp đỡ của giám mục Mi-ri-en ông đã trở thành một con người tốt, đổi tên thành Ma-đơ-len, lập nên xưởng may để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn. Giăng Van-giăng được mọi người yêu quý và được bầu làm thị trưởng ở một thị trấn nhỏ.


    Giăng Van-giăng là người có tấm lòng lương thiện, luôn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Hành động ăn cắp bánh mì của ông cũng là xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho những đứa cháu. Nhưng ở xã hội bấy giờ hành động đó lại là một tội ác không thể tha thứ, đẩy Giăng Van-giăng vào tù. Nhưng bản chất lương thiện đã không bị nhà tù tàn độc dập tắt, nhận được sự giúp đỡ của giám mục ông vẫn trở thành người tốt. Ngay cả khi được làm thị trưởng, Giăng Van-giăng vẫn không vì lợi ích cá nhân mà để người khác chịu oan, ông quyết định ra đầu thú để cứu nạn nhân bị Gia-ve bắt oan. Đó là biểu tượng của một con người thành thực, có tình yêu thương đối với mọi người.


    Tình yêu thương còn được thể hiện rõ hơn trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị Phăng-tin trước khi buộc phải đi theo Gia-ve. Điều ông quan tâm nhất lúc này là làm sao co thể tìm được con cho Phăng-tin, quan tâm đến bệnh tình của chị. Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van-giăng hết sức điềm tĩnh, nhẹ nhàng trấn án chị: “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu” để Phăng-tin bớt lo lắng. Trước thái độ hung hãn của Gia-ve, Giăng Van-giăng vẫn hết sức điềm tĩnh, nhún nhường: “thưa ông tôi muốn nói riêng với ông câu này” cách nói rất tế nhị “Tôi biết là anh muốn gì rồi”. Không chỉ vậy, để giữ lời hứa với Phăng-tin, Giăng Van-giăng sẵn sàng cầu xin Gia-ve cho mình ba ngày để đi tìm Cô-dét đứa con gái cho chị Phăng-tin. Mọi cử chỉ nhún nhường ấy đều là vì chị Phăng-tin, ông không muốn làm người bệnh thêm phần hoang mang, sợ hãi, sợ cú sốc tinh thần sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chị.


    Trước cái chết của Phăng-tin, Giăng Van-giăng vô cùng đau đớn, kết tội Gia-ve đã gây nên cái chết thương tâm này. Trước thi thể người phụ nữ bất hạnh, Giăng Van-giăng quỳ xuống thành giường, nỗi xót thương trào dâng và thầm thì vào tai người đã khuất, vuốt mắt cho chị đi xuôi. Những cử chỉ đó thể hiện tình yêu thương, nỗi đau đớn chân thành, sâu sắc với sự ra đi của chị Phăng-tin.


    Không chỉ mang trong mình tình yêu thương, Giăng Van-giăng còn là một con người kiên cường, dũng cảm chống cự lại quyền lực. Bị phát hiện chính là người tù khổ sai, Gia-ve đến bắt đi, nhưng Giăng Van-giăng vẫn hết sức từ tốn đón nhận điều đó. Nếu trước đó cầu xin, nhún nhường với Gia-ve để bảo toàn cho Phăng-tin thì sau khi chị Phăng-tin chết, Giăng van-giăng dùng giọng điệu đầy thách thức với Gia-ve, yêu cầu hắn không nên động đến mình vào lúc này, sẵn sàng rút thanh sắt, bất chấp đối đầu với Gia-ve.


    Xây dựng nhân vật Giăng Van-giăng tác giả sử dụng biện pháp đối lập tương phản, giữa một bên là cái thiện – Giăng Van-giăng với một bên là cái ác – Gia-ve để làm nổi bật nhân vật trung tâm. Giăng Van-giăng là đại diện của tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Qua nhân vật này tác giả muốn khẳng định, tình yêu thương con người có thể sưởi ấm trái tim, đem lại hi vọng vào tương lai tốt đẹp cho con người. Đây cũng là giá trị nhân văn cao cả mà V.Huy-gô muốn gửi đến bạn đọc.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Những người khốn khổ là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được nhiều người biết đến của văn hào Pháp Vích-to-Huy-gô kể về câu chuyện của xã hội nước Pháp khoảng hơn 20 năm đầu thế kỉ XIX với những hoàn cảnh, số phận của những con người nghèo khổ, bất hạnh. Nhân vật chính của tác phẩm là Giăng Van-giăng_một con người được cảm hóa bởi tình thương và luôn tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm thời trai trẻ bằng tình yêu thương mọi người xung quanh. Trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve_tên thanh tra mật thám. Hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên như một đấng cứu tinh với Phăng-tin và là một địch thủ khó đối phó của Gia-ve. Nhân vật để lại cho ta bài học suy ngẫm về tình yêu thương con người.


    Giăng Van-giăng là người được cảm hóa bởi tình thương và dùng tình thương để chuộc lại lỗi lầm. Ông nguyên là một người tù khổ sai vì ăn cắp một chiếc bánh mì cho bảy đứa nhỏ mà bị bắt, việc làm ấy chẳng đáng là bao, cũng vì bảy đứa nhỏ bị bỏ đói quá nên “Bần cùng sinh đạo tặc” nhưng ông đã bị kết án, tù đày khổ cực. Sau khi ra tù, ông bị mọi người xua đuổi chỉ riêng vị giám mục Ma-ri-en đã cảm hóa ông bằng tình thương và ông coi đó là lẽ sống. Kể từ đó Giăng Van-giăng thay tên đổi họ, sống một cuộc đời tử tế làm thị trưởng và chủ nhà máy giàu có. Ông giúp đỡ mọi người xung quanh đặc biệt là Phăng-tin_người phụ nữ nghèo khổ và bất hạnh phải bán thân, bán răng, bán tóc để nuôi con.


    Giăng Van-giăng được Huy-gô miêu tả như một đấng cứu thế, một vị cứu tinh của Phăng-tin. Khi thấy Gia-ve đến chị nghĩ là hắn bắt mình nên ra sức cầu cứu Ma-đơ-len (tên thay đổi của Giăng Van-giăng), ông cố gắng chấn an chị bằng lời nói nhẹ nhàng và gương mặt điềm tĩnh “Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu”, ông cũng cố hạ mình với Gia-ve để hy vọng hắn không làm người phụ nữ kia phải đau khổ thêm nữa. Giăng Van-giăng cũng rất tế nhị, khéo léo khi ông biết Gia-ve đến để bắt mình nhưng thay vì nói “Tôi biết anh đến bắt tôi” bằng câu “Tôi biết là anh muốn gì rồi”, thử hỏi nếu là câu nói thẳng ra thì không biết Phăng-tin sẽ như thế nào, mọi niềm tin và hy vọng tìm lại đứa con gái sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, căn bệnh của chị sẽ không buông tha cho sinh mệnh yếu ớt ấy. Giăng Van-giăng đã ứng xử trong tình huống khó rất thông minh và khôn khéo.


    Nhưng Gia-ve quyết không tha cho ông nên đã tìm mọi cách để bắt ông, khi chị thấy Gia-ve nắm lấy cổ áo ông thị trưởng chỉ biết cúi đầu “Chị tưởng như cả thế giới đang tiêu tan”. Như vậy đối với Phăng-tin, Giăng Van-giăng như là nguồn sống, nguồn ánh sáng và hy vọng để chị có thể được gặp lại cô con gái đáng thương, chỉ có ông thị trưởng mới có thể làm được điều đó nếu ông có mệnh hệ gì thì có lẽ chị cũng không thể sống được thêm nữa.


    Giăng Van-giăng là con người rất giữ chữ tín. Dù biết Gia-ve đến bắt mình nhưng vì lời hứa với Phăng-tin vẫn chưa thực hiện được nên ông nhún nhường, hạ mình cầu xin Gia-ve “Tôi cầu xin ông một điều…”, “Xin ông thu cho ba ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu. Nếu muốn ông cứ đi kèm tôi cũng được”. Giăng Van-giăng chấp nhận bị trả giá, chấp nhận mọi hậu quả phải gánh chịu chỉ vì ước nguyện của người phụ nữ đáng thương ấy. Chính ông đã dùng tình thương để sống một đời có nghĩa. Ở giây phút cuối trước khi Phăng-tin tắt thở theo lời kể của bà xơ Xem-pli-xơ chứng kiến không biết Giăng Van-giăng thì thầm bên tai chị điều gì để bà trông thấy “rõ ràng một nụ cười không sao tả được trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”.


    Giăng Van-giăng như là niềm hy vọng, hạnh phúc cuối cùng mà chị có thể an tâm mang theo đi vào thế giới bên kia với gương mặt “như sáng rỡ lên một cách lạ thường”. Hành động của ông dành cho chị “như một người mẹ sửa sang cho con” lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn dưới gối, thắt lại dây rút cổ áo chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải, rồi vuốt mắt cho chị, quỳ xuống trước bàn tay chị và đặt một nụ hôn lên đó. Từng hành động ấy thật ân cần mà có phần xót xa vô cùng. Những câu nghi vấn qua lời bình luận ngoại đề của tác giả khiến cho nhân vật Giăng Vann-giăng càng thêm phi thường và lãnh mạn. “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có lẽ là đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của Huy-gô mà cụ thể nhất là ở đoạn văn này với những lời bình của tác giả thật mơ hồ mà cũng thật sâu sắc khi kết thúc bằng gương mặt mãn nguyện của Phăng-tin khi đi vào cõi chết.


    Không chỉ vậy Giăng Van-giăng cò là một người có dũng khí, một tên tội phạm nguy hiểm đối với Gia-ve. “Hắn coi Giăng Van-giăng như địch thủ bí hiểm và không sao bắt được, một đô vật lạ lùng hắn đã ôm ghì năm năm mà không sao có thể quật ngã”. Nên lần này có được cơ hội hiếm có không phải là bắt đầu mà là kết thúc tất cả. Hắn hống hách chửi bới, dọa nạt, uy hiếp, sỉ nhục Giăng Van-giăng “Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len, không có ông thị trưởng nào cả. Chỉ có một tên kẻ cắp, một tên kẻ cướp, một tên tù khổ sai là Giăng Van-giăng! Tao bắt được nó đây này! Chỉ có thế thôi!”. Lời xưng hô mày tao thật thô bỉ cùng với lới nói và giọng nói của hắn khiến cho Phăng-tin tắt thở Giăng Van-giăng để tay lên bàn tay Gia-ve đang túm cổ áo ông cậy ra như cậy bàn tay trẻ con.


    Dường như đối với ông lúc này sự hống hách, quát nạt của Gia-ve chẳng là gì cả. “Giăng Van-giăng đi tới giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát, việc làm đó chẳng khó khăn gì đối với người cơ bắp như ông, ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn gia ve trừng trừng” khiến cho hắn phải run sợ thực sự và lui về phía cửa. Giăng Van-giăng giây phút này mới thực sự là người cầm quyền và thực hiện hành động để khôi phục uy quyền của mình nhưng cuối cùng kết thúc là câu nói “Tôi thuộc về anh” cho thấy sự chấp hành pháp luật và giữ lời với Gia-ve.


    Nhân vật Giăng Van-giăng được nhà văn miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế để nhân vật chính được hiện lên đối lập hoàn toàn với con mãnh thú Gia-ve. Huy-gô đã đặt hai nhân vật trên cùng một phẳng nhưng hai con người ấy luôn ở thế chiến đấu đối lập nhau Giăng Van-giăng là nhân vật đại diện cho người lao động lương thiện, Gia-ve là tên thanh tra mật thám đại diện cho chính quyền, cho giai cấp thống trị độc ác chính chế độ đó đã khiến cho người nông dân nổi dậy chống lại chính quyền và Giăng Van-giăng sau khi vượt ngục cũng có tham gia. Ông cùng với quần chúng bắt được Gia-ve và nhận đem đi xử bắn, song đã lẳng lặng tha cho hắn. Tuy nhiên khi bị Gia-ve “lật thế cờ” ông chỉ xin đưa Ma-ri-uýt về nhà rồi sẽ nộp mạng. Hành động đó khiến cho Gia-ve bị mất phương hướng nên hắn đã nhảy sông Xen tự tử.


    Huy-gô sử dụng nghệ thuật phóng đại, sử dụng hệ thống hình ảnh quy chiếu về ẩn dụ để miêu tả Gia-ve như một con mãnh thú còn với Giăng Van-giăng đó là những ngôn ngữ, hành động của một con người có tình thương yêu. Nhà văn đặt họ đối lập nhau để cùng làm nổi bật cho phẩm chất, bản chất của nhau.


    Như vậy nhân vật Giăng Van-giăng hiện lên là một con người giàu lòng yêu thương, kiên cường anh dũng và cũng thật lãng mạn trong hành động qua ngòi bút khắc họa của nhà văn. Nhân vật đã thể hiện được tư tưởng của Huy-gô về giá trị tình người trong cuộc đời. Qua đoạn đoạn trích nhà văn gửi tới độc giả thông điêp: “Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai”. Đoạn trích đã góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm khi được Huy-gô viết: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình".

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Những người khốn khổ là cuốn tiểu thuyết thể hiện rõ nhất tài năng, tinh thần nhân đạo của nhà văn V. Huy-gô trước những con người khốn khổ. Đoạn trích ‘Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất của cuốn tiểu thuyết, trong đoạn trích nhà văn đã tập trung thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Giăng Van-giăng.


    Giăng van-giăng là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, đây là hình tượng mang tính nhân loại, cuộc đời và số phận của Giăng van-giăng là hành trình của con người đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ xiềng xích đến tự do.Trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, tính cách của Giăng van-giăng được bộc lộ qua lời nói và hành động với Gia-ve người đang săn đuổi mình và Phăng tin – người đàn bà bất hạnh.


    Giăng Van-Giăng là con người giàu tình thương, để cứu nạn nhân vô tội bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-Giăng đã quyết định ra đầu thú. Có thể nói đây là hành động liều lĩnh nhưng vô cùng cao cả bởi trong thực tế, Giăng Van-Giăng đang sống trong thân phận thị trưởng Man-đơ len cao quý, việc đầu thú đồng nghĩa với việc chấp nhận với cuộc sống tù tội và những hình phạt khắc nghiệt mà Gia-ve dành cho mình.


    Khi đối mặt với Gia-ve một tên ác thú, kẻ luôn săn lùng, truy bắt mình thì thái độ của Giăng Van-Giăng có sự thay đổi rõ rệt khi Phăng-tin còn sống và khi Phăng-tin đã chết. Lúc Phăng-tin còn sống, trước sự hung hãn, thô bạo của hắn, Giăng không hề sợ hãi mà vô cùng điềm tĩnh, nhún nhường không phản kháng bởi Giăng không muốn Giave tiết lộ bí mật mình là tên tù khổ sai với Phăng-tin. Không muốn Gia-ve tiết lộ thân phận của mình không phải Giăng Van-Giăng sợ mất đi danh dự mà để bảo vệ cho người phụ nữ tội nghiệp kia, với tình trạng yếu đuối vì bệnh tật kia, chị ta sẽ không thể chịu thêm bất cứ cú sốc nào.


    Giăng van Giăng là người thông minh, khôn khéo khi nhận thức được tình hình, dù không sợ hãi nhưng ông vẫn nói năng nhún nhường để Giave giữ bí mật cho mình. Tuy nhiên, khi Phăng tin mất thì thái độ của Giăng Van-Giăng đã hoàn toàn thay đổi, ông đã mạnh mẽ kết tội Giave chính là người gián tiếp gây ra cái chết của Phăng-tin. Trước hành động thô bạo, hung dữ của Giave, Giăng đã không nhường nhịn nữa,thái độ và hành động của ông trở nên quyết liệt “Bẻ gãy thanh giường và tiến về phía Giave , làm cho Giave khiếp sợ, hoảng hốt lùi bước”. Như vậy, bằng sức mạnh của tình thương, Giăng-van-giăng đã khôi phục lại uy quyền của mình, đó là thứ uy quyền khiến cho một kẻ cầm thú như Gia-ve cũng phải khiếp sợ.


    Đối với Phăng-tin, Giăng van –giăng là ân nhân, là hi vọng duy nhất để chị ta tìm thấy cô con gái nhỏ đáng thương Cô-dét. Nếu như đối với Giave Giăng van giăng nhún nhường, nhẹ giọng mà không hề sợ hãi thì đối với Phăng-tin Giăng lại đối xử bằng thái độ dịu dàng, đầy ân cần. Trước sự hoảng hốt của Phăng-tin khi Giave xông vào phòng bệnh bắt người, Giăng đã cố gắng trấn an chị “Cứ yên tâm. Không phải nó đến bắt chị đâu”.


    Khi Phăng-tin vì quá sốc mà chết đi, Giăng van-giăng đã rất đau khổ, cuối cùng Giăng thì thầm và hứa với Phăng-tin sẽ thực hiện nguyện vọng của chị “ta nhất định sẽ tìm thấy cô-dét”. Cùng với lời hứa hẹn, hành động nâng đầu, sửa sang, thắt cổ áo, vén tóc của Giăng đối với Phăng tin cũng thật cảm động, hành động của Giăng dịu dàng như thể người cha đang sửa sang cho con gái của mình “Giăng Van-giăng lấy hai tay nâng đầu Phăng-tin lên, đặt ngay ngắn giữa gối như một người mẹ sửa sang cho con. Ông thắt lại dây rút cổ áo cho chị, vén gọn mớ yocs vào trong chiếc mũ vải”.


    Giăng Van-giăng là hiện thân cao đẹp nhất của tình thương những người nghèo khổ. Qua việc khắc họa nhân vật Giăng van-giăng, nhà văn Huy-gô đã thể hiện được sức mạnh của tình thương, đó là sức mạnh có thể chiến thắng của cái thiện với cái ác.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Văn học đã đưa chúng ta đến với những thế giới tâm hồn phong phú và giàu tình yêu thương. Nơi đó, ta thấy lòng mình nhẹ nhàng và an yên đến lạ, bởi qua từng lời thơ, qua từng dòng văn, qua từng nhân vật mà các tác giả xây dựng, ta thêm hiểu rằng giữa vô vàn những bất công, những khổ đau, những ngang trái thì vẫn còn đó những trái tim yêu thương, những con người tràn trề nhựa sống và sự bao dung, những con người mang lẽ sống cao đẹp dành cho nhau.


    Đọc "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" trong những người khốn khổ của Victo-Hugo em lại càng thêm yêu, thêm quý cuộc đời. Và càng thêm trân trọng những giá trị tốt đẹp, thêm cảm phục trước một tâm hồn, một nhân cách cao quý Jean Valjean, một hình tượng nhân vật lý tưởng tiêu biểu của văn học.


    Không may mắn như bao người, Jean Valjean có một cuộc đời đầy biến cố. Chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đứa cháu nhỏ đang đói khát cùng cực mà phải chịu cảnh tù giam trong hai mươi mốt năm tù giam, để rồi khi ra tù nhận lại được tấm giấy thông hành vàng, tấm giấy mà đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi vì đã từng mang án tù. Bằng tình thương của vị giám mục Myriel đã cứu vớt ông, và ông lấy đó làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Để cứu một kẻ đã bị bắt oan, ông buộc phải ra đầu thú trước tên hống hách Javert - kẻ lấy uy quyền của pháp luật làm kim chỉ nam cho công việc và cuộc đời hắn.


    Biết được cuộc sống khổ cực và chịu bao tủi nhục của Fantine, ông luôn thấy xót xa và muốn chăm sóc giúp đỡ cho chị. Điều duy nhất ông quan tâm lúc này là cứu được người phụ nữ đang phải đứng trước cái chết và tìm được người con gái của chị. Trong cơn tàn ác, bạo ngược của Javert, ông đã phải van nài, cầu xin hắn cho thời hạn ba ngày hoàn thành lời hứa với Fantine cứu con gái - đó là tia hy vọng, là sự cứu vớt cuối cùng cho sự sống của chị nhưng Javert đã nhẫn tâm dập tắt nó.


    Jean Valjean đã tận tâm, chăm sóc và lo chu đáo cho bệnh tình ngày một tồi tệ của Fantine. Ông lo lắng rằng bởi dù chỉ một cú sốc, một chút không mấy khả quan thôi cũng khiến cái chết xảy đến với người phụ nữ bất hạnh đó vào bất kỳ lúc nào. Ông hiểu với Fantine, thì đứa con quan trọng biết nhường nào. Người phụ nữ tội nghiệp ấy xứng đáng nhận được sự quan tâm và tình yêu thương. Khi những lời lẽ tàn nhẫn của Javert đã dẫn đến cái chết đầy thương tâm của Fantine, ông đau xót vô cùng, người như chết lặng đi, vuốt lại mái tóc cho chị và thì thầm bên tai chị những lời cứu cánh khiến chị mỉm cười an lòng mà nhắm mắt.


    Ông dùng những cử chỉ nhẹ nhàng và đầy tình yêu thương nhất dành cho Fantine. Đó là những tình cảm quá đỗi cao đẹp của một thị trưởng đầy tình thương và trách nhiệm, một con người đồng cảm và biết sẻ chia với nỗi đau của đồng loại. Một người bản lĩnh và sẵn sàng dang rộng vòng tay cưu mang những kẻ khốn khó, nghèo khổ, bi thương hơn mình. Một người sống và hết mình vì người khác. Bằng sức mạnh của tình thương ấy, Jean Valjean đã giúp cho Fantine ra đi trong thanh thản, mỉm cười an nhiên như một sự tin tưởng, ăn tâm gửi gắm nơi người thị trưởng đáng kính.


    Với người bệnh, ông luôn dành sự quan tâm nhẹ nhàng và chu đáo nhất. Đứng trước một kẻ hống hách, bạo ngược, ông điềm tĩnh, dũng cảm và kiên cường khiến Javert phải khiếp sợ. Bằng quyền lực của lòng tốt, sự vị tha và quyền lực của chính nghĩa ông đã trở nên người cầm quyền dũng cảm và quyết liệt, khiến "kẻ thanh tra" chuyên quyền phải sợ hãi, cúi đầu.


    Hình tượng nhân vật Jean Valjean luôn còn mãi trong trái tim mỗi người qua bao thế hệ. Thứ ánh sáng bao la của tình thương đã cứu rỗi biết bao con người, bao tâm hồn đang cằn cỗi cần lắm sự yêu thương. Qua tác phẩm, em càng thấm thía hơn về cuộc sống và con người, hơn hết giữa cuộc đời này, cái quý giá nhất vẫn là tình yêu thương và sự trân trọng dành cho nhau. Bởi lẽ, "trên đời này chỉ có một điều ấy thôi, đó là thương yêu nhau".

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Hơn một thế kỷ qua, hàng trăm, hàng triệu người đọc trên thế giới đã được biết đến và có những ấn tượng sâu đậm với bộ tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng của nhà văn Pháp vĩ đại Vích - to Huy - gô. Cuộc đời khốn khổ và tâm hồn cao cả, thánh thiện của nhân vật chính, người tù khổ sai Giăng-van-giăng khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ và cảm thương. Hình tượng nhân vật đó bao trùm và xuyên suốt trong toàn bộ tác “phẩm trong sự đối lập với một hình tượng nhân vật Gia-ve. Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là một trong những đoạn trích tiêu biểu trực tiếp làm nổi bật lên sự đốì lập ấy, qua đó người tù khổ sai Giăng-van-giăng hiện lên thật đẹp.

    Giăng-van-giăng, người thợ xén cày đã bị tù khổ sai vì tội ăn cắp một chiếc bánh mì cho bảy đứa cháu nhỏ. Ra tù, anh bị mọi người xua đuổi, trừ đức giám mục Mi-ri-en. Được cảm hóa bằng tình thương, Van-giăng coi dó là lẽ sống của mình. Sau đó ông đổi tên thành Ma-đơ-len và trở thành một thị trưởng và chủ nhà máy giàu có. Ổng làm việc thiện và tưởng đã cứu vớt được cô gái nghèo Phăng-tin, người đã phải bán răng, bán tóc để nuôi con. Song gã thanh tra Gia-ve, người luôn bám theo dấu tích của Giăng-van-giăng truy ra gốc tích của ông, ông lại rơi vào cảnh tù tội và Phăng-tin chết mà không gặp lại được đứa con gái là Cô-dét. Sau đó, ông vượt ngục nhiều lần, thay đổi tên họ nhiều lần chỉ có lẽ sống và tình thương là không bao giờ thay đổi tận đến khi đã nằm xuống mồ.


    Chính lẽ sống tình thương ấy đã có tác dụng cảm hóa Gia-ve, khiến cho hắn cảm thấy mất phương hướng về chính bản thân mình và sụp đổ lý tưởng mà xưa nay hắn tôn thờ, theo đuổi nên nhảy xuống sông Xen tự tử. Và cũng chính lẽ sống ấy, cuối cùng đã khiến cho Cô-dét và Ma-ri- uýt nhận ra, cảm phục, biết ơn. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” nằm ở cuối phần thứ nhất. Vì muốn cứu một người vô tội bị Gia-ve bắt oan, Giăng-van-giăng đã phải thú nhận mình là ai và Ma-đơ-len chỉ là một cái tện khác. Ồng đến từ giã Phăng-tin trong khi nàng chưa biết gì về sự thực tàn nhẫn. Cuộc gặp gỡ giữa ba người, dưới sự chứng kiến của bà sơ nhưng thực chất là cuộc gặp gỡ đầy kịch tính giữa Giăng-van-giăng và Gia-ve,qua đó bản chất và tính cách của mỗi nhân vật được bộc lộ một cách cao độ. Giăng-van- giăng được miêu tả bằng nhiều cách khác nhau: miêu tả trực tiếp, miêu tả gián tiếp, bình luận ngoại đề.


    Nếu như Gia-ve hiện ra như một con thú dữ với giọng nói như “tiếng thú gầm”, cặp mắt “như cái móc sắt, và với cái nhìn ấy hắn từng quen kéo giật vào hắn bao kẻ khốn khổ”; cái cười “ghê tởm phô ra hết hàm răng” thì Giăng - van - giăng lại được miêu tả hoàn toàn đối lập. Ngôn ngữ của ông nhẹ nhàng, điềm tĩnh để trấn an Phăng-tin, nhún giọng, thì thầm với Gia-ve để cầu xin hắn cho một ân huệ: cứu giúp người đàn bà xấu số, tội nghiệp đang hấp hối. Nếu như Gia-ve hiện lên như một con thú, một con chó sói chỉ chực nhảy vào cắn xé và đang hân hoan, vuỉ sướng với cảm giác đó thì Giăng-van-giăng hiện lên trong dáng vẻ của một con người, một con người thực thụ, sống vì người khác.


    Giăng-van-giăng đã tình nguyện ra đầu thú để cứu vớt một người lương thiện thì có lẽ nào ông lại nghĩ đến chuyện sẽ chạy trôn? Ông cũng không hề run sợ trước Gia-ve, ông nhún nhường vì ông biết dù sao mình cũng - là một người có tội, và lợi thế đang thuộc về Gia-ve, nhưng đó chỉ là phụ. Điều quan trọng nhất, ông nhún nhường vì muôn mình có thể nhận được sự đồng thuận từ Gia-ve cho ông thực hiện việc nghĩa hiệp cuối cùng, cứu giúp một người lương thiện. Sự biến đổi đột ngột của Giăng-van-giăng là hoàn toàn có lý do và nó không hề làm ảnh hưởng đến nhân cách của ông. Khi Phăng-tin chết, thái độ của Giăng-van-Giăng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt nhưng vẫn hết sức kìm chế. Ông chỉ muốn Gia-ve để ông yên lặng mây phút để từ biệt người đàn bà xấu số mà ông đã cưu mang, đã giúp đỡ chưa trọn vẹn.


    Hành động lay bật thanh sắt khung giường và câu nói nghiêm khắc nhưng vẫn bình tĩnh của ông làm Gia-ve khiếp sợ không dám ra tay. Và ông cũng đã có chút tự do để bày tỏ tình thương của mình. Thái độ bình tĩnh đến lạnh lùng và vẻ đe dọa của ông chủ yếu bắt nguồn từ tình cảm mà ông giành cho Phãng-tin, tự nó tạo ra luồng ánh sáng - sức mạnh vô hình khiến cho bản thân Gia-ve, tên tay đại diện cho một bộ máy pháp luật lạnh lùng phải run sợ. Cuối cùng, ông sẵn sàng chịu bị bắt mà không hề tìm cách thoát hiểm, ông thực hiện hành động xả thân cứu người theo lời cảm hóa của giám mục Mi-ri-en thuở nào. Một lần nữa, để khác họa hình tượng nhân vật, V.Huy-gô đã dựng lên sự đối lập trong thái độ của Giăng-van-Giăng với Gia-ve và với Phăng-tin.


    Sự xuất hiện của Gia-ve làm Phăng-tin khiếp sợ, nhưng ngay lập tức, Giăng-van-giăng đã trấn an nàng. Thông qua biện pháp miêu tả gián tiếp (những lời cầu cứu và thái độ tin tưởng một cách tuyệt đối của nàng giành cho Giăng-van-giăng), hình ảnh Giăng-van-Giăng tiếp tục được khắc họa một cách sâu sắc hơn. Với một ngườ phụ nữ gặp quá nhiều bất hạnh và đang làm một công việc bị người đời khinh rẻ như Phãng-tin, thái độ yêu thương, trân trọng và bao bọc của Giăng - van- giăng - Thị trưởng Ma-đơ-len đã là một điều hạnh phúc và may mắn, đã là điều mang đến thêm cho chị niềm tin vào cuộc sống. Sự tin tưởng và kính trọng của chị giành cho Giăng - van - Giăng - Ma-đờ-len là hoàn toàn có căn cứ.


    Vào những lúc nguy cấp nhất, cũng là lúc chị hướng tới ông để mong muốn một sự che chở. Chỉ tiếc rằng cả hai con người bất hạnh đó (lúc này Giăng-van-giăng cũng là một người khốn khổ bất hạnh) đang phải đối mặt với một kẻ có trái tim của loài sói. Phăng-tin chết vì nỗi hoang mang, vì nỗi sợ mà Gia-ve gây ra. Ngay cả khi bị dồn vào tình thé hiểm nghèo, ánh hào quang mà Giăng-van-giăng tạo ra vẫn đủ sức để đánh bật tất cả. Không ai biết rằng Giăng-van-giăng đã thì thầm điều gì vào tai người đàn bà xấu số đã chết những họ biết và không nghi ngờ một chút nào về những điều mà bà xơ Xem- pli-xơ đã chứng kiến và kể lại: “Lúc Giăng-van-giăng thì. thầm bên tai Phăng - tin bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”.


    Có thể lấy điều gì để giải thích cho những gì đã diễn ra ấy nếu như đó không phải là một điều kì diệu mà Giăng-van-giăng đã làm nên? Tác giả đặt ra câu hỏi: “có những ảo tưởng cảm động, có thể là những sự thực cao cả” nhưng dù là thế nào đi chăng nữa thì Giăng-van-giăng vẫn hiện lên trong hình ảnh của một vị cứu tinh, một đấng cứu thế. Thái độ của ông đổỉ với Phăng-tin không chỉ của những người khốn khổ, bất hạnh với nhau mà gần như thái độ yêu thương, chân trọng, che chở của một vị cứu tinh, là ân nhân, là thánh. Giăng-van-giăng coi việc giúp đõ mẹ con Phãng-tin là nghĩa vụ thiêng liêng, là việc thiện mà ông tự nguyện làm, xuất phát từ tình thương yêu những người khốn khổ mà ông từng là nạn nhân thê thảm. Và đó cũng chính là tư tưởng, quan điếm của tác giả.


    Đoạn trích cũng chứa những lời bình luận ngoại đề của tác giả. Đó là những lời bình luận góp phần tiếp tục hoàn thiện hình tượng Giăng-van-giăng - một nhân vật phi thường, lãng mạn. Tác giả đã đưa ra hàng loạt các câu hỏi: “Ổng nói gì với chị? Người đàn ông bị ruồng bỏ ấy có thể nói gì với người đàn bà đã chết? Những lời nói ấy là gì vậy? Chẳng ai trên thế gian này nghe được. Người chết có nghe thấy không?”, nghi vấn nhưng lại là để khẳng định một chân lý: Giăng-van-giăng đã làm nên những điều kì diệu mà không ai có thể ngờ tới được.


    Câu nói đó dường như đã làm khiến cho vẻ sợ hãi, đầu “nghẹo xuống ngực, miệng há hốc, hai mắt mở to và lờ đờ” của Phăng-tin được thay thế bằng “một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng” khi đi vào cái chết, ở một góc độ nào đó, có thể coi việc làm của Giăng-van đã có tác dụng “cải tử hoàn đồng”, mang lại sự thanh thản cho người đàn bà bắt hạnh. “Chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại”. Phãng-tin thanh thản bởi nàng đã được che chở bởi một tấm lòng nhân hậu và giờ đây, nàng vẫn đang đi vào nơi có luồng ánh sáng vĩ đại của tình thương yêu ấy che chở.


    Thêm một lần nữa, lời bình luận này khẳng định tính chát phi thường, lãng mạn trong hình tượng nhân vật Giăng-van- giăng. Sức mạnh của tình thương, trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng có thể đẩy lùi bóng tối cường quyền và nhen nhóm niềm tin. vào tương lai. Đó là giá trị tư tưởng mà V.Huy-gô đem lại. Van-Giăng quả thực đã đẩy lùi sự hung bạo của Gia-ve, hiện thân của cường quyền và bóng tối - cái ác, đã đem lại chút hi vọng để cho tâm hồn người ra đi được thanh thản.

    Kết thúc đoạn trích, hiện lên không còn là một Giăng-van-giăng, tên tội phạm nguy hiểm, một tù khổ sai trốn lệnh truy nã, lại càng không phải là một người khốn khổ nữa mà là một thiên sứ, một bậc thánh hiền nhân cao cả. Tuy chỉ là một trích đoạn nhưng “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có tính chất tiêu biểu cho bút pháp Huy-gô và qua đó cũng in những dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn.


    Phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản là những thủ pháp quen thuộc của Huy-gô, nhưng đây không chỉ là vấn đề thư pháp: tất cả những biện pháp này đều bị chi phối bởi đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn - đó là trong khi đối lập thực tế với lý tưởng, chủ nghĩa lãng mạn luôn hướng về khuynh hướng khẳng định thế giới lý tưởng. Điều này cũng giống như việc hình tượng Giăng-van-giăng thể hiện quan điểm tư tưởng, niềm tin vào con đường cải tạo xã hội của Huy-gô: con đường hướng đến những người lao khổ bằng sức mạnh của tình thương và lòng nhân ái vô bờ, đồng thời khát khao dùng chính tình thương đó để thay đổi thế giới, xua tan bóng tối.


    Tuy chỉ là một trích đoạn ngắn trong bộ tiểu thuyết đồ sộ “Những người khốn khổ” nhưng “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” trên cơ sở đối sánh với các nhân vật khác con người khôn khổ đã khắc họa hình tượng nhân vật Giăng-van-giăng, một nhưng có tâm hồn cao thượng. Thông qua hình tượng nhân vật, V-Huy-gô đã thể hiện một cách chán thực và sâu sắc, gửi trọn vào đó niềm tin vào lẽ sống tình thương của con người và đề cao nó như một chân lý. Giăng-van-Giăng trở thành một hình tượng nhân vật tiêubiểu cho các tác phẩm của Huy-gô nói riêng và văn học lãng mạn Pháp nói chung, tồn tại mãi cùng với thời gian.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có tính chất tiêu biểu cho bút pháp Huy-gô và qua đó cũng in dấu ấn của những nét đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản là những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của Huy-gô. Nhân vật Giăng Van-giăng với hình tượng người anh hùng lãng mạn đối đầu với cường quyền. Đây chính là nhân vật trung tâm được Huy-gô dồn hết tâm huyết và bút lực để miêu tả và qua đó gửi gắm thông điệp về tình thương của mình.

    Nhân vật trung tâm của tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng là Giăng Van-giăng, một người thợ xén cây đã bị tù khổ sai vì ăn cắp một chiếc bánh mì cho bảy đứa cháu nhỏ. Ra tù, anh bị mọi người xua đuổi, trừ đức giám mục Ma-ri-en. Được cảm hóa bằng tình thương, Giăng Van-giăng coi đó là lẽ sống của mình. Sau đó, ông đổi tên thành Ma-đơ-len, trở thành một thị trưởng và chủ nhà máy giàu có. Ông làm việc thiện và tưởng đã cứu vớt được Phăng-tin, cô thợ nghèo phải bán thân, bán răng, bán tóc để nuôi con. Song, gã thanh tra cảnh sát Gia-ve truy ra gốc tích của ông, ông lại rơi vào cảnh tù tội và Phăng tin chết đi mà không gặp được đứa con gái Cô-dét.


    Trong đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” thì Giăng Van-giăng đã xuất hiện trong hoàn cảnh tự lộ diện để cứu người với tâm trạng sẵn sàng bị bắt mọi lúc mọi nơi. Giăng Van-giăng có thái độ với mỗi kiểu người là khác nhau, cho thấy được sự rõ ràng trong nhận thức và cách đối xử giữa người với người.


    Với Gia-ve, ban đầu thì Giăng Van-giăng điềm tĩnh và nhẫn nhục vì sợ làm tổn thương Phăng-tin. Sau đó, ông sẵn sàng hạ mình để cầu xin cho người phụ nữ khốn khổ Phăng-tin: “Tôi cầu xin ông một điều” với giọng thì thầm. Giăng Van-giăng ghé gần Gia-ve, hạ giọng: “-Xin ông thư cho ba ngày! Ba ngày để đi tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu. Nếu muốn, ông cứ đi kèm tôi cũng được”. Chúng ta có thể thấy Giăng Van- giăng sẵn sàng trả giá để cứu Phăng-tin, cho chúng ta thấy được rằng đây là một nhân vật biết hi sinb vì người khác.


    Trung tâm gia sư quận Bình Tân thấy khi Phăng-tin chết, Giăng Văn-giăng tỏ ra rất căm phẫn trước hành động của Gia-ve. Ông nói: “Anh đã giết chết người đàn bà này rồi đó”. Rồi ông chuyển từ thế bị động sang chủ động bằng sức mạnh kì diệu của tình thương thể hiện qua chi tiết “Giăng Van-giăng đi tới, giật gãy trong chớp mắt chiếc giường cũ nát, việc làm chẳng khó khăn gì đối với những có bắp như của ông, ông cầm lăm lăm cái thanh giường trong tay và nhìn Gia-ve trừng trừng, Gia-ve lùi ra phía cửa.” Sau đó, ông đi đến giường của Phăng-tin, Giăng Van-giăng nói: “Tôi khuyên anh đừng quấy rầy tôi lúc này” khiến cho Gia-ve phải thật sự run sợ. Một câu nói đầy cảnh cáo, đe dọa và đầy bản lĩnh đàn ông của Giăng Van- giăng. Khi đã nói đôi lời với Phăng-tin xong thì ông đứng dậy, quay về phía Gia-ve và nói: “Giờ thì tôi đã thuộc về anh” đã thể hiện sự cương quyết, bản lĩnh của mộy người đàn ông rằng anh có thể hi sinh, có thể làm tất cả vì người khác.


    Với Phăng-tin, Giăng Van-giăng có một vai trò to lớn và quan trọng, đó là nơi bám víu, là điểm tựa tinh thần của chị. Giăng Van-giăng luôn nâng niu, che chở cho người đàn bà khốn khổ đang bệnh nặng với mong muốn gặp được đứa con. Ông thực hiện bằng cách nói dối đã đưa Cô-dét trở về. Ông cố sức an ủi, trấn tĩnh tâm lý chị và rồi khi Phăng-tin mất, ông đến gần và nói nhỏ vào tai người đã khuất. Những lời nói đã khiến cho nét mặt chị sáng lên, có một nụ cười không tả được. Cuối cùng, Giăng Van-giăng quỳ xuống trước bàn tay chị, nhẹ nhàng nâng lên và đặt vào đấy một nụ hôn. Giăng Van-giăng đã có những cử chỉ âu yếm, gần gũi nhưng vẫn tạo không khí trang nghiêm, thiêng liêng và tuyệt đối yên tĩnh.


    Nhà văn thông qua nhân vật Giăng Van-giăng để chuyển tải thông điệp tình thương đã giúp con người vượt qua hoàn cảnh thực tại khốn khổ. Nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng một vị cứu tinh, một nhân vật anh hùng. Hình tượng ấy đối lập với Gia-ve. Huy-gô miêu tả trực tiếp Giăng Van-giăng về ngôn ngữ và các chuyển biến về hành động. Miêu tả gián tiếp qua việc giúp đỡ Phăng-tin và qua cảnh tượng mà bà xơ Xem-pli-x ơ đã chứng kiến.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Nói đến V. Huy-gô, cây đại thụ của văn học Pháp thế kỷ XIX, hẳn không ai không biết đến tiểu thuyết Những người khốn khổ. Cùng với Nhà thờ Đức Bà Pa- ri, đây là tiểu thuyết hiện thực phản ánh tư tưởng của nhà văn cũng như hiện thực của xã hội Pháp đầu thế kỷ XIX. Người cầm quyền khôi phục uy quyền là một trích đoạn trong bộ tiểu thuyết. Những người cùng khổ của V. Huy-gô. Đoạn trích không chỉ thể hiện tình cảm của nhà văn đối với các nhân vật, mà còn bộc lộ tư tưởng rõ nét thông qua hai tính cách trái ngược của Giăng Van-giăng và Giơ-Ve..



    Giăng Van-giăng, một tù nhân trốn chạy, một người luôn phải hi sinh vì người khác, nhưng lại gặp phải nhiều oan trái. Gia-ve, một tên mật thám của sở cảnh sát, luôn rình mò để bắt Giăng-van-giăng. Hắn là một người đại diện cho công lí lại là quyền và pháp luật. Nhưng người đại diện cho công lý lại là Giăng-Van-giăng. Một sự trái ngược và đầy mâu thuẫn, khi mà kẻ đại diện cho pháp luật, nhân danh pháp luật lại không bảo vệ được công lý. Còn lý là từ tâm con người mà chỉ có một phần là những luật lệ và nguyên tắc. Bởi những khuôn khổ cứng nhắc khô khan, đôi khi thiếu vắng tình người. Chúng ta hãy nhìn Gia- ve, người cầm quyền khôi phục uy quyền là rõ.


    Giăng-Van-giăng, dưới cái tên Ma-đơ-len đã cứu giúp bao nhiêu số phận bất hạnh, trong đó có Phăng-tin. Người đàn bà ốm yếu gặp nhiều oan trái ấy không biết ông thị trưởng, đáng kính Ma-đơ-len lại chính là tên cướp tên tù khổ sai Giăng-Van-giăng. Một tên kẻ cắp bị bỏ tù vì trót lấy một mẩu bánh mì cho cháu. Khi bị thanh tra Gia-ve đến bắt, Giăng Van-giăng không tỏ ra run sợ hay chạy trốn mà hết sức nhẹ nhàng và điềm tĩnh. Còn Gia ve? Trong cái giọng nói của hắn có cái gì đó man rợ và điên cuồng, "không còn là tiếng người nói mà là tiếng thú gầm". Bản chất con người bộc lộ ngay từ hình dạng, lời nói, hành động cho đến thái độ.


    Quả đúng vậy. Qua cách miêu tả của nhà văn, ngoài thanh tra mật thám của sở cảnh sát hiện lên chẳng khác một loại cầm thú. Bộ mặt Gia-ve gớm ghiếc đến tởm lợm làm những con người yếu đuối phải sợ hãi. Còn với những người như Giăng Van-giăng, hắn coi như "một đồ vật lạ lùng", hắn đã ôm ghì năm năm mà không hề quật ngã. Điều ấy hẳn đã làm hắn điên đầu suốt năm năm qua. Bởi lẽ quyền lực như hắn mà không làm gì được Giăng-Van-giăng, tên kẻ cắp phải đi tù vì một mẩu bánh mì và chỉ khi bắt được tên trốn tù, hắn mới thấy sung sướng hả hê. Chỉ như vậy hắn mới thấy mình sống có ý nghĩa và quyền lực của hắn mới có đất dụng võ. Một cái nhìn "hào phóng", hắn ban cho những kẻ tội đồ gớm ghiếc như mũi dao đâm vào tận xương tuỷ. Hắn như con thú muốn nuốt chửng con mồi, như tên thợ săn lâu ngày chưa kiếm được khúc thịt nào cho ra hồn.Vì vậy, khi hắn túm được cổ áo ông-Thị trưởng Ma-đơ-len thì hắn sung sướng.


    Hắn như cáo già bắt gặp gà con. Hắn phá lên cười khi Phăng-tin gọi ông thị trưởng. Cái cười ghê tởm phô ra cả hai hàm răng. Sự miêu tả ấy của nhà văn còn chứa đựng cả sự khinh ghét ghê tởm của con người đối với kẻ đại diện cho quyền lực, Gia- ve tự cho mình là kẻ mạnh, là kẻ nắm công lí và công bằng cho xã hội. Vậy nên chỉ một sự cầu xin của Giăng-Van-giăng để tìm con cho Phăng-tin, hắn cũng không nghe. Hắn không thấy nỗi đau mất con trong đôi mắt của người đàn bà khốn khổ. Do vậy, hắn cũng không nhìn thấy được tấm chân tình của Giăng-Van-giăng. Bởi hắn không có tình người và suy nghĩ phải nắm chắc lấy con mồi mà hắn đã để tuột mất năm năm trời. Trước mắt hắn không có con người khốn khổ, cũng không có vị hiệp khách nào.


    Chỉ có gã thợ săn đang nắm lấy con mồi là Giăng-Van-giăng, miếng thịt ngon mà hắn phải cất nhiều công mới tìm được. Chính vì sự tàn nhẫn ấy của hắn đã đẩy con người khốn khó Phăng-tin vào chỗ chết. Lời buộc tội của Giăng-Van-giăng cũng chính là lời kết tội của nhà văn đối vói bọn cầm quyền. Đối với những người như Gia- ve không có gì bằng quyền lực. Quyền lực là vạn năng và chúng chẳng cần đến trái tim; đến tình người. Đến nỗi khi Phăng-tin chết và Giăng-Van-giăng nổi giận, hắn cũng sợ lắm, nhưng cái hắn sợ hơn là để xổng mất Giăng Van- giăng, để mất uy quyền. Thế nên dù sợ hãi, hắn vẫn đứng canh và mắt không rời tên tù khổ sai đang quỳ bên xác người chết. Một loại cầm thú mang trên mình bộ mặt con người. Trong xã hội Pháp lúc bây giờ có biết bao nhiêu kẻ như Gia-ve? Quyền lực lấn át cả tình người, dìm biết bao nhiêu kiếp người nhỏ bé xuống bùn đen của xã hội.


    Trái với Gia-ve, tên tù khổ sai Giăng-Van-giăng bị coi là mọt họng lại hiện lên như một hình tượng cao đẹp. Giăng không có ý định chạy trốn. Ông chỉ muốn làm nốt nghĩa vụ cuối cùng đối với một con người, tìm lại đứa con cho Phăng-tin. Và nếu Gia-ve được miêu tả hết sức sinh động qua từng lời nói, ánh mắt, thái độ..., thì Giăng chỉ là một "cái bóng mờ", cái bóng làm tăng thêm sự tàn ác của Gia-ve. Chỉ đến đoạn trích, khi Giăng sửa sang cho phăng- tin và thì thầm vào tai Phăng-tin thì ông mới hiện rõ. Tuy nhiên, dù chỉ là "cái bóng mờ" ở phần đầu đoạn trích, nhưng hình ảnh của Giăng vẫn hiện nên rõ nét, đặc biệt cuối đoạn.


    Quả là phi lí. Thế nhưng hiện thực luôn chứa đựng những nghịch lí. Đỡ Phăng-tin lên giường, ông ngồi mải miết yên lặng và chẳng nghĩ đến điều gì trên đời này nữa. "Trong nét mặt và dáng điệu ông chỉ thấy một nỗi thương xót không tả". Ông thương cho người đàn bà đã chết không gặp lại con. Thương cho phận mình lại sắp trở thành tù khổ sai. Hay thương cho một xã hội với một kiếp người như ông và người cẩm thú như Gia-ve? Ông đã nói những gì với Phăng tin? Không ai biết. Chỉ biết rằng khi ấy, trên khuôn mặt nhợt nhạt của Phăng-tin có một nụ cười rạng rỡ và sáng lên một cách lạ thường "chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại". Đi lên thiên đường? Và đó là phải chăng là sự giải thoát duy nhất đối với những kiếp người nghèo khổ. Nâng bàn tay Phăng-tin lên và nhẹ nhàng đặt vào đó một nụ hôn. Giăng-Van-giăng tiễn đưa chị vào cõi vĩnh hằng và cũng tiễn đưa được kiếp người thoát khỏi nỗi khổ.


    Như vậy, với ngòi bút miêu tả tinh tế và giàu cảm xúc, V. Huy-gô đã xây dựng nên hai tính cách trái ngược nhau đại diện cho hai lớp người khác nhau. Qua đó cũng chứng tỏ được tình cảm của nhà văn với các nhân vật của mình. Đặc biệt là Giăng-Van-giăng, một người tù khổ sai nhưng giàu lòng nhân ái.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Victor Hugo là một thiên tài của nền văn học Pháp. Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà thờ Đức bà Pa-ri, Lao động và biển cả, Thằng cười, .... Những người khốn khổ là một trong những bộ tiểu thuyết gắn liền với sự nghiệp của ông. Bộ tiểu thuyết không chỉ phản ánh được hiện thực xã hội lúc bấy giờ mà còn thông qua đó nói lên tiếng nói nhân đạo, sự cứu rỗi con người bằng lòng bao dung và tình yêu thương. Tác phẩm đã rất thành công trong việc xây dựng hệ thống các nhân vật với những tính cách điển hình, đặc biệt, trong đoạn trích "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" đã thể hiện rõ nét đối lập trong tính cách giữa Jean Valjean và Javert. Từ đó, thể hiện được tầm cao tư tưởng của tác phẩm.


    Javert - một kẻ luôn luôn nắm bắt pháp luật, coi pháp luật là độc tôn. Với hắn, cường quyền cao nhất là pháp luật, là một đại diện tiêu biểu nhất cho chính quyền, cho khuôn khổ của pháp luật. Hắn luôn nghi ngờ Jean Valjean, luôn quan sát và theo dõi những hành động của ông. Javert như một con ác thú gian mãnh chực chờ vồ lấy con mồi, một kẻ tay sai của cường quyền, vô cùng kiêu ngạo và hống hách. Ngoại hình của hắn đã bộc lộ bản chất phần nào trong con người hắn: "cặp mắt như cái móc sắc", "bộ mặt gớm ghiếc", "cái cười ghê tởm nhe tất cả hai hàm răng". Trong cử chỉ, ngôn ngữ và hành động của hắn thể hiện rõ một kẻ tiểu nhân, tàn bạo và và nham hiểm, thô lỗ, vô văn hóa. Javert như một con chó sói hung hãn vui sướng khi bắt được kẻ tình nghi.


    Trước một người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh, chực chờ trước cái chết. Một Fantine đang hấp hối, đau đớn vậy mà chẳng mảy may để ý, thương xót hay quan tâm mà ra sức quát tháo như một kẻ vô học để thị uy Jean Valjean, một kẻ lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Chính lời nói của hắn đã khiến cho người phụ nữ tội nghiệp đến đáng thương kia ngày cả niềm hi vọng cuối cùng được gặp lại con gái của mình cũng bị dập tắt. Chính hắn là kẻ đã gieo nơi tâm hồn tội nghiệp kia - một người đang đứng trước sinh mệnh vào cõi tuyệt vọng vô bờ bến khi nghe được tiếng quát tháo của hắn vào ngài thị trưởng. Chấm dứt niềm ao ước gặp con lần cuối của chị. Đứng trước tình mẫu tử thiêng liêng bị chia cắt, ai cũng mủi lòng xót xa cho Fantine, vậy mà hắn vẫn lạnh như đá, giận giữ và quát tháo điên cuồng: "Giờ lại đến lượt con này. Đồ khỉ có câm họng đi không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng. Nhưng này! Sẽ thay đổi hết; đã đến lúc rồi đấy!"


    Một kẻ có tính cách khiến người ta phải kinh hãi, sợ sệt và căm phẫn. Hắn đã chà đạp lên quyền được yêu thương, được cưu mang và trân trọng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Hắn đã nhân danh pháp luật hà khắc, nhân danh cường quyền mà "giết người" một cách tàn nhẫn. Một kẻ mất hết tính người, vô lương tâm, tàn ác.


    Nhưng có lẽ, nếu xã hội ấy chỉ tồn tại những con người như vậy thì khó thể tồn tại và phát triển, đâu đó cũng còn những tình thương, lòng tốt dành cho nhau của những người cùng khổ. Đâu đây, bóng dáng của một người thị trưởng Jean Valjean nhiệt huyết và giàu vị tha cũng khiến ta nhẹ lòng và biết mình cần phải sống và biết yêu thương. Trái ngược hoàn toàn với Javert, Jean Valjean luôn ấm áp trong từng hành động, trong lời nói và tính cách. Ông chấp nhận ra thú tội để cứu người bị bắt oan kia, cũng không màng đến việc mình sẽ bị bắt vào tù. Cái ông lo lắng lúc này là Fantine, ông dành tất cả sự quan tâm và tình yêu thương của mình cho người phụ nữ đang trong cảnh khốn cùng ấy.


    Trong cơn sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy mặt Javert, ông đã trấn tĩnh chị bằng giọng nói nhẹ nhàng, điềm tĩnh: "Chị yên tâm". Ông luôn tìm cách để cứu con gái của chị ra, đó là tất cả tình thương, là niềm yêu vô bờ bến của một người phụ nữ lúc này, đứa con chính là tài sản duy nhất mà chị có được. Ông đã van xin Javert cho thời hạn để giúp Fantine chuộc lại con, chấp nhận phải chịu hình phạt nặng nề cho chính mình. Từng câu nói thốt ra của ngài thị trưởng đều toát lên sự quan tâm, lo lắng dành cho người phụ nữ tội nghiệp, chấp nhận hi sinh chính mình để bảo vệ, cứu vớt mạng sống của con người.


    Đó là tính cách độ lượng và giàu lòng thương người, sự cảm thông với nhau giữa những khốn cùng của cuộc sống. Một tinh thần cao đẹp tuyệt vời trái ngược với sự bẩn thỉu, cay nghiệt của tên cầm quyền Javert. Hắn càng tỏ thái độ, càng hống hách, kịch liệt bao nhiêu thì Jean Valjean lại càng nhún nhường, nhẫn nhịn bấy nhiêu. Bởi ông hiểu ông cái cần thiết lúc này là cứu mạng sống con người, là cho Fantine tia hy vọng được gặp lại con mình. Nhưng cuối cùng, Fantine chấp nhận cái chết trong đau đớn, tủi nhục và tuyệt vọng. Chính lúc này, Jean Valjean càng đau khổ khôn xiết.


    Tác giả đã thành công trong nghệ thuật xây dựng hai nét tính cách đối lập giữa Jean Valjean và Javert nhằm thể hiện tư tưởng nhân đạo. Đó là tình thương vươn tới những chân giá trị tốt đẹp, bằng tình thương và chỉ có tình thương con người mới trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy